MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vị cứu tinh của nền kinh tế Nhật

07-06-2013 - 08:48 AM | Tài chính quốc tế

Nếu phụ nữ Nhật cũng đi làm y như đàn ông, GDP Nhật Bản sẽ tăng thêm 1.000 tỷ USD.

Tháng này, Thủ tướng Shizo Abe sẽ bắt đầu công bố “chiến lược tăng trưởng kinh tế quốc gia” của Nhật Bản. Những cải cách mang tính cơ cấu này sẽ là “mũi tên thứ ba” của học thuyết kinh tế thời Abe (Abenomics).

Trong đó, yếu tố then chốt là tăng số nữ giới tham gia lực lượng lao động. Tới nay, Thủ tướng Abe đã lên tiếng kêu gọi mỗi doanh nghiệp nên có ít nhất một lãnh đạo cấp cao là nữ.

Chính phủ cũng đang lên kế hoạch thuê thêm 250.000 người trông trẻ trong vài năm tới.

Hy vọng TTg Abe và các công ty sẽ có thêm nhiều ý tưởng nữa để người phụ nữ có điều kiện theo đuổi sự nghiệp hơn. Theo nhà kinh tế Kathy Matsui tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, phụ nữ Nhật đang làm việc “kém xa so với công suất thiết kế”.

Nếu tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới ngang bằng với nam giới (62% so với 80%), nước Nhật sẽ có thêm 8,2 triệu lao động nữa và giúp GDP tăng thêm 15%. Không làm được điều đó, Abenomics coi như thất bại.

Hiện nay, tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động của Nhật Bản đang thấp nhất trong số các nền kinh tế phát triển: chỉ có 1/3 các bà mẹ Nhật đi làm.

Trong khi đó, Nhật Bản rất cần thêm lao động mới để bù đắp cho hiện tượng dân số già đi, tăng năng suất lao động và đóng thêm thuế.

Tính cạnh tranh trong lực lượng lao động sẽ cải thiện hơn nhiều nếu tỷ lệ nữ giới làm lãnh đạo trong các doanh nghiệp Nhật Bản cao hơn con số 1,6%.

Và dù nữ giới thường ít đi làm và hưởng lương cũng thấp hơn nam giới, họ lại là người nắm tay hòm chìa khóa trong gia đình. Theo Goldman Sachs, chi tiêu của phụ nữ ổn định hơn trong giai đoạn suy thoái.

Nếu đúng như tính toán của IMF, tỷ lệ tham gia lao động của nữ giới có khả năng cải thiện đáng kể GDP Nhật Bản (tỷ lệ tham gia lao động của nữ giới “Bắc Âu” vào khoảng 80%):

Muốn đạt được mục tiêu đó, sẽ cần thêm nhiều chính sách chỉ tập trung vào nữ giới, ví dụ như chính phủ của TTg Abe nên khuyến khích nam giới dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Tương tự, nếu có thêm dịch vụ trông trẻ với giá cả hợp lý, phụ nữ có con nhỏ sẽ thoải mái đi làm hơn. Tuy thế, việc này không giúp được những phụ nữ có con lớn hơn.

Khi đi làm, văn hóa doanh nghiệp Nhật cũng buộc người phụ nữ phải làm thêm nhiều giờ. Đó cũng là lý do chính khiến nhiều phụ nữ chọn ở nhà thay vì đi làm.

Bên cạnh đó, họ không sắp xếp nổi thời gian mà cạnh tranh với những “con sâu việc” là đàn ông hay tham gia vào các buổi giao lưu trong công ty.

Chính phủ Nhật hiểu được vấn đề này, vì thế năm 2010, Nhật đã tăng thời gian nghỉ chăm sóc con sau khi sinh của người cha. Tuy thế, chỉ có 2,6% số đàn ông Nhật chọn đi nghỉ.

Dù không có dữ liệu, nhưng cũng có thể đoán được đàn ông cũng chẳng chăm sóc gì cho cha mẹ già.

Dù Nhật Bản có điều luật bảo vệ cho người lao động có con, điều luật này không được thực thi nghiêm minh như ở Thụy Điển. Bên cạnh đó, chế độ giờ làm việc linh hoạt như ở Hà Lan cho tất cả người lao động cũng là một gợi ý hay cho Nhật Bản.

TTg Abe và Đảng Dân chủ tự do (LDP) hiện đang có rất nhiều quyền hành trong tay. Họ nên tận dụng lợi thế này. Nếu không làm được, chỉ riêng việc thiếu lao động do dân số già đi cũng đủ để khiến mọi cải cách cơ cấu nước Nhật đang dự định áp dụng trở nên vô nghĩa.

Minh Tuấn

tuannm

The Atlantic

Trở lên trên