MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vách đứng cao mấy cũng phải trèo

15-12-2012 - 16:52 PM | Tài chính quốc tế

Nữ thần Tự Do ở nước Mỹ sống sót sau siêu bão Sandy nhưng sẽ cô độc, không còn ai “thăm nuôi” vì đảo Tự Do phải đóng cửa vô thời hạn trước cảnh nước Mỹ bị đang lâm cảnh “vách đứng tài khoá”.

Doạ nhau là chính

Vách đứng tài khoá có ý nghĩa biểu trưng hơn là hiện tượng thực tế. Đây là tình huống cả Dân chủ lẫn Cộng hoà đưa ra doạ nhau, nếu các bên không chịu thoả hiệp đi đến một kết thúc có hậu cho các cuộc cãi vã nhiều tháng nay giữa hành pháp với quốc hội. Cuộc tranh luận đã nổ ra trước cả thời điểm bầu cử tổng thống.

Do nợ công lên quá cao, trên 16.000 USD tỉ USD, Quốc hội Mỹ đã phải giới hạn mức ngân sách chi tiêu của chính quyền và gia hạn cấp ngân sách theo từng giai đoạn. Công việc cấp bách nhất của ông Obama là thuyết phục Quốc hội gia hạn cấp ngân sách của nước Mỹ cho năm 2013. Nếu như Quốc hội không thông qua ngân sách mới, nước Mỹ có nguy cơ lại rơi vào suy thoái kinh tế. Hai đảng sẽ đổ trách nhiệm cho nhau trong cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2014.

Từ năm ngoái, đảng Cộng hoà chủ trương trong mười năm tới phải giảm chi 600 tỉ USD và tăng thu 800 tỉ USD. Bên trong khoản giảm chi có nhiều mục rắc rối, thậm chí thất nhân tâm. Về tăng thu, đảng Cộng hoà đề nghị không thay đổi thuế suất, tức là không tăng thuế mà cải tổ chế độ thuế vụ để tránh quá nhiều lỗ hổng gây thất thu và là mối lợi bất chính của các doanh nghiệp lớn.

Các bên đã không đạt được thoả thuận, vì đảng Dân chủ đồng ý giảm chi 600 tỉ USD nhưng lại muốn tăng thu 1.200 tỉ USD thay vì 800 tỉ USD như Cộng hoà đề nghị. Điểm khác biệt nữa là bên Dân chủ đòi tăng thuế các hộ có lợi tức hàng năm từ 250.000 USD trở lên. 

Sau bầu cử, đảng Dân chủ không nói nhiều đến giảm chi mà còn đề nghị chi thêm 50 tỉ USD để kích thích kinh tế và tăng thu không chỉ 1.200 tỉ USD mà là 1.600 tỉ USD trong mười năm tới. Trong các mục dự chi, đảng Dân chủ tính luôn cả 800 tỉ USD sẽ tiết kiệm được khi Hoa Kỳ ra khỏi chiến trường Afghanistan và Iraq, chẳng qua là “mò cua trong lỗ”.

“Vách đứng” thực ra có hai phần

Phần thứ nhất là các vấn đề về thuế mà chính phủ liên bang phải đối đầu. Lý do là vì năm 2010 các chính trị gia đã không thoả hiệp được về các luật cắt thuế của Tổng thống Bush. Họ hoãn lại hai năm, để vấn đề này thành một đề tài tranh cử năm nay. 

Ngoài ra, các bên còn đồng ý với nhau, nếu đến cuối năm 2012 mà hai bên vẫn không thoả hiệp được, thì sang năm 2013 tất cả mọi người sẽ phải đóng thuế nhiều hơn. Mọi người đi làm sẽ phải đóng thêm 2% lương của mình vào quỹ hưu bổng. Một gia đình lương 50.000 USD một năm sẽ phải đóng thêm 2.000 USD thuế, những người thất nghiệp lâu sẽ mất trợ cấp.

Phần thứ hai là các vấn đề giảm chi ngân sách, cũng do Quốc hội gây ra trong năm 2011. Nguyên nhân là các chính khách dùng thủ tục gọi là “sequestration”. Sequestration vốn thường dùng trong luật Thương mại, là hành động cầm giữ một tài sản của con nợ, để chờ khi món nợ được thanh toán thì mới thả cho tự do bán hay cầm thế tài sản bị “khấu chấp”. 

Thủ tục “khấu chấp” này được áp dụng nếu Quốc hội sau khi ấn định mức chi tiêu tổng quát rồi, nhưng khi biểu quyết các khoản chi tiêu nhỏ trong ngân sách cộng lại thấy tổng số cao hơn con số đã được ấn định.

Thí dụ, Quốc hội ấn định tổng cộng ngân sách là 80 đồng, nhưng cộng lại các khoản chi đã quyết định thì thấy lên tới 100 đồng. Khi đó, nếu các đại biểu không thể đồng ý với nhau nên cắt bớt phần chi nào, thì ngân sách sẽ tự động bị “khấu chấp”, tức tất cả các khoản chi cùng bị giảm 20% như nhau. 

Nhưng có những khoản chi bắt buộc không thể giảm, thí dụ lương bổng của quân đội, công chức, số tiền phải trả các nhà thầu đã ký hợp đồng dài hạn với nhà nước... Các món chi này không giảm được, thì phải giảm các món khác. Hậu quả là nhiều bộ và cơ quan trong chính phủ sẽ bị cắt giảm nhiều hơn 20%. Ðây là một thủ tục buộc các đại biểu quốc hội phải đắn đo khi biểu quyết ngân sách.

Nếu hai đảng không đạt được thoả thuận, Quốc hội sẽ chấp thuận giải pháp tạm thời: kể từ tháng 1.2013, ngân sách sẽ tự động tăng 607 tỉ USD, trong đó có gần 400 tỉ USD lấy từ việc cắt giảm 10% các chi phí công và hơn 200 tỉ USD thu từ tăng thuế. Nếu khả năng này xảy ra, kinh tế Hoa Kỳ chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái, ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều khu vực khác, đe doạ quá trình hồi phục đang còn mong manh của kinh tế toàn cầu.

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde mới đây kêu gọi Hoa Kỳ tăng thuế, tạo các nguồn thu mới và tiết giảm công chi để đạt được cân bằng ngân sách và tránh khỏi điều mà bà gọi là “mối đe doạ lớn nhất” đối với nền kinh tế Mỹ. Vẫn theo bà Lagarde, vấn đề ngân sách của Hoa Kỳ “không chỉ đơn giản là một vấn đề chính trị, hay ý thức hệ. Thất bại trong vấn đề này sẽ ảnh hưởng nhiều đến vị trí của Hoa Kỳ trên thế giới về phương diện kinh tế và địa chính trị”.

Theo Trần Hiếu Chân
SGTT

huongnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên