MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao giới siêu giàu Trung Quốc ra đi?

09-12-2012 - 15:59 PM | Tài chính quốc tế

Không còn nghi ngờ gì nữa, khoảng hơn 70% người giàu Trung Quốc đã di cư hoặc có ý định di cư trong khi 80% của cải của người Trung Quốc chỉ nằm trong tay 20% dân số.

Zhang Lan, người sáng lập chuỗi nhà hàng South Beauty, là 1 trong những người phụ nữ giàu có nhất Trung Quốc và cũng là biểu tượng cho sự thành công của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, gần đây, bà đã quyết định từ bỏ quyền công dân Trung Quốc để có quốc tịch nước ngoài. 

Mặc dù chưa rõ bà sẽ chọn quốc tịch của nước nào, lựa chọn từ bỏ quốc tịch Trung Quốc của bà Zhang thể hiện xu hướng di cư ngày càng lan rộng của giới nhà giàu Trung Quốc. 

Theo báo cáo Private Wealth Report năm 2011, 27% doanh nhân Trung Quốc có tài sản trị giá từ 100 triệu nhân dân tệ (tương đương 15,9 triệu USD) trở lên đã di cư. Trong khi đó, 47% cũng cho biết họ có ý định làm như vậy. Có rất nhiều lý do khiến họ làm như vậy: sự nghiệp học hành của con cái, nhu cầu bảo vệ tài sản hoặc chuẩn bị cho thời gian nghỉ hưu. 

Người Trung Quốc ngày càng nhận thấy xu hướng này trở nên rõ ràng. Năm ngoái, trong số 5.000 visa đầu tư định cư được cấp bởi nước Mỹ, người Trung Quốc chiếm tới 2/3. 

Không còn nghi ngờ gì nữa, khoảng hơn 70% người giàu Trung Quốc đã di cư hoặc có ý định di cư. Đây là điều hoàn toàn không bình thường khi Trung Quốc mới chính là nơi họ sinh ra và trở nên giàu có. Trong khi đó, báo cáo được thực hiện một vài năm trước cho thấy 80% của cải của người Trung Quốc chỉ nằm trong tay 20% dân số. Như vậy, có thể dễ dàng hình dung Trung Quốc sẽ mất đi lượng của cải lớn như thế nào. 

Không chỉ có thế, lượng người di cư lớn chắc chắn sẽ làm đảo lộn niềm tin của người dân về triển vọng phát triển của nền kinh tế nước nhà. Nhìn chung, trừ khi của cải của họ được tạo ra bởi những phương thức bất hợp pháp, giới nhà giàu chính là tầng lớp tinh hoa của 1 đất nước. 

Sự lựa chọn của nhóm người này sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc, cách đánh giá và cả các quyết định của tầng lớp bình dân, Khi người giàu muốn ở lại trong nước, điều đó có nghĩa là họ lạc quan về sự phát triển của hệ thống giáo dục cũng như an sinh xã hội của Trung Quốc. 

Rất nhiều người phê phán làn sóng di cư này. Một học giả nổi tiếng mới đây đã lên tiếng phê phán xu hướng di cư của tầng lớp siêu giàu. Lật lại lịch sử Trung Quốc hồi đầu thế kỷ 20, những du học sinh đã ngay lập tức trở về nhà để phục vụ tổ quốc. Ngược lại, giờ đây người Trung Quốc di cư lại cố gắng tìm mọi cách để bám trụ ở nước ngoài. 

Trong số 3 lý do khiến người Trung Quốc di cư đã được liệt kê ở trên, sự nghiệp học hành của con cháu họ chính là điều quan trọng nhất. Điều này cho thấy, giống như bất kỳ ông bố bà mẹ nào, người giàu cũng muốn con cái họ có điều kiện học tập tốt nhất trong khả năng của họ. Nhu cầu bảo vệ tài sản có liên quan đến luật lệ hiện nay của Trung Quốc trong khi nhu cầu an dưỡng tuổi già là nhu cầu có liên quan nhiều đến bản năng. 

Như vậy, có thể thấy không có lý do nào trong số trên có liên quan đến hạnh phúc cá nhân. Nói 1 cách khác, nhà giàu Trung Quốc lựa chọn ra đi không phải vì những mục tiêu vật chất. Có lẽ họ cần 1 đời sống tinh thần đầy đủ và văn minh hơn với chất lượng dịch vụ công cộng tốt hơn. 

Từ bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trong Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 11 vừa qua, có thể hiểu rằng thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc đã nhận thức được điều này. “Chất lượng cuộc sống” và “chống tham nhũng” là những từ được lặp lại nhiều nhất trong bài phát biểu của ông Tập. 

Tuy hô khẩu hiệu là điều dễ làm hơn rất nhiều so với hành động thực tế, môi trường sống ở Trung Quốc sẽ tốt lên rất nhiều nếu như các dịch vụ công cộng được cải thiện và tham nhũng bị xóa bỏ hoàn toàn. Khi đó, làn sóng di cư sẽ không còn ồ ạt như hiện nay. 

Thu Hương

huongnt

BI

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên