MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vàng không còn là "bùa hộ mệnh" chống lạm phát

23-12-2014 - 20:09 PM | Tài chính quốc tế

Vàng – thứ vẫn được coi là lá chắn hữu hiệu chống lạm phát – đã không còn tỏ ra hữu hiệu đối với nhà đầu tư trong những ngày này.

Thị trường dầu mỏ thế giới bắt đầu rơi tự do và bước vào “thị trường con gấu” kể từ tháng 6, kéo theo đó là thị trường hàng hóa sụt giảm mạnh nhất và lâu nhất trong nhiều thập kỷ. Điều này có nghĩa là thay vì giá cả tăng lên như các nhà đầu tư vàng mong đợi khi mua vàng. Nước Mỹ đang “chống lại lạm phát” theo như lời của Bill Gross – ông chủ của quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới.

Chỉ số lạm phát kỳ vọng đang hướng tới năm giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng năm 2008. Mặc dù trong tháng trước vàng đã hồi phục từ mức thấp nhất 4 năm, Goldman Sachs Group Inc. và Societe Generale SA vẫn giữ nguyên dự báo lạm phát sẽ ở mức thấp. Do đó, sức hấp dẫn của vàng với vai trò là tài sản thay thế đang dần phai nhạt trong bố cảnh đồng USD và chứng khoán Mỹ tăng giá. Việc Fed sắp nâng lãi suất cũng là yếu tố tiêu cực đối với giá vàng. 

“Hãy quên lạm phát đi, tất cả các câu chuyện hiện nay đều nói về giảm phát”, Peter Jankovskis – chuyên gia đến từ OakBrook Investments LLC – nhận định. Thông thường giá dầu giảm sẽ gây ra áp lực giảm phát. Thêm vào đó, lãi suất có thể tăng lên trong năm tới trong khi USD tiếp tục tăng và những điều này sẽ gây áp lực cho giá vàng.

Trong mấy năm vừa qua, vì Fed duy trì lãi suất gần 0 để hỗ trợ tăng trưởng, nhà đầu tư dự đoán lạm phát sẽ tăng tốc và do đó nhu cầu về vàng tăng mạnh. Năm 2011, vàng chạm mốc kỷ lục 1.923,70 USD/ounce.

Giờ đây, lý do chính để sở hữu kim loại này đã bị xói mòn. Tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ giảm 0,3% - mạnh nhất kể từ tháng 12/2008. Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg dự báo chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng chậm lại trong năm 2015, xuống còn 1,5%.

Tuần trước, số tiền nhà đầu tư rót vào các quỹ ETF vàng đã chạm mốc thấp nhất kể từ năm 2009, đồng thời 7,68 tỷ USD giá trị đã bốc hơi khỏi các quỹ kể từ đầu năm. 

31 chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg dự báo sau khi hồi phục 4,4% từ mức thấp nhất 4 năm, trung bình giá vàng sẽ ở mức 1.175 USD/ounce trong quý I/2015. Trong khi đó ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá sẽ rơi xuống mức 1.050 USD/ounce vào tháng 12 năm tới và SocGen đưa ra con số dự báo 950 USD/ounce trong quý IV/2015.

Chỉ số Bloomberg Commodity Index theo dõi các loại hàng hóa đã giảm 15% kể từ đầu năm đến nay, trong khi chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index tăng 11% và chỉ số S&P 500 tăng 12%.  
Dẫu vậy, các nhà đầu cơ vẫn chưa từ bỏ vàng. Theo số liệu của Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ, tính đến ngày 16/12, các nhà quản lý quỹ đã tăng vị thế mua ròng lên 103.738 hợp đồng tương lai và quyền chọn, cao hơn gấp đôi so với tháng 11. 

Giá vàng đã tăng 70% trong thời kỳ từ tháng 12/2008 đến tháng 6/2011, khi Fed mua lượng lớn trái phiếu và giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, năm 2013 giá giảm tổng cộng 28% - mạnh nhất trong hơn 3 thập kỷ. 

Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), mối quan hệ giữa vàng và lạm phát đã có từ hơn 2.000 năm trước, khi nhân loại lần đầu tiên sử dụng tiền xu vào năm 550 trước Công nguyên. Các nước từ Mỹ đến Anh áp dụng chế độ bản vị vàng để hạn chế lạm phát cho tới thế kỷ 19. 4 thế kỷ trước, Fed cắt bỏ hoàn toàn mối quan hệ giữa USD và vàng. 

Atul Lele – người đang quản lý 5,1 tỷ USD với vai trò là CIO của quỹ Deltec International – cho rằng sử dụng vàng làm công cụ chống lạm phát không còn cần thiết nữa. “Lạm phát ở Mỹ có thể tăng, nhưng không có gì đáng lo ngại”. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên