MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ sự cố của AirAsia ngẫm về hàng không châu Á

31-12-2014 - 09:32 AM | Tài chính quốc tế

Đông Nam Á là một trong những thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Những vụ tai nạn xảy ra liên tiếp sẽ không thể khiến người châu Á ngừng việc di chuyển bằng máy bay.

Hôm nay (30/12), các quan chức Indonesia đã chính thức xác nhận thông tin vớt được những mảnh vỡ và thi thể từ chiếc máy bay QZ8501 của hãng AirAsia. Chiếc máy bay này mất tích cách đây 2 ngày khi mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu trong khi đang bay qua vùng có thời tiết không thuận lợi trên biển Java. Máy bay chở 162 người và hầu hết trong số họ là người Indonesia. 

Gần như chắc chắn là một vụ tai nạn, vụ việc xảy ra vào thời điểm chỉ còn mấy ngày nữa là kết thúc năm 2014 – một năm thảm họa trong lịch sử hàng không Đông Nam Á. Các bên liên quan vẫn chưa tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của MH370 – chiếc máy bay mất tích trên Ấn Độ Dương cách đây 9 tháng với 239 hành khách và phi hành đoàn. Đến tháng 9, máy bay MH17 – cũng của Malaysia Airlines – rơi ở Ukraine và tất cả 298 người có mặt trên máy bay đều thiệt mạng.

Những thảm họa này đang khiến sức hấp dẫn của Đông Nam Á đối với khách du lịch bị suy giảm, đặc biệt là khách Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu đi du lịch bằng máy bay vẫn rất lớn ở khu vực này. Đông Nam Á là một trong những thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Các hãng hàng không ở đây đang đón chờ 1.600 chiếc máy bay mới (tương đương với con số hiện tại). Hãng sản xuất máy bay của Mỹ là Boeing cho rằng các hãng hàng không Đông Nam Á sẽ đặt mua khoảng 3.000 máy bay mới trong 20 năm tới.

Tốc độ phát triển như vũ bão này phản ánh một phần sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu ở Đông Nam Á – những người háo hức khám phá những cách thuận lợi hơn để di chuyển giữa các nước vốn có nhiều đảo trong khu vực. Đồng thời, chính phủ các nước cũng đã cam kết tự do hóa ngành hàng không trong khuôn khổ đẩy mạnh hợp tác kinh tế. 

Bất chấp những thảm họa hàng không vừa mới xảy ra, có vẻ như người ta vẫn ngày càng tin vào độ an toàn của phương thức di chuyển bằng đường hàng không. Ở nhiều nước châu Á, những con đường đầy ổ gà và những vùng biển thường xuyên hứng bão khiến người ta lo lắng hơn. Một nghiên cứu về 160 vụ chìm phà ở châu Á cho thấy gần 17.000 người đã thiệt mạng, trong đó Indonesia và Philippines là những vùng có tỷ lệ thiệt mạng cao nhất. Hình ảnh những gia đình đau buồn tột độ mong ngóng tin tức ở sân bay Changi và ở Surabaya vẫn sẽ ám ảnh người Indonesia và cả thế giới. Tuy nhiên, đi máy bay vẫn là lựa chọn an toàn hơn cả. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên