MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viễn cảnh xa hoa của đồng nhân dân tệ

25-08-2014 - 11:06 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc hiểu rằng kiểm soát thị trường tài chính đã giúp nước này không bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng tài chính.

Tư duy mới ở Trung Quốc

Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giới lãnh đạo ở Trung Quốc đã lường trước tương lai quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ (RMB). Nhưng vị trí thống lĩnh của USD, sự xuất hiện của đồng Euro và sự mong manh của lĩnh vực tài chính trong nước được bảo trợ của Trung Quốc đã kiềm chế những kỳ vọng về việc RMB có thể nhanh chóng chiếm vị trí như là một loại tiền tệ quốc tế quan trọng.

Biểu đồ tăng trưởng lượng RMB trong giao dịch thương mại - đầu tư qua biên giới

Trên thực tế vào đêm trước của cuộc khủng hoảng năm 2008, các nhà quan sát đã đồng ý rằng “Quyền lực của Trung Quốc trong hệ thống tài chính quốc tế, dù đang tăng một cách chắc chắn, không nên được đánh giá quá cao”. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế kéo dài của Trung Quốc và việc nắm giữ một lượng lớn tài sản USD bảo đảm rằng ít nhất thì các cuộc thảo luận về vai trò của nước này như một cường quốc tiền tệ tiềm năng sẽ diễn ra.

Như một dự án dài hạn, Bắc Kinh có thể hình dung một ngày khi mà RMB sẽ là đồng tiền được lựa chọn trong khu vực Đông Á, một triển vọng sẽ giúp nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo chính trị và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Sau khủng hoảng, thời gian biểu này đã được tăng tốc. Một động lực mới và quan trọng đã xuất hiện, đó là thiết lập một số khoảng cách với đồng đô la và trình bày một mô hình quản lý kinh tế trong đó cung cấp một vài giải pháp thay thế cho việc tài chính toàn cầu hoàn toàn không được điều tiết.

Trung Quốc luôn luôn cảnh giác với việc phơi bày các điểm yếu của bản thân ra thị trường vốn quốc tế và hiểu rằng sự kiểm soát (đối với thị trường tài chính) đã giúp nước này không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cũng như các hỗn loạn khác kể từ giữa những năm 1990. Từ đầu những năm 2000, Trung Quốc đã bắt tay vào một con đường thận trọng, trong đó kết hợp việc tăng giá RMB có kiểm soát với việc từ từ tự do hóa tài chính.

Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã cung cấp một động lực mới để thúc đẩy RMB, trong khi quan trọng không kém là thay đổi tầm nhìn về con đường sau cùng. Bằng cách phơi bày những lỗ hổng sâu sắc trong mô hình Mỹ, cuộc khủng hoảng đã gây ra cái gọi là “sự hối hận của người mua” tại Bắc Kinh – Trung Quốc, theo đó lấy làm tiếc rằng mô hình phát triển của nó đã gắn quá chặt chẽ với nền kinh tế Mỹ và làm cho nó trở nên liên quan mật thiết với USD.

Các nhà kinh tế học ở Trung Quốc phản ánh quan điểm được phổ biến rộng rãi trong giới tinh hoa cho rằng “chỉ bằng cách loại bỏ vị trí độc quyền của USD” mới có thể cải cách được hệ thống. Nhiều người coi việc quốc tế hóa RMB là cần thiết để cải cách và đa dạng hóa hệ thống tiền tệ quốc tế. Một hệ thống đa tiền tệ sẽ làm giảm ảnh hưởng của USD, góp phần ổn định hệ thống, tăng cường tiếng nói của Trung Quốc và cung cấp một số bảo đảm chống lại một cuộc khủng hoảng USD.

Ngày 23/3/2009, Zhou Ziaochuan, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PCoB), đã phát biểu về “Cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế”. Trên danh nghĩa một lời kêu gọi cho một vai trò lớn hơn của Quyền rút rốn đặc biệt (SDR – tài sản dự trữ tổng hợp được tạo ra bởi IMF), tuyên bố của vị Thống đốc có thể được hiểu như một sự thách thức đối với USD.

Những bước đi ban đầu

Trung tuần tháng 6/2014, hai ngân hàng lớn của Trung Quốc đã đạt được những thỏa thuận quan trọng về thanh toán bù trừ tại Châu Âu. Ngân hàng lớn thứ hai của quốc gia này - NH Xây dựng Trung Quốc - đã chính thức trở thành nhà thanh toán bù trừ đồng RMB tại London. Ngân hàng lớn nhất Trung Quốc là Bank of China cũng trở thành ngân hàng thanh toán bù trừ RMB cho khối Eurozone, có trụ sở tại Frankfurt.

Thực ra, chưa cần phải tới sự kiện này, tất cả các ngân hàng, doanh nghiệp và thậm chí là các cá nhân đều sẵn sàng mua đồng RMB từ Euro (EUR) hay Bảng Anh (GBP) của họ. Hàng loạt các định chế tài chính, ở châu Âu hay Hong Kong, đều từ lâu đã sẵn lòng cung cấp dịch vụ này. Điều khác biệt là khi hai ngân hàng lớn của Trung Quốc cung cấp dịch vụ này, họ sẽ được phép tự mua RMB để đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngoại quốc.

Và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ cung cấp hạn mức cho họ. Còn các NH khác muốn cung cấp dịch vụ sẽ phải tốn kém chi phí hơn vì khả năng mua RMB bị hạn chế.

Nhưng giới chức Châu Âu dường như lại lơ là nguy cơ tăng trưởng nhanh của đồng RMB trong các giao dịch, bất chấp kết quả thống kê trên thị trường tài chính quốc tế năm 2013 cho thấy, RMB được đánh giá là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ 9 thế giới, tăng mạnh so với vị trí 37 của năm 1998, 20 của năm 2007 và 17 của 2010. Doanh số giao dịch tăng từ 34 tỷ USD năm 2012 lên 120 tỷ USD năm 2013, chiếm 2,2% tổng giao dịch ngoại hối toàn cầu.

Lý do của thái độ bàng quan trên là bởi khi các nước Châu Âu muốn mua RMB, họ dùng EUR và GBP để mua USD và sau đó dùng USD để mua RMB. Điều này phản ánh một sự thật là thị trường giao dịch đồng USD cực kỳ thông dụng và thanh khoản cao, với ít rào cản về chi phí giao dịch. Nói cách khác, các quốc gia châu Âu đang cho thấy đồng USD thực sự là đồng tiền quốc tế, được chấp nhận rộng rãi bởi người giao dịch và nhà đầu tư ngoại hối ở cả Trung Quốc và khắp nơi trên thế giới.

Giới chức Trung Quốc thì tin rằng thực tế này sẽ thay đổi dần dần khi các NH tăng cường cung cấp dịch vụ, tài sản bằng đồng RMB, thị trường sẽ sử dụng các dịch vụ hay tài sản này và do đó làm giảm chi phí giao dịch cũng như tăng thanh khoản cho đồng tiền ở các quốc gia Châu Âu. Do vậy, việc để hai ngân hàng Trung Quốc tiến hành cung cấp dịch vụ thanh toán bù trừ chính thức tại Anh và Châu Âu, là một bước tiến nhằm thay đổi hệ thống tiền tệ quốc tế với một số đồng tiền cụ thể, chứ không chỉ riêng RMB.

Bước tiến tiếp theo sẽ là cải thiện mức độ tương thích giữa nền kinh tế toàn cầu với hệ thống tiền tệ và tài chính – một bước nữa để chấm dứt sự phụ thuộc của kinh tế thế giới vào USD - điều mà Trung Quốc và Châu Âu từng phàn nàn từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Tuy vậy, đó mới chỉ là một bước, trong khi tính thanh khoản và sâu rộng của các thị trường không phải được xây dựng chỉ trong một sớm một chiều. Vẫn có băn khoăn rằng nhà đầu tư sẽ phản ứng như thế nào với các tài sản tài chính bằng đồng RMB bởi trong quá khứ các tài sản như vậy được kỳ vọng do RMB được đánh giá quá cao. Nhưng hiện nay đánh giá đó sẽ không còn nữa nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại.

Theo Bảo Ngọc

huongnt

Thời báo Ngân hàng

Trở lên trên