MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Uông Dương - "Ngôi sao cải cách" trên chính trường Trung Quốc

14-11-2012 - 11:29 AM | Tài chính quốc tế

Uông Dương chính là niềm hy vọng của các nhà cải cách ở Trung Quốc. Ông được coi là "người cầm đuốc" cho những người ủng hộ kinh tế thị trường tự do.

Trong khi danh sách các lãnh đạo cấp cao của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ được công bố trong vài ngày tới, không ít người đang theo dõi sát sao liệu lãnh đạo tỉnh Quảng Đông – trung tâm xuất khẩu nằm gần Hồng Kông của Trung Quốc – có thể có được một ghế trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao hay không.

Mặc dù triển vọng được nhận định là đã yếu đi trong một vài tuần gần đây, Uông Dương – bí thư tỉnh ủy Quảng Đông – vẫn là ứng viên được các nhà cải cách đánh giá cao nhất.

Theo Xiao Bin, giáo sư đến từ đại học Yat-sen, Uông Dương chính là niềm hy vọng của các nhà cải cách ở Trung Quốc.  Ông được coi là "người cầm đuốc" cho những người ủng hộ kinh tế thị trường tự do. Uông Dương cũng có khá nhiều nét giống với cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh - người đã thực hiện nhiều cải cách và nhận được sự ủng hộ của những người mong muốn khôi phục lại hệ tư tưởng Mao Trạch Đông.

Với sự kiện Bạc Hy Lai bị phế truất với scandal ám sát và bê bối sex, giờ đây ông Uông trở hành một trong số rất ít những nhân vật chính trị có phong cách đột phá ở Trung Quốc. 

Với rất nhiều lý do, Ủy ban thường vụ Bộ chính trị có thể cắt giảm số lượng thành viên từ 9 người xuống còn 7 người trong nhiệm kỳ tới. Ngoài 2 vị trí dẫn đầu chắc chắn sẽ thuộc về phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình và phó Thủ tướng Lý Khắc Cường, những "chiếc ghế" còn lại đang được xem xét cẩn thận và chọn lựa kỹ càng. 

Mặc dù Uông Dương được cho là sẽ không lọt vào hàng ngũ lãnh đạo cấp cao nhất trong đại hội lần này, những người trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc cho rằng ông sẽ đóng vai trò quan trọng trong hàng ngũ lãnh đạo sắp tới. Rất có thể Uông Dương sẽ giữ chức phó thủ tướng và đến năm 2017 lọt vào Ủy ban thường vụ Bộ chính trị khi vòng nghỉ hưu tiếp theo diễn ra.

Uông Dương không hề kêu gọi bầu cử tự do và hiếm khi đi chệch khỏi các chương trình nghị sự đặt ra bởi Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong khi các lãnh đạo khác kiểm soát các luồng thông tin, bất ổn ở khu vực nông thôn và lời kêu gọi công bằng xã hội bằng phương pháp khá cứng rắn, Uông Dương nổi tiếng vì ông đã ủng hộ tự do hóa chính trị cũng như đề cao tính ưu việt của chủ nghĩa cá nhân theo kiểu Mỹ. 

Được biết đến với nụ cười nồng hậu và không có mái tóc nhuộm đen bóng như các lãnh đạo khác, ông thậm chí đã có lần "tấn công" vào các lãnh đạo địa phương. Kể từ khi được bổ nhiệm vào vị trí bí thư tỉnh ủy Quảng Đông năm 2007, ông đã kêu gọi quan chức các tỉnh công khai giá trị tài sản và ra lệnh cho các phòng ban ở địa phương phải trao đổi ý kiến với dân chúng thông qua Sina Weibo - mạng xã hội thông dụng nhất ở Trung Quốc. 

Hồi tháng 6, sau chuyến thăm tới Singapore, ông không ngớt lời ca ngợi phương thức điều hành đất nước của quốc đảo này. “Nếu Trung Quốc không cải cách, chúng ta sẽ không thể thay đổi kịp và do đó bị luộc chín như những con ếch", ông nói. 

Năm ngoái, khi đối mặt với tình trạng nhân dân ở làng chài Wukan, Uông Dương đã thể hiện được sự khéo léo trong cách thức điều hành khủng hoảng với 1 cái đầu lạnh:  ông ra lệnh cho lực lượng cảnh sát không được đàn áp, sa thải các quan chức tham nhũng và cho phép người dân bầu ra bộ máy lãnh đạo mới. 

Một số ý tưởng táo bạo nhất của ông (ví dụ như thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Đông bằng cách giảm lệ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa giá rẻ và chuyển sang các ngành công nghệ cao thân thiện với môi trường) đã không đạt được thành quả như mong muốn. Tuy nhiên, theo giới phân tích, trong năm qua, ông đã hết sức cố gắng để "lấy điểm" với những người sẽ quyết định vận mệnh chính trị của ông trong tương lai. 

Ông cũng là người đã khởi xướng phong trào chống tham nhũng mạnh mẽ dấn đến nhiều quan chức bị bắt. Đồng thời, cách thức giải quyết sự kiện ở Wukan thông qua các giải pháp hòa bình cũng giúp ông để lại được nhiều dấu ấn. 

Một số chuyên gia phân tích cho rằng những động thái của ông chỉ đơn giản là nhằm thích ứng với bối cảnh tỉnh Quảng Đông đang ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng từ đặc khu kinh tế Hồng Kông - thuộc địa cũ của Anh và đang được trao quyền tự trị.

Với dân số 100 triệu người, bao gồm nhiều người nhập cư tìm kiếm việc làm trong các nhà máy, Quảng Đông giống như chiếc hàn thử biểu đo lường các áp lực kinh tế xã hội đang đè nặng lên Trung Quốc. 

Thời kỳ đầu những năm 1980, Đặng Tiểu Bình đã triển khai thử nghiệm cơ chế thị trường tự do ở đây. Đến năm 1992, ông Đặng lại một lần nữa quay trở lại đây, ngăn cản những thành viên bảo thủ cản trở quá trình cải cách ở Quảng Đông. Theo Ding Li, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện khoa học xã hội tỉnh Quảng Đông, đây là tỉnh nằm cách xa Bắc Kinh và sự kiểm soát bị giảm xuống mức tối thiểu. 

Ngoài một vài dự án thí điểm nhằm giảm bớt tham nhũng và cơ chế điều hành cồng kềnh, giảm bớt rào cản đối với các tổ chức phi chính phủ cũng là một thành côngkhacs của Uông Dương. Sự thay đổi này khiến các nhóm hoạt động xã hội nở rộ. 

Nếu như Uông Dương không được chọn vào Ủy ban thường trực Bộ chính trị, đây sẽ là dấu hiệu cho thấy sức ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng như Thủ tướng Ôn Gia Bảo đang bị suy giảm bởi họ là những người rất ủng hộ cho ông Uông. 

Tuy nhiên, cũng có thể con đường thăng tiến của ông bị hạn chế bởi tuổi tác. Ông còn quá trẻ và do đó nếu như được thăng tiến trong năm nay, ông có thể có tới 3 nhiệm kỳ nằm trong danh sách Ủy ban thường trực Bộ chính trị. Đối với một số lãnh đạo cao tuổi, điều này sẽ cho phép ông tích lũy được quá nhiều quyền lực.

Thu Hương

huongnt

NYT

Trở lên trên