MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Nga muốn Crimea?

05-03-2014 - 13:15 PM | Tài chính quốc tế

Trong bối cảnh tình hình ở bán đảo Crimea ngày càng căng thẳng, dưới đây là 5 điều bạn nên biết để hiểu rõ về những gì đứng đằng sau động thái của Nga.

Kể từ khí lễ bế mạc Thế vận hội Olympics Sochi khép lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cố gắng hết sức để đảm bảo chắc chắn rằng chính phủ tạm quyền của Ukraine đang gặp phải nhiều khó khăn.

Đầu tiên, ông tiến hành tập trận ở biên giới Ukraine với sự tham gia của 15.000 lính. Mặc dù một số nhà quan sát cho rằng đây chưa thể định nghĩa là một cuộc tấn công bởi không có đủ lực lượng quân y tham gia, rõ ràng đây là một hành động đầy khiêu khích.

Trong bối cảnh tình hình ở bán đảo Crimea ngày càng căng thẳng, dưới đây là 4 điều bạn nên biết để hiểu rõ về những gì đứng đằng sau động thái của Nga.

1. Crimea là gì?

Được biết đến là nước cộng hòa tự trị Crimea, bán đảo này là một vùng đất nhô ra từ phía nam phần lục địa của Ukraine. Là nước cộng hòa tự trị, mặc dù là một phần lãnh thổ của Ukraine, đây là một nước tự chủ. Nằm bên bờ biển Đen và có khung cảnh đẹp như tranh với những ngọn núi xanh thẫm và bãi biển đầy cát, Crimea là một địa điểm du lịch nổi tiếng.

Tuy nhiên, đây cũng là một vùng đất trải qua nhiều biến cố chính trị. Năm 1954, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Khrushchev ra sắc lệnh quy định Crimea trở thành một phần của Ukraine. Đây là động thái mà nhiều người Nga vẫn cho là không hợp pháp. Hơn một nửa người dân Crimea là người Nga, 1/4 là người Ukraine và phần còn lại là những người Crimean Tatars đã bị Stalin trục xuất năm 1944. Đây là bộ phận phản đối Nga kịch liệt.

Năm 1992, sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, Crimea quyết định gia nhập Ukraine – đất nước mới giành được độc lập.

2. Tại sao Nga muốn Crimea?

Crimea có vị trí khá quan trọng trong lịch sử Nga. Đây là nơi diễn ra cuộc chiến chống lại Pháp, Anh và đế chế Ottaman của Nga năm 1850. Mặc dù Nga đã thua trận, lòng quả cảm của những người lính Nga vẫn luôn là lòng tự hào của nước Nga. Thành phố du lịch Yalta của Crimea là nơi diễn ra cuộc gặp nổi tiếng giữa Roosevelt, Stalin và Churchill.

Sự quan tâm của Nga đối với Crimea còn nằm ngoài sự luyến tiếc những nỗi niềm trong quá khứ. Nhìn vào bản đồ dưới đây, có thể thấy nơi đây không chỉ là niềm tự hào của nước Nga mà còn là một địa điểm quan trọng về mặt địa chính trị của khu vực.

Căn cứ hải quân ở Sevatopol (rìa phía Tây Nam của Crimea) là căn cứ hải quân duy nhất của Nga ở vùng nước ấm áp và cũng là địa điểm quan trọng để triển khai lực lượng thông qua Địa Trung Hải. Cũng có nguồn tin khẳng định thành phố cảng này từng được sử dụng để tiếp vận cho Bashar al-Assad trong suốt cuộc nội chiến ở Syria.

Mặc dù hiệp ước thuê cảng này giữa Nga và Ukraine có hiệu lực đến tận năm 2047, phần lớn đường bờ biển của biển Đen thuộc về NATO, ngoại trừ Georgia ở phía Đông và Ukraine ở phía Bắc.

Nói theo cách đơn giản hơn, nếu không có căn cứ quân sự ở Crimea, Nga sẽ không còn là thế lực quân sự đáng gờm của thế giới.

3. Tại sao Ukraine muốn Crimea?

Nên nhấn mạnh một điều rằng Crimea là vùng đất thuộc lãnh thổ của Ukraine. Nước cộng hòa tự trị này đã tự nhận mình là một phần của Ukraine, là nơi sinh sống của một bộ phận không nhỏ người Ukraine và là nơi mà người Ukraine tìm đến trong các kỳ nghỉ mùa hè. Do đó, vai trò quan trọng của Crimea đối với Ukraine cũng tương tự như Florida hay Texas đối với Mỹ.

Đúng là rất nhiều vùng của Crimea – đặc biệt là Sevastopol và thủ đô Simferopol, là những vùng thân Nga, phần còn lại không như vậy. Đặc biệt, những người Tatars – cho dù bất kỳ hoàn cảnh nào đi nữa – không bao giờ muốn trở thành công dân Nga.

Một phần nguyên nhân cũng nằm ở Hiệp ước Budapest được ký năm 1994, trong đó Ukraine đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân và Nga thề sẽ tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Ukraine. Bằng cách vi phạm hiệp ước này, dường như ông Putin đang muốn đưa ra tín hiệu rằng tất cả các hiệp ước được ký trong những năm 1990 là không có hiệu lực.

4. Kịch bản nào cho Crimea?

Thật không may, nếu như Putin muốn chiếm Crimea, Ukraine, Mỹ hay NATO sẽ khó có thể làm được điều gì.

Tổng thống Mỹ Obama đã tổ chức một cuộc họp báo bất thường về sự kiện Crimea ngày 3/3 và cảnh báo ông Putin rằng ông sẽ phải trả giá.

Động thái ra lệnh cho binh lính ở phía Tây nước Nga, gần biên giới Ukraine, trở về căn cứ sau khi kết thúc tập trận vừa được ông Putin đưa ra hôm nay (4/3) đã giúp hạ nhiệt căng thẳng.

Nếu Putin xâm chiếm Crimea, Nga có thể sẽ đối mặt với một vài lệnh cấm vận thương mại. Với nền kinh tế đang không mấy khỏe mạnh, lệnh cấm vận sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nga. Nếu giá dầu giảm 15 – 20%, các chuyên gia kinh tế cho rằng Nga sẽ gánh chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế ở mức tương đương với thời kỳ những năm 1990.

Ngoài ra, ông Putin cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trên chính sân sau của mình. Tổng thống Obama đã bất ngờ ghé qua cuộc gặp giữa Phó Tổng thống Biden và Thủ tướng Georgia Garibashvili, thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với vị trí tại NATO của Georgia. Vị thế này đem đến cho Georgia hệ thống vũ khí hiện đại và quân đội được huấn luyện bài bản. Điều này ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Nga.

Quan trọng hơn cả, Nga xâm chiếm Crimea đồng nghĩa với việc ông Putin để mất Ukraine. Đây là điều không thể quên và không thể được tha thứ.

Cộng đồng người Tatars chắc chắn sẽ đứng lên chống lại Nga, điều có thể dẫn đến điều tương tự trong lịch sử là chiến tranh chia cắt. Trong trường hợp này, Tổng thống Nga đã “gieo mầm” cho xung đột kéo dài trong nhiều thập kỷ tới.

Thu Hương

huongnt

Forbes

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên