MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc “tiến thoái lưỡng nan”

29-03-2009 - 07:59 AM | Tài chính quốc tế

Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã đánh giá quá thấp tác hại của việc thừa năng lực sản xuất bởi họ quá tập trung vào tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.

Việc chi tiêu vào các công trình công cộng có thể khiến ngành sản xuất đi xuống.

 

Một số giám đốc điều hành và chuyên gia kinh tế cho rằng việc chính phủ Trung Quốc đầu tư nhiều vào nền kinh tế có thể khiến năng lực sản xuất của nhiều ngành từ thép cho đến hoá dầu tiếp tục thừa thãi.

 

Xét đến khó khăn hiện tại của ngành sản xuất Trung Quốc, khi số lượng các nhà máy ngưng hoạt động tăng dần, bất đồng về thương mại sẽ tăng cao khi các nhà máy của Trung Quốc cố gắng xuất hàng ra nước ngoài trong khi công ty thép Mỹ và châu Âu hiện đã cố gắng hạn chế nhập khẩu.

 

Ông Joerg Wuttke, chủ tịch phòng thương mại của Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, nhận xét hiện nay Trung Quốc đã chịu tác động tiêu cực từ việc năng lực sản xuất thừa tại một số ngành.

 

Khi tăng đầu tư để giúp một số công ty hoạt động, nền tảng công nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Ông cho rằng một số nhà hoạch định chính sách kinh tế đã đánh giá quá thấp tác hại của việc thừa năng lực sản xuất bởi họ quá tập trung vào tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.

 

Trung Quốc là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới và đứng thứ ba trên thế giới về sản xuất phương tiện. Nguồn cung của những sản phẩm này vượt quá nhu cầu tại cả thị trường nội địa cũng như thị trường nước ngoài. Theo Bộ Công Nghiệp Trung Quốc, 30% nhà máy sản xuất nhôm, 20% nhà máy sản xuất xi măng, kính và 70% nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Trung Quốc hiện không hoạt động.

 

Kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế trị giá 585 tỷ USD của Trung Quốc có mục tiêu giải quyết một phần của vấn đề. Bằng việc đẩy mạnh xây dựng các công trình công cộng, chính phủ có thể kích cầu tiêu thụ đối với sản phẩm như thép, giảm bớt công suất thừa tại các nhà máy.

 

Tuy nhiên khi các nhà hoạch định chính sách kinh tế nới lỏng hoạt động cho vay ngân hàng và nhanh chóng chấp thuận dự án lớn như xây dựng nhà máy hoá dầu, kế hoạch này sẽ đưa đến kết thúc năng lực sản xuất ngày một thừa thãi hơn nữa.

 

Bà Hu Yifan, chuyên gia kinh tế trưởng của Citic Securities tại Hồng Kông, nhận định kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế này của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ khiến năng lực sản xuất tiếp tục thừa thãi. Điều quan trọng Trung Quốc cần làm trong lúc này là kích cầu nội địa bởi thị trường thế giới sẽ không thể hấp thu hết số sản phẩm sản xuất ra.

 

Tuy nhiên chuyên gia kinh tế Wensheng Peng tại Barclays Capital cho rằng không nên xét đến điều kiện kinh tế hiện nay để cho rằng liệu năng lực sản xuất trong dài hạn có thừa hay không : “Khi kinh tế đi xuống, cung thường vượt qua cầu. Tôi nghĩ rằng phần lớn các nền kinh tế trên thế giới hiện nay đều phải trải qua tình trạng này.”

 

Những năm gần đây, ngành công nghiệp của Trung Quốc mở rộng với tốc độ chưa từng có. Mức độ đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghiệp xét trên tương quan với nền kinh tế cao hơn cả mức đầu tư của Trung Quốc hay Hàn Quốc thời kỳ đỉnh cao.

 

Việc đầu tư nhiều như vậy sẽ không gây ra vấn đề gì lớn nếu kinh tế nước này vẫn tăng trưởng 10%. Tuy nhiên khi người Mỹ ngày một tiết kiệm, Trung Quốc cần phải điều chỉnh xuất khẩu trong những năm tới.

 

Chuyên gia kinh tế trưởng Louis Kuijs tại Ngân hàng Thế giới nhận xét khi kinh tế thế giới vẫn suy yếu, công suất của ngành sản xuất có thể không được tận dụng hết và nhiều thế bị bỏ phí.

 

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa mạnh tay đóng cửa hoàn toàn các nhà máy không còn hoạt động. Năm 2007, nước này đã áp dụng luật phá sản mới, tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách cho biết luật này chưa được sử dụng nhiều.

 

Cùng với kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế, chính phủ Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh kế hoạch tái cơ cấu ngành công nghiệp nặng. Theo thông báo vào tháng 2/2009 của cơ quan chính sách kinh tế Trung Quốc, những mục tiêu của kế hoạch này là ngăn sự bùng nổ của những ngành vốn đã dư thừa sản xuất.

 

Dù kế hoạch còn chưa được công bố chi tiết song nhiều khả năng sản xuất cũng sẽ không thu hẹp. Nếu hoạt động hết công suất, ngành thép Trung Quốc sản xuất ra 660 triệu tấn thép năm 2008 tuy nhiên trên thực tế sản lượng chỉ là 500 triệu tấn. Bản dự thảo kế hoạch yêu cầu ngành thép hạ sản lượng khoảng 25 triệu tấn vào năm 2011 như vậy quy mô của ngành mới chỉ thu hẹp một phần, không nhiều so với mức độ dư thừa thực tế.

 

Cũng dễ hiểu khi Trung Quốc muốn giúp những ngành chủ lực phát triển và không đóng cửa nhà máy trong ngành này. Mỹ cũng hành xử như vậy khi họ thể hiện sự ngại ngần trong việc để các hãng ô tô phá sản.

 

Ngành ô tô Trung Quốc cũng có nhiều nỗi lo. Ngành có thể sản xuất 12 triệu chiếc ô tô/năm, tuy nhiên năm 2008, ngành chỉ bán được 9,37 triệu chiếc. Chính phủ khuyến khích các hãng xe ô tô sáp nhập tuy nhiên không hề kêu gọi thu hẹp sản xuất và còn có kế hoạch sẽ củng cố cho các công ty ô tô lớn.

 

Ngọc Diệp

Theo WSJ

 

 

ngocdiep

Trở lên trên