MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao quyết định của NHTW Thụy Sĩ gây sốc?

16-01-2015 - 15:01 PM | Tài chính quốc tế

Tối qua (15/1), NHTW Thụy Sĩ (SNB) đã gây sốc cho thị trường tài chính quốc tế khi thông báo sẽ thả nổi tỷ giá giữa đồng franc và euro vốn được sử dụng để ngăn chặn đồng nội tệ tăng giá quá cao so với đồng tiền chung châu Âu.

Điều này có nghĩa là gì?

Từ lâu nay Thụy Sĩ vẫn nổi danh với một hệ thống tài chính rất ổn định với các ngân hàng “đã đi vào truyền thuyết”. Năm 2011, trong thời kỳ đáng sợ nhất của cuộc khủng hoảng ở eurozone, vị thế “hầm trú ẩn an toàn” của quốc gia này đã biến Thụy Sĩ thành một hòn đảo yên bình. Tiền từ khắp nơi trong eurozone rót vào đây bởi nhà đầu tư tìm kiếm một nơi an toàn để cất giấu tiền của họ.

Tất nhiên, khi mọi người đều muốn để tiền ở Thụy Sĩ, giá trị của đồng franc tăng lên chóng mặt. Đầu năm 2010, 1 franc chỉ có giá trị chưa đến 0,7 euro và đến giữa năm 2011, đồng tiền này gần ngang bằng với euro.

Các quốc gia sẽ không muốn đồng nội tệ của họ quá mạnh. Lý do đơn giản và dễ hiểu nhất là đây là tin xấu cho các công ty xuất khẩu chứng kiến hàng hóa xuất đi bị giảm cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Thụy Sĩ còn được biết đến với các mặt hàng xuất khẩu xa xỉ như đồng hồ và dược phẩm, bởi vậy một đồng nội tệ mạnh sẽ gây ra nhiều rắc rối. Ngoài ra còn có những lý do khác liên quan đến hệ thống tài chính khi một quốc gia phải tiếp nhận dòng vốn bên ngoài ồ ạt chảy vào.

Bởi vậy, mùa hè năm 2011, NHTW Thụy Sĩ thông báo áp dụng mức trần đối với tỷ giá giữa đồng euro và franc. Euro sẽ không được phép yếu hơn mức giới hạn 1,20 franc đổi 1 euro. SNB duy trì mức trần bằng cách in thêm franc để mua euro trên thị trường nhằm đảm bảo chắc chắn rằng ranh giới sẽ không bị xâm phạm. Mức này được giữ vững trong suốt hơn 3 năm.

Điều gì xảy ra sau đó?

Vì không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy SNB sẽ đưa ra quyết định như vậy, động thái của SNB ngay lập tức khiến đồng franc tăng vọt so với các loại tiền tệ khác.

Trong một thông báo sau đó, SNB đã đưa ra lời giải thích. Điểm đáng chú ý là SNB cho rằng khủng hoảng 2011 đã qua nhưng rõ ràng đồng euro đang có một tương lai không hề tươi sáng:

“Trần tỷ giá được áp dụng trong thời kỳ đồng franc bị định giá quá qua và thị trường tài chính có quá nhiều bất ổn. Biện pháp tạm thời và phi truyền thống này đã bảo vệ nền kinh tế Thụy Sĩ khỏi những tổn thương trầm trọng. Mặc dù giá đồng franc vẫn cao, hiện tượng định giá quá cao đã giảm dần. Nền kinh tế Thụy Sĩ cũng có thể tận dụng lợi thế của giai đoạn này để điều chỉnh phù hợp với bối cảnh mới.

Gần đây, sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa các nước lớn đã khiến tình hình đổi khác. Đồng euro giảm giá quá mạnh so với USD và điều này lại khiến franc cũng giảm giá so với USD. Trong trường hợp này, SNB kết luận rằng duy trì trần tỷ giá là không phù hợp nữa”.

Trong một báo cáo gửi đến khách hàng, chuyên gia tiền tệ Kit Juckes của ngân hàng Societe Generale đã giải thích rằng SNB nhận định sẽ là vô ích nếu cứ tiếp tục mua vào ngày càng nhiều euro để hạn chế đà tăng của franc. Những đồng euro ngày càng “nở rộ” trên bảng cân đối kế toán của SNB sẽ trở thành gánh nặng.

Hơn nữa, NHTW châu Âu (ECB) đang tiến rất gần đến chương trình nới lỏng định lượng – động thái gây nhiều áp lực giảm giá lên đồng euro và kéo theo đó là chi phí ngày càng tăng đối với SNB.

Tuy nhiên, vẫn cần phải lưu ý rằng không phải trong thời gian tới SNB sẽ “khoanh tay” không làm gì cả. Juckes giải thích rằng SNB chỉ đơn giản là thay đổi thủ thuật:

“SNB không “từ bỏ” mà đang thay đổi chiến thuật. Sau cùng thì người ta sẽ tìm đến Bắc Kinh hay Thượng Hải hơn là Frankfurt để mua những thứ hàng hóa xa xỉ do Thụy Sĩ sản xuất ra. SNB sẽ nhìn thấy chính sách lãi suất âm có tác động như thế nào tới những ai đang muốn giữ tiền bằng đồng franc. SNB phải hi vọng sau thời kỳ ban đầu đồng franc tăng giá quá mạnh, cuối cùng tỷ giá sẽ trở về mức 1,20 franc đổi 1 euro"

Điều này có ý nghĩa như thế nào với thế giới?

Bất cứ khi nào thị trường tài chính biến động ở mức lớn như vậy, chắc chắn sẽ có rất nhiều người bị thiệt hại. Trong trường hợp này, các nước Đông Âu bị ảnh hưởng nhiều hơn cả do nhiều người dân có các khoản vay thế chấp tính bằng đồng franc. Những khoản vay này đang trở nên đắt đỏ hơn gấp nhiều lần.

Cú sốc này cũng xảy ra tại thời điểm mà thị trường tài chính đang trải qua nhiều biến động với biên độ lớn chưa từng thấy. Giá hàng hóa sụp đổ vốn dĩ đã gây ra nhiều đau thương. Giờ đây hệ thống lại phải chịu thêm nhiều gánh nặng.

>>> Thụy Sĩ tạo "cơn sóng thần" trên thị trường tiền tệ thế giới

Thu Hương

 

Thu Hương

BusinessWeek

Trở lên trên