MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Obama gấp rút trở lại châu Á?

22-11-2013 - 11:49 AM | Tài chính quốc tế

Phát biểu hai ngày trước (20/11), tại Đại học Georgetown ở thủ đô Washington, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ có chuyến thăm châu Á vào tháng 4/2014.

Bà Rice cũng khẳng định, việc tái cân bằng với khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là "hòn đá tảng" trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Bà cho biết thêm, bất kể có bao nhiêu điểm nóng nổ ra ở các nơi, Mỹ vẫn tiếp tục làm sâu sắc cam kết lâu dài với "khu vực đặc biệt quan trọng này".

Theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, cam kết của Mỹ với châu Á không chỉ kéo dài vài tháng hay vài năm mà sẽ có tính chiến lược lâu dài, mạnh mẽ, ổn định và đáng tin cậy. Ngoài ra, những người bạn của Mỹ tại châu Á xứng đáng và sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm cao nhất của chính quyền Washington, bà Rice nói thêm.

Bà tuyên bố, việc Mỹ giúp đỡ chính phủ và nhân dân Philippines khắc phục những hậu quả thảm khốc do trận siêu bão Haiyan gây ra, trong đó bao gồm việc triển khai hơn 1.000 lính thủy đánh bộ tới quốc gia Đông Nam Á này, là bằng chứng xác thực cho thấy Mỹ cam kết mạnh mẽ hơn với châu Á - Thái Bình Dương.

Bà Rice cam kết Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí lực lượng quân sự cũng như nâng cấp và đa dạng hóa các thỏa thuận an ninh nhằm hướng tới đảm bảo cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương "an toàn hơn", trong đó có việc bố trí 60% hạm đội hải quân Mỹ tại khu vực này, vào năm 2020.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất trong bài nói của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ là việc người đứng đầu chính phủ nước này sẽ thăm châu Á vào tháng 4/2014, dù bà không công bố cụ thể lịch trình chuyến đi này thế nào.

Theo giới phân tích, đây là phát biểu quan trọng đầu tiên của một quan chức hàng đầu Nhà Trắng về chính sách đối với châu Á - Thái Bình Dương, kể từ khi ông Obama hủy chuyến thăm và tham dự một loạt hội nghị quan trọng ở châu Á đầu tháng 10 vừa qua, do việc chính quyền liên bang phải đóng cửa hoạt động vì... cạn tiền.

Hồi tháng 10 năm nay, người đứng đầu Chính phủ Mỹ đã tuyên bố hủy bỏ một loạt chuyến thăm tới các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei do Quốc hội Mỹ không thể thông qua dự thảo luật ngân sách, dẫn đến tình trạng Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động trong suốt hơn nửa tháng.

Mặc dù việc ông Obama buộc phải hủy bỏ chuyến đi này là vì vấn đề chính quyền liên bang cạn tiền, song vấn đề này cũng làm dấy lên không ít câu hỏi về sự cam kết của Mỹ đối với châu Á. Trước sự nghi ngờ này của dư luận, nhiều quan chức hàng đầu của Mỹ đã phải lên tiếng, trong đó có phát biểu của Ngoại trưởng Kerry.

“Đừng hiểu nhầm giai đoạn tạm thời này của chính trường Mỹ, đây chỉ là một khoảnh khắc chính trị, là một ví dụ cho nền dân chủ cao độ của đất nước chúng tôi”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ John Kerry nói. "Không một điều gì như đang xảy ra ở Washington sẽ làm giảm cam kết của chúng tôi với các đối tác châu Á", ông nói.

Tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng nếu tình trạng đóng cửa chính phủ kéo dài hoặc lặp lại, dư luận sẽ đặt câu hỏi liệu Mỹ có đủ năng lực thực hiện chiến lược của mình. Đây cũng là lo lắng chung của nhiều quan chức Mỹ về ảnh hưởng của nước này ở các điểm nóng khác của thế giới vào lúc chính quyền liên bang ngừng hoạt động.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đầu tháng trước đã cảnh báo rằng việc chính quyền liên bang đóng cửa sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của Mỹ với các đồng minh. "Bóng mây đen bất ổn này sẽ ảnh hưởng tới nhiệm vụ của chúng ta trên toàn thế giới. Nó khiến các đồng minh phải đặt câu hỏi về hành động của chúng ta".

Theo giới phân tích, chuyến thăm châu Á năm 2014 của ông Obama không chỉ nhằm vào việc tái khẳng định chính sách xoay trục sang châu Á, mà còn có vai trò khẳng định lại uy tín trước các đồng minh ở châu Á. Hãng Yonhap hôm 21/11 nhận định có thể điểm đi thăm năm tới của ông Obama sẽ là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tạp chí Diplomat đưa ra 4 nội dung trọng tâm trong chuyến thăm. Thứ nhất là về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định sẽ giúp tập hợp một nhóm nền kinh tế "cùng mục đích" ở châu Á - Thái Bình Dương và tự do hóa thương mại theo cách có thể tăng sức cạnh tranh cho công ty Mỹ trong khu vực này.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vẫn thường được mô tả là một trụ cột kinh tế thương mại trong chính sách tái can dự của Washington với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiệp định này không có Trung Quốc nhưng lại có Nhật Bản. Với hiệp định này, Mỹ muốn lôi kéo các nước vào quỹ đạo của hệ thống kinh tế Mỹ.

Nội dung thứ hai sẽ là tái khẳng định giá trị của việc Hạm đội 7 hiện diện tại Thái Bình Dương. Nội dung nghị sự thứ ba sẽ là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó bao gồm việc chia sẻ ý tưởng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Điểm trọng tâm cuối cùng là cuộc thảo luận với Thủ tướng Nhật, Tổng thống Hàn Quốc.

Trong một diễn biến khác, vào đầu tháng 12 tới, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ thăm một loạt quốc gia châu Á, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mục đích của chuyến thăm châu Á sắp tới này của ông Joe Biden cũng không ngoài việc nhấn mạnh những cam kết của Mỹ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Thanh Hải

huongnt

VnEconomy

Trở lên trên