MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TTCK Trung Quốc - Khi đổ vỡ nhanh chóng bị lãng quên

01-12-2015 - 00:00 AM | Tài chính quốc tế

​Tháng 7/2015, bong bóng chứng khoán Trung Quốc vỡ. Nhưng tính về lâu dài, đây vẫn là kênh đầu tư sinh lời.

Fang Zhengdao mở cửa hàng trong một ngày mưa giữa tháng 10, một tay cầm chiếc ô màu vàng, một bên cầm mảnh giấy viết tay. Đã 2 tháng trôi qua kể từ khi chứng khoán Trung Quốc chao đảo. Theo ông Fang, đã đến lúc để bắt đầu lại việc rao bán cổ phiếu.

Dù có vẻ như chẳng ai cần lời khuyên từ một ông già 64 tuổi, ông vẫn vững tâm quay lại.

"Tôi sẽ tiếp tục, để giúp đỡ những người khác đầu tư vào chứng khoán. Tôi vừa kiếm được tiền mà người khác cũng được lợi. Các chỉ số sẽ tăng nhanh thôi." Ông vốn là một kỹ sư nhà nước nghỉ hưu, bắt đầu giao dịch cổ phiếu từ năm 1994.

Dù cho hơn 5.000 tỷ USD vốn hóa đã bốc hơi khỏi TTCK Trung Quốc trong cơn chao đảo mùa hè vừa qua, Fang chính là biểu tượng của sự lạc quan hiện hữu trong 97 triệu nhà đầu tư cá nhân tại quốc gia này. Không chỉ những nhà đầu tư kỳ cựu bám trụ với chứng khoán, các nhà đầu tư mới đã xuất hiện. Một vài ngân hàng và quỹ quản lý tiền tệ lớn nhất thế giới cũng bước vào Trung Quốc, trong số đó có Goldman Sachs Group Inc và Franklin Templeton Investments. Tất cả đều cho rằng trong dài hạn, thị trường sẽ đi lên.

Chứng khoán tăng 3.548%

Với cú sốc hồi tháng 8, không khó hiểu khi nhiều người vẫn bi quan về chứng khoán Trung Quốc. Tuy nhiên, về lâu dài, đây vẫn là thị trường mang lại lợi nhuận tốt. Sau 25 năm kể từ ngày thành lập sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite đã tăng đến 3.548%. Trong cùng khoảng thời gian này, chỉ số MSCI Emerging Markets (theo dõi diễn biến của các thị trường mới nổi) tăng 348% còn chỉ số Standard & Poor tăng 533%.

Theo Kinger Lau, một nhà phân tích chiến lược đến từ Goldman Sachs chi nhánh Hồng Kông, nếu nhìn vào lãi gộp của một cổ phiếu loại A tính từ những năm 1990, ta sẽ thấy nó mang lại lợi nhuận không nhỏ. Theo ông Kinger Lau, trong 1 năm tới, chỉ số CSI 300 sẽ tăng 6%.

Dĩ nhiên, những con số ấn tượng kể trên có được là nhờ sự bùng nổ kinh tế chưa từng có trong lịch sử và có lẽ cũng không thể lặp lại bởi dân số Trung Quốc đang già đi. Để chứng khoán tăng trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, nước này sẽ phải tuân thủ chặt chẽ những cam kết về nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ đầu tư sang tiêu thụ.

Vấn đề giá trị

Đối với Mark Mobius - người đã có trên 40 năm kinh nghiệm đầu tư vào các thị trường mới nổi, lãnh đạo Trung Quốc sẽ làm đúng theo cam kết. Tháng 9/2015, theo đúng như giới đầu tư mong đợi, chính phủ Trung Quốc công bố các nguyên tắc mới để các doanh nghiệp nhà nước làm ăn có hiệu quả hơn, nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách các công ty lớn hoạt động thiếu hiệu quả và nỗ lực tăng cường vai trò của kinh tế tư nhân. Chính quyền Trung Quốc cũng cam kết sẽ đưa ra chi tiết của các chính sách mới vào cuối năm nay.

Trong khi đó, quá trình chuyển đổi kinh tế đã và đang được tiến hành. Trong tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm nay, tiêu thụ chiếm hơn 58% còn đầu tư chỉ chiếm 43%. Ước tính doanh thu bán lẻ tháng 10 tăng 11%, nhưng trên thực tế, tăng trưởng của ngành còn cao hơn thế. Chỉ trong ngày độc thân 11/11, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đã thu về con số kỷ lục 91,2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 14,3 tỷ USD).

Tuy chặng đường còn nhiều chông gai, có thể thấy kinh tế Trung Quốc đang đi đúng hướng. Nhà đầu tư có thể nhìn thấy rõ ràng quá trình chuyển đổi đang diễn ra. Đây cũng là lý do vì sao nền kinh tế này hấp dẫn nhà đầu tư đến vậy.

Lên bổng xuống trầm

Trên TTCK Trung Quốc, hàng loạt cổ phiếu tăng mạnh nhưng sau đó giảm mạnh không phải là chuyện hiếm. Shanghai Composite Index tăng 60% trong nửa đầu năm, sau đó giảm mạnh. Trước đó chỉ số này đã giảm điểm trong suốt 5 năm. Kể từ năm 1990, chứng khoán Trung Quốc trải qua 55 lần biến động lên xuống, con số gấp hơn 6 lần so chỉ số S&P 500. Hiện nay, các nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm hơn 80% trong tổng số các nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Sau khi bong bóng chứng khoán vỡ, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách can thiệp rất sâu vào thị trường. Tuy nhiên, điều đáng sợ là từ đó đến nay, thị trường chứng khoán Thượng Hải vẫn bị các nhà đầu cơ nhỏ lẻ chi phối.

Theo ông Kai Kong Chay, chuyên gia đến từ quỹ Manulife Asset Management Hồng Kông, sự can thiệp của chính phủ trong năm nay có thể coi là chiến lược “lùi một bước để tiến ba bước”, nếu như các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc học hỏi được nhiều điều từ những sai lầm trước đây để có định hướng tốt hơn trong tương lai.

Con đường cải cách

Một số biện pháp can thiệp đã được đưa ra từ khi bong bóng chứng khoán bị vỡ, trong đó có các biện pháp như tạm dừng phát hành IPO và tạm ngừng hoạt động bán khống chứng khoán. Các nhà hoạch định chính sách cũng đang ấp ủ kế hoạch áp dụng một hệ thống IPO kiểu Mỹ trong năm tới. Họ đã bắt đầu thử nghiệm sàn giao dịch tại Hong Kong liên kết với sàn chứng khoán lớn thứ hai của Trung Quốc ở Thâm Quyến.

Trong vòng 20 năm qua, chứng khoán đi lên và đi xuống. Ông Fang đã phải thanh lý nhiều tài sản nhưng vẫn cho rằng: điều tuyệt vời của chứng khoán Trung Quốc là việc nó luôn luôn phục hồi sau mỗi đợt đi xuống. “Tôi đã thấy tất cả những thăng trầm, và tôi vẫn có niềm tin", ông Fang cho biết.

Thu Trang

Bloomberg

Trở lên trên