MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao người Mỹ dành 300 tỷ USD làm từ thiện mỗi năm?

25-01-2012 - 12:03 PM | Tài chính quốc tế

Bất chấp khủng hoảng kinh tế, người Mỹ vẫn dành tới gần 300 tỷ USD cho các chương trình từ thiện.

Ở Mỹ có 400 nhà tỷ phú và 10 % trong số đó cam kết cống hiến ít nhất là một nửa tài sản bạc tỷ của mình cho các hoạt động từ thiện. Năm 2010 chiến dịch “Giving Pledge” do hai đại tỷ phú Bill Gates và Warren Buffet đề xướng đã thuyết phục được gần 40 nhà tỷ phú khác trên toàn nước Mỹ cam kết cống hiến đến 50% tài sản cho các công tác từ thiện.

Sau thành công tại Mỹ, hai ông Bill Gates và Warren Buffet đã lên đường đến Bắc Kinh để vận động các “đại gia”Trung Quốc làm việc thiện. Là nền kinh tế thứ nhì thế giới, Trung Quốc hiện có 64 nhà tỷ phú và 25 % “đại gia” của toàn châu Á hiện đang sinh sống ở Trung Hoa đại lục. Thế nhưng các tỷ phú và doanh nhân Trung Quốc không mấy mặn mà hưởng ứng chiến dịch “Giving Pledge”. Chỉ có một triệu phú duy nhất của Trung Quốc bằng lòng cống hiến toàn bộ tài sản 440 triệu USD -một khi ông qua đời- cho các chương trình từ thiện.

Đâu là động lực của các tỷ phú Mỹ khi họ sẵn sàng cống hiến một phần lớn gia sản để làm những việc công ích? Tại sao người ta có thể nói đến cả một nền “kỹ nghệ từ thiện” ở Mỹ?

Kỹ nghệ lớn nhất là hoạt động từ thiện

Theo nhà kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa ở California, kỹ nghệ lớn nhất của Mỹ chính là "hoạt động từ thiện" vì đã lên tới gần 300 tỷ USD một năm và có ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội. Vì hoạt động từ thiện được miễn thuế nên các hội thiện là đối tượng kiểm tra rất kỹ lưỡng của sở thuế liên bang lẫn những người giao tiền cho họ. Thật ra dân Mỹ đóng góp rất nhiều vào các sinh hoạt trong xã hội: từ lĩnh vực tư tưởng, lý luận, tôn giáo đến y tế, giáo dục và phổ biến kiến thức. Xét về kinh tế, kim ngạch của các hoạt động từ thiện tại Mỹ đã vượt 1% GDP, gấp đôi Châu Âu và đó là một truyền thống... Nước Mỹ có hàng nghìn "sáng hội" hay "sáng viện" (foundations) của nhiều gia đình doanh gia. Nổi tiếng trong lịch sử có Ford Foundation, Rockefeller Foundation, Carnegie Foundation, MacArthur Foundation hay J. Paul Getty Trust...

Từ hơn chục năm nay, người ta mới để ý đến các tên tuổi như ông bà tỷ phú Bill và Melinda Gates hoặc Warren Buffet hay Georges Soros, những người đã dành một khoản tài sản lớn cho các hoạt động từ thiện. Trẻ nhất trong số đó là người sáng lập mạng xã hội Facebook, Marc Zuckerberg. Mới 26 tuổi mà anh này đã làm chủ 7 tỷ USD và đã đồng ý tặng quĩ từ thiện của ông bà Gates mấy tỷ USD để tài trợ việc công ích.

Nước Mỹ thật ra thành hình từ những người vượt biển qua xứ lạ để làm lại cuộc đời, đa số là để tránh nạn có liên quan đến tôn giáo ở Châu Âu. Đi tìm tự do, họ tin vào Thượng Đế và tương trợ lẫn nhau. Hai tinh thần sùng đạo và tương trợ lẫn nhau chínhlà đặc tính ban đầu. Sau đó, tinh thần đó thể hiện ở một lý tưởng rất Mỹ rằng ta được sinh ra là để làm việc thiện. Việc thiện ấy có góp phần phát triển cộng đồng và xây dựng quốc gia sau khi dân Mỹ giành được nền độc lập. Ngày nay tinh thần ấy vẫn còn. Dân Mỹ xài rộng và tiết kiệm ít dần, nhưng vẫn có một trương mục khá dày về "công đức".

Không phải vì tránh thuế...

Theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa, quan niệm làm từ thiện để tránh thuế có lẽ là cách suy nghĩ của các xã hội chụp giựt. Trong năm 2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trích ra 245.000 USD trong khoản thu nhập 1,8 triệu USD để tài trợ hoạt động từ thiện và số tiền đó được giảm trừ trong căn bản tính thuế lợi tức. Nhưng yếu tố thuế vụ không phải là chính!

Khi vào nhà thờ hay vào chùa để bỏ tiền vào thùng “công đức”, có mấy ai đợi lấy giấy biên nhận để cuối năm tính thuế đâu? Vả lại, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn từ vài năm nay, người ta thấy rằng giới bình dân tại Mỹ vẫn chi tiền khá mạnh cho hoạt động từ thiện mà họ không hề có thư ký riêng hoặc sẽ chi ly gom lại từng giấy biên nhận để khai thuế.

Còn các doanh gia hay triệu, tỷ phú Mỹ thì suy nghĩ khác khi bỏ ra cả triệu cả tỷ cho hoạt động công ích. Đáng chú ý là họ “cho người dưng” ở Mỹ và trên toàn thế giới, trong khi dành lại rất ít tài sản cho con cháu. Tỷ phú George Soros có một lời phát biểu khá đặc biệt rằng "tiền bạc cũng như phân bón - phải rải ra!".

“Bill và Melinda Gates Foundation” là hội thiện có tài sản hoạt động lớn nhất, trị giá hơn 33 tỷ USD, trong khi hội thiện đứng hàng thứ hai được thành lập từ năm 1936 là Ford Foundation chỉ có 11 tỷ USD hay Getty Trust chỉ có 9,6 tỷ USD. Bill Gates không chỉ bỏ ra hơn 30 tỷ trong số tài sản trị giá 56 tỷ USD của mình vào hoạt động từ thiện mà còn kêu gọi các tỷ phú khác cùng tham gia trong một câu lạc bộ các tỷ phú từ thiện. Đáng chú ý không kém là Bill và Melinda Gates Foundation còn quan tâm đến các vấn đề của nhân loại: từ phát triển, y tế, gíáo dục đến môi sinh. Thí dụ như trong năm 2010, đến 84% chi phí cho các chương trình của quĩ này là dành cho thế giới bên ngoài.

Phần lớn các tỷ phú Mỹ như Warren Buffet, Gates hay Soros đều là doanh gia xuất sắc. Trên kinh doanh, họ là người sắc bén, thậm chí lạnh lùng, thành công vượt bậc.

Một thí dụ điển hình là George Soros. Ông này từng đánh sập đồng bảng Anh năm 1992 và kiếm được mấy tỷ bảng, buộc nước Anh phải rút khỏi hệ thống tiền tệ Âu châu SME năm 1993. Sau đó, ông bị nhiều nước Châu Á đả kích là góp phần gây ra vụ khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997.

Warren Buffet là nhà đầu tư có biệt danh là "Bậc tiên tri xứ Omaha" nhưng cũng có nhiều quyết định đầy rủi ro. Thực tế là trong vụ khủng hoảng 2008-2009, tài sản của ông đã sụt từ 65 tỷ xuống còn có 37 tỷ USD, mất 28 tỷ trong vòng một năm!

Bill Gates là người ôn hoà, kín đáo và dung dị, nhất là sau khi chấm dứt hoạt động kinh doanh để dành toàn bộ thời cho hoạt động từ thiện. Nói chung, các tỷ phú lại thiên về đảng Dân Chủ và đó cũng là chi tiết lạ!

Theo Minh Bích

Tầm Nhìn

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên