MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc trong quá trình dịch chuyển Đông - Tây

20-04-2009 - 14:49 PM | Tài chính quốc tế

Ở Trung Quốc, trọng tâm tăng trưởng kinh tế đang chuyển dần vào nội địa từ khu vực duyên hải, nói cách khác trọng tâm tăng trưởng đang từ phía Đông sang phía Tây.

Suốt 30 năm qua, khu vực duyên hải vốn là trung tâm tăng trưởng kinh tế đông đúc và sầm uất nhất của Trung Quốc.

 

Sự chuyển dịch này có một số điểm tương đồng với sự chuyển dời về phía Tây tại Mỹ thế kỷ 19 và có khả năng thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa một khu vực rộng lớn nhưng bị lãng quên của Trung Quốc với khu vực ven biển bao lâu vẫn là tâm điểm thu hút đầu tư của chính phủ Trung Quốc và các công ty nước ngoài.

 

Công ty ông Steve Smith làm việc hiện nay cũng đang trong xu thế chuyển dịch đó. Công ty Measurement Specialties, công ty chuyên sản xuất bộ cảm biến dùng trong mọi thiết bị, gần đây công bố thâu tóm một công ty tại huyện Thành Đô, trung tâm tỉnh Tứ Xuyên.

 

Ông Smith hiện là quản lý chi nhánh tại châu Á của công ty. Ông đang cân nhắc chuyển một số hoạt động không thuộc lĩnh vực sản xuất chủ đạo sang huyện Thành Đô. Mức lương nhân công ở đây chỉ bằng 80% mức lương tại Thâm Quyến – thành phố tiếp giáp Hồng Kông và là một trong những thành phố thịnh vượng nhất Trung Quốc.

 

Ông dự đoan đó có thể sẽ là xu thế thuê gia công sắp tới cho hoạt động của tập đoàn ông, mở rộng sản xuất tại Thành Đô là nền móng ban đầu. Câu chuyện về công ty Measurement Specialties có thể là dự báo về khả năng khu vực lục địa Trung Quốc có thể là trung tâm tăng trưởng kinh tế tiếp theo của Trung Quốc.

 

Ông Qu Hongbin, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng HSBC, nhận xét dù việc nhu cầu thế giới đi xuống ảnh hưởng đến lòng tin người tiêu dùng tại khu vực phát triển theo định hướng xuất khẩu, tuy nhiên phần lớn người tiêu dùng trong lục địa Trung Quốc không chịu quá nhiều ảnh hưởng từ việc xuất khẩu suy giảm và thị trường địa ốc đi xuống.

 

Đầu tư vào tài sản cố định ở miền Đông Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2009 tăng 15,4% so với một năm trước. Tại khu vực trung tâm và phía Tây Trung Quốc, đầu tư vào tài sản cố định tăng 34,3% và 46,7%.

 

Quý 1/2009, chỉ số lòng tin của doanh nghiệp ở miền Tây Trung Quốc cao hơn ở khu vực miền Đông.

 

Ông Sherman Chan, chuyên gia kinh tế học tại Moody Economy.com, nhận xét sự phân phối lại những trọng tâm công nghiệp phản ánh về tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp. Tăng trưởng công nghiệp thập kỷ qua tập trung chủ yếu ở khu vực phía Đông, vì thế tiềm năng tại nhiều khu vực khác chưa được khai thác hết, đặc biệt là khu vực miền Tây và trung tâm Trung Quốc.

 

Khu vực tăng trưởng nhanh nhất Trung Quốc cho đến nay vẫn là khu Nội Mông với nhiều tài nguyên khoáng sản. Từ năm 2003 đến năm 2008, tốc độ tăng trưởng khu vực này lên tới 19,7%/năm. Ở khu vực này, số người làm trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm đến 70% tổng dân số. Thu nhập của người dân thành thị cao gấp 3,3 lần thu nhập của người dân nông thôn.

 

Lo lắng về khoảng cách giàu nghèo ngày một tăng, chính phủ Trung Quốc đưa ra chương trình “Go West” tạm dịch “Hướng về phía Tây” năm 1999, chính sách này sau đó nhận được nhiều sự ủng hộ từ Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khi ông nhậm chức năm 2002.

 

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bỏ đi loại thuế nông nghiệp đã tồn tại nhiều thế kỷ, tạo điều kiện cho học sinh khu vực nông thôn được đến trường mà không phải đóng học phí, ngoài ra họ còn áp dụng chương trình bảo hiểm y tế với nhiều ưu đãi hơn.

 

Không chỉ có vậy, chính phủ Trung Quốc cho phép chính quyền địa phương lần đầu tiên phát hành trái phiếu, hạn ngạch cấp cho khu vực trung tâm và miền Tây Trung Quốc cao hơn khu vực phía Đông.

 

Bà Yolanda Fernandez-Lommen, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Phát triển châu Á, nhận xét các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho đến gần đây đã mạnh tay hơn trong việc thu hẹp khoảng cách thu nhập của người dân.

 

Để duy trì xu thế này, việc cải tổ về ngân sách là cần thiết. Chính phủ Trung Quốc nên có thêm chính sách hỗ trợ các tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc có đủ tiền để chi tiêu cho các chương trình xã hội.

 

Bất chấp những thách thức, nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng xu thế hiện nay sẽ tiếp tục được duy trì. Dựa trên chương trình hỗ trợ nông dân mua các sản phẩm gia dụng trong gia đình do chính phủ Trung Quốc mới đưa ra gần đây, chuyên gia kinh tế Glenn Maguire thuộc ngân hàng Société Générale – Pháp, dự đoán từ nay đến năm 2012 sẽ có khoảng 600 triệu thiết bị gia đình với tổng giá trị khoảng 1,6 nghìn tỷ nhân dân tệ tương đương 230 tỷ USD được bán tại khu vực nông thôn.

 

Tính tổng, tiêu thụ tại khu vực nông thôn sẽ đóng góp thêm 2,5% vào tăng trưởng GDP hàng năm từ nay cho đến đó.

 

Nếu những dự đoán của ông trở thành hiện thực, chính phủ Trung Quốc bằng chương trình hỗ trợ khu vực nông thôn đã làm được nhiều việc một lúc: tìm kiếm đầu ra cho năng lực sản xuất dư thừa, kích thích tiêu dùng nội địa để bù lại cho xuất khẩu suy giảm, ngoài ra là thu hẹp khoảng cách tăng trưởng giữa khu vực ven biển và nội địa của Trung Quốc.

 

Vậy những trung tâm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc như Thượng Hải hay Thẩm Quyến sẽ ra sao? Những trung tâm tăng trưởng này đang nhường lại công việc sản xuất cơ bản cho các vùng khác để tập trung vào hoạt động mang lại giá trị cao.

 

Ví dụ điển hình nhất là Intel, hãng sản xuất các sản phẩm bán dẫn lớn nhất thế giới, đã công bố sẽ đóng cửa nhà máy ở Thượng Hải để chuyển dây chuyền sản xuất chip và kiểm tra sản phẩm sang Thành Đô. Trụ sở chính và trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm sẽ vẫn đóng tại Thượng Hải.

 

Ngọc Diệp

Theo Nytimes

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên