MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương lai của Thái Bình Dương: Thương nhân hay nhà truyền giáo?

14-01-2015 - 19:09 PM | Tài chính quốc tế

Các cường quốc tại khu vực Thái Bình Dương cần đối mặt với thực tế và cụ thể hơn là các mối quan hệ thương mại thay vì áp đặt và phụ thuộc vào những học thuyết giáo điều về chính trị.

Một công ty Mỹ có tên là Atlantic đã có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực thương mại giữa hai bờ Thái Bình Dương. Từ trụ sở California, công ty này gửi đơn hàng tới các nhà máy ở Trung Quốc để sản xuất các chi tiết nội thất đơn giản. Người sáng lập kiêm giám đốc điều hành (CEO), ông Leo Dardashti, rất tin tưởng vào các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc bất chấp chi phí sản xuất không ngừng leo thang.

Ông cho rằng Trung Quốc và Mỹ có sự gắn kết và hòa hợp đặc biệt. “Không một quốc gia nào trên thế giới có sức mua lớn như Mỹ, và cũng không có quốc gia nào có sức sản xuất sánh bằng Trung Quốc”. Nếu ông cần gấp một đơn đặt hàng hơn 400.000 sản phẩm được sản xuất trong vòng vài tháng để bày bán tại các cửa hàng tại Mỹ, Trung Quốc là đối tác duy nhất có thể đáp ứng được yêu cầu này.

Ông đi công tác tại Trung Quốc rất thường xuyên, trung bình mỗi tháng một lần. Ông cho biết, mối quan hệ bạn bè thân thiết với những thương nhân tại đây chính là nền tảng đối với sự nghiệp kinh doanh của ông. Nó không chỉ đơn giản là cách cư xử với ánh mắt hay nụ cười.

“Khi đến nhà máy của họ, tôi là một đối tác quan trọng nhưng vẫn phải cẩn thận trong từng bước đi. Tôi cần xây dựng được lòng tin từ phía họ, giải thích mục đích và giá trị của giao dịch, cung cấp cho họ những lợi ích nhất định. Đây là các bước cần thiết trong cuộc đàm phán.” Nghệ thuật đàm phán không chỉ phổ biến trong giới kinh doanh mà các nhà lãnh đạo cấp cao của và Bắc Kinh cũng phải vận dụng thường xuyên.

Báo cáo đặc biệt của The Economist về Thái Bình Dương

Thái Bình Dương trỗi dậy

Thái Bình Dương trỗi dậy (P2)

Thuyền buồm và tàu chiến

Những công xưởng bay

Canh bạc của nước Mỹ

Dầu và nước

Những con báo của Thái Bình Dương

Quặng đồng và rượu nho

Tuy nhiên, hai cường quốc này đang có dấu hiệu đối đầu gay gắt. Trung Quốc liên tục “gây hấn” với các quốc gia láng giềng, trong số đó có nhiều đồng minh thân cận của Mỹ. Mỹ cũng có nhiều hành động đáp trả. Singapore là một nơi thích hợp để quan sát những căng thẳng này. Họ muốn tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực nhằm kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc, nhưng vẫn luôn giữ thái độ ôn hòa với cả hai bên. Các chuyên gia tại Singapore cho biết một trong những thử thách lớn của Mỹ là áp đặt “đồng bộ” hệ thống qui tắc và chuẩn mực, trong đó bao gồm cả những giá trị đại chúng như nhân quyền. Trong khi đó, Trung Quốc phải đối mặt với các giá trị lịch sử kéo dài hàng ngàn năm, được xem như các chân lý phổ quát khó lòng mà thay đổi được.

Thái Bình Dương là nơi tập trung nhiều mạng lưới liên kết dày đặc của thế giới. Sự kết nối giữa hai bờ đại dương ngày càng trờ nên mạnh mẽ hơn khi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chững lại. Dòng vốn đầu tư từ Đông Á tới Mỹ sẽ tăng với nỗ lực xâm nhập thị trường to lớn và đầy tiềm năng này. Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tiếp tục đa dạng hóa quan hệ thương mại nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Vì vậy, các hiệp định thương mại trong khu vực Thái Bình Dương sẽ có thêm vai trò đảm bảo ổn định và an ninh toàn diện, tương tự như việc thành lập Cộng đồng gang thép Châu Âu năm 1951 đã giúp đưa hai cường quốc “đối địch” Đức - Pháp lên cùng một bàn đàm phán, đặt nền móng cho sự thành lập Liên minh châu Âu sau này.

Mỹ và Trung Quốc luôn bị ràng buộc với nhau bởi mối quan hệ phụ thuộc. Trong tình huống xấu nhất, sự giao thương giữa hai bờ Thái Bình Dương sẽ bị phá hủy, như ở khu vực Đại Tây Dương nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh lạnh trở thành “cuộc chiến nóng”. Tuy nhiên, mọi chuyện có vẻ sáng sủa hơn. Nền kinh tế Trung Quốc tuy cứng nhắc nhưng đã tiếp nhận nhiều cải cách từ các mô hình thị trường phương Tây, trong khi chế độ Xô-viết cũ hoàn toàn bỏ qua điều này. Họ cũng đang đàm phán các hiệp định đầu tư song phương, được các quan chức Mỹ nhận định sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc. Theo một cuộc thăm dò gần đây về quan điểm của các nhà lãnh đạo châu Á bởi CSIS, 83% người Trung Quốc cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục là đối tác quan trọng nhất của họ trong 10 năm tới.

Nếu Mỹ muốn thúc đẩy Trung Quốc trở thành một “thành viên có trách nhiệm” trong nền kinh tế thế giới và xây dựng hệ thống đảm bảo an ninh và tự do giao thương trên biển, họ sẽ phải chấp nhận hi sinh quyền lực tại khu vực Thái Bình Dương. Điều này mang lại rủi ro cho các quyết định chiến lược; ví dụ như cho phép các liên minh quân sự với Nhật Bản hay Hàn Quốc trở thành các mối quan hệ thương mại bình đằng hơn. Nói cách khác, các liên minh an ninh trong khu vực sẽ tiếp tục phát triển mà không có sự tham gia của Mỹ như họ đã từng phụ thuộc trong quá khứ. Nếu Trung Quốc tham gia, điều này sẽ càng tuyệt hơn.

Để đạt được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán, cả Mỹ và Trung Quốc đều phải chấp nhận nhượng bộ. Với tinh thần như vậy, kỷ nguyên châu Á - Thái Bình Dương có hi vọng sẽ tạo ra những luật lệ mới và tổ chức thích hợp cho thế kỷ 21. Như ông Dardashti đã từng khẳng định: “Chúng ta cần họ, họ cũng cần chúng ta.”

Thảo Phương

Thu Hương

Economist

Trở lên trên