MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam trong chiến lược Trung Quốc + 1 của Nhật

28-11-2007 - 12:00 PM | Tài chính quốc tế

Các doanh nghiệp Nhật Bản đang thực hiện chính sách "Trung Quốc cộng một" để tránh rủi ro trong kinh doanh và họ đã quyết định chọn Việt Nam là điểm đến.

Các công ty lớn của Nhật Bản hoạt động nhiều năm tại Việt Nam đang có những động thái tích cực nhằm mở rộng quy mô kinh doanh tại thị trường địa phương. Công ty Yamaha nâng sản lượng xe máy sản xuất ở Việt Nam; IHI chuyển hoạt động vẽ kiểu tàu bè sang cảng Hải Phòng; Toshiba đưa bộ phận nghiên cứu và phát triển sang Việt Nam trong khi Canon thì không ngừng mở rộng mạng lưới phân phối và liên tiếp tung ra những dòng sản phẩm mới...

Trong chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam mới đây, cựu Thủ tướng Nhật Bản, ông Koizumi, đã tới thăm nhà máy sản xuất của Canon nhằm khen ngợi thành tích kinh doanh xuất sắc của hãng tại thị trường Việt Nam. Canon là một trong những công ty có hoạt động kinh doanh thành công nhất tại Việt Nam hiện nay với doanh thu sản xuất tăng 70% trong năm 2006.

Chỉ sau 5 năm hoạt động, Canon đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong lĩnh vực giải pháp hình ảnh, trở thành sự lựa chọn số một của người tiêu dùng. Trong năm 2007, Canon đặt mục tiêu đạt doanh thu 50.000.000 USD và mở rộng mạng lưới với 5 nhà phân phối chính và hơn 300 đại lý trên toàn quốc.

Ông Mike Asao, Trưởng đại diện Văn phòng Canon Singapore tại Việt Nam cho biết: Việt Nam đang chuyển mình trở thành một thị trường thực sự hấp dẫn cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Với môi trường kinh doanh ngày một thông thoáng và linh hoạt như hiện nay, Canon sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất với chiến lược phát triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam.

Nguồn nhân công rẻ là một trong những nguyên nhân chính biến Việt Nam thành địa điểm lý tưởng cho các hoạt động sản xuất. Mức lương trung bình của công nhân Việt Nam hiện nay chỉ chừng 80 USD/tháng, bằng một nửa lương công nhân Trung Quốc và chỉ bằng 1/5 lương công nhân Nhật Bản.

Hơn nữa, việc xây dựng dây chuyền sản xuất tại thị trường tiêu thụ sẽ giúp các công ty Nhật Bản giảm thiểu chi phí, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần.

Các hoạt động sản xuất cũng đem lại lợi ích đáng kể cho thị trường địa phương đặc biệt trong lĩnh vực tạo việc làm. Chỉ các nhà máy của Canon nói riêng đã tạo việc làm cho hơn 15.000 người lao động Việt Nam.

Ba nhà máy sản xuất của Canon được xây dựng với cơ sở hạ tầng và thiết bị hiện đại nhất, không chỉ sản xuất những sản phẩm chất lượng quốc tế mà còn mang lại môi trường làm việc lý tưởng cho toàn thể bộ máy công nhân viên. Một đội ngũ nhân viên tay nghề cao, lên tục được đào tạo nâng cấp là một trong những lý do mang tới những sản phẩm chất lượng cao là nền tảng cho sự thành công của Canon tại thị trường Việt Nam.
 
Theo Quỳnh Anh
VnEconomy

ngocdiep

Trở lên trên