MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc và chỗ 'đứng chân' không vững tại Myanmar

26-08-2013 - 09:37 AM | Tài chính quốc tế

Bắc Kinh đã gặp khó khăn trong việc che giấu mặt trái và những tham vọng.

Với mục đích duy trì ổn định tại khu vực biên giới, đồng thời cải thiện môi trường giao thương, những năm qua, Trung Quốc đã tỏ ra chú trọng cải thiện quan hệ với một số quốc gia láng giềng. Để làm điều này, một trong những sách lược thường được Trung Quốc áp dụng là xây dựng và duy trì quan hệ "đặc biệt" với chính phủ cũng như giới lãnh đạo các quốc gia này. Tuy nhiên, cùng với thời gian, nhược điểm của sách lược này ngày càng bộc lộ rõ: đó là mối nghi ngại trong lòng người dân các nước với Trung Quốc. Và, Myanmar là một trường hợp điển hình.

Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn xác định lợi ích của họ ở Myanmar là sự ổn định, an ninh biên giới, an ninh đầu tư cũng như kết nối giao thương với nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, trong khi theo đuổi mục tiêu này, Bắc Kinh đã gặp khó khăn trong việc che giấu mặt trái và những tham vọng.

Đến giờ, Bắc Kinh dường như đã nhận ra rằng việc chỉ tập trung vào xây dựng quan hệ với chính phủ và giới lãnh đạo, mà phớt lờ những nhu cầu và lợi ích của người dân, không còn đem lại hiệu quả.

Lợi ích và đầu tư của Trung Quốc tại các vùng dân tộc ở Myanmar, đặc biệt là bang Kachin, đang vấp phải những vấn đề nghi ngại cơ bản liên quan đến quyền tự quyết về chính trị. Và rõ ràng, trước đó các nhà đầu tư Trung Quốc dường như không để ý một điều là việc chuyển nhượng quyền sở hữu đất đai và tài nguyên tại đây động chạm trực tiếp đến những vấn đề nhạy cảm như chủ quyền và hòa hợp dân tộc.

Tại bang Kachin, hai khoản đầu tư mà Trung Quốc đạt được nhờ quan hệ đã gặp trở ngại: dự án nhà máy thủy điện hợp lưu Myitsone và dự án đường ống dẫn dầu Trung Quốc - Myanmar do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) sở hữu.

Cả hai dự án trên đều do các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đầu tư, nhưng thiếu tầm nhìn dài hạn và bỏ qua môi trường đầu tư. Cho đến nay, Myanmar vẫn chưa có cơ chế cấp quyền sở hữu đất. Thêm vào đó, trong khi các công ty như CNPC và Tập đoàn Đầu tư Điện lực Trung Quốc (CPI) đã hưởng lợi từ quá trình tái định cư dễ dãi, họ lại không bồi thường thỏa đáng để những người dân buộc phải di dời xây dựng lại cuộc sống.

Không may mắn như dự án đường ống dẫn dầu, chính phủ dân sự Myanmar mới đây đã ra lệnh tạm dừng việc xây dựng đập Myitsone khi mà khu vực hợp lưu vẫn là khu vực cấm. Mặc dù vậy, theo các nguồn tin địa phương, phía Trung Quốc đã sử dụng khu vực này để khai thác vàng. Và, giống như ở những nơi khác, các công ty Trung Quốc bao thầu toàn bộ các hạng mục công việc làm cho các công ty địa phương "chầu rìa". Đồng thời, các chất sử dụng trong khai thác vàng gây ô nhiễm trầm trọng môi trường, nguồn nước, và gây ra nhiều vấn đề về y tế và xã hội.

Để che dậy, Trung Quốc đã đưa ra “chiến dịch quyến rũ”. Mục đích của chiến dịch này nhằm xoa dịu phản ứng tiêu cực của người dân bằng việc đưa ra những đề nghị ưu đãi tốt hơn cho địa phương, nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là tiếp tục dự án trên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá rằng, việc làm này là "lợi bất cập hại", khi mà ấn tượng cho rằng Trung Quốc đang chơi trò “hai mặt” đã ăn sâu vào nhận thức người dân.

Trước mắt, để khắc phục những bất cập từ chính sách tại Myanmar, Trung Quốc cần tập trung xóa đi những ấn tượng tiêu cực trong tầng lớp dân chúng. Và về trung hạn, Trung Quốc cần có một tầm nhìn rộng hơn, chứ đừng loanh quanh với những dự án đầu tư bị đình chỉ.

Theo Nguyễn Nam

huongnt

Tin Tức

Trở lên trên