MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn từ Trung Đông chảy về châu Á

18-04-2008 - 01:32 AM | Tài chính quốc tế

Các nhà đầu tư tại Trung Đông đang rời bỏ phương Tây để đầu tư vào những thị trường đang nổi tại châu Á.

Trong những ngày này, ông V.Shankar, Giám đốc Standard Chartered tại Singapo thường dành nhiều thời gian cho khu vực Trung Đông. Ba năm trước, không hề có một vụ M&A (mua bán & sát nhập) hay một dự án tài chính nào ở Vùng Vịnh.

Còn hiện nay, Standard & Chartered có hẳn một đội ngũ gồm 50 người chuyên phụ trách các dự án tại khu vực Trung Đông. Ông Shankar dự đoán họ sẽ còn bận rộn hơn vì ngày càng có nhiều nhà đầu tư tại các nước Arab để mắt tới những thị trường lớn đang nổi của Châu Á. “Điều này thực sự chỉ mới bắt đầu,” ông nói.

Những thỏa thuận liên tiếp được ký kết. Tháng 8 năm ngoái, công ty Al Futtaim Arab Saudi, dưới tư vấn của Standar Charterded đã đồng ý mua lại 95% cổ phần hãng bán lẻ Robinson của Singapo với giá 436 triệu USD. Năm ngoái, ngân hàng này cũng đã tư vấn cho Saudi Telecom đầu tư 3 tỷ USD vào Malaysia và Indonesia.

Hiện Standard Chartered cũng đang hợp sức với Istihmar, công ty con của Dubai World thành lập quỹ đầu tư bất động sản có vốn 1 tỷ USD để đầu tư tại Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á. Vào ngày 14/4 mới đây, Dubai Capital đã thông báo bắt tay với Tập đoàn Đầu tư Fist Eastern của Hong Kong để thành lập quỹ đầu tư 1 tỷ USD tại Trung Quốc.

Rời bỏ phương Tây

Các nhà đầu tư Arab đã từng bỏ qua phương đông mà hướng về phương tây, bỏ quên Trung Quốc để tìm đến với Mỹ và châu Âu. Nhưng ông Ashraf Zeitoon, giám đốc phụ trách dự án đặc biệt của Quỹ Mohammed bin Rashid al Maktoum tại Dubai nói rằng “quan niệm đó đã thay đổi”.

Zeitoon nói rằng thế giới Arab hiện rất quan tâm đến Trung Quốc, và tổ chức của ông có kế hoạch gửi sinh viên chuyên nghành MBA từ Arab sang các trường đại học Trung Quốc. Có rất nhiều điểm tương đồng giữa Trung Đông và Châu Á.

Sự chú ý dồn về châu Á như một động thái trả lời cho việc phản đối các khoản đầu tư từ các nước Arab vào phương Tây. Một trong những lý do khiến các nhà đầu tư Trung Đông rút khỏi phương Tây là do họ phải đối mặt với những khó khăn và bị nghi ngờ dính tới khủng bố khi đầu tư tại Mỹ và châu Âu.

Tuy vậy, vốn từ Trung Đông đổ vào Trung Quốc hay Ấn Độ không nhiều. 70 tỷ USD đầu tư trực tiếp của Trung Quốc hầu như là của phương Tây hoặc các nước gần châu Á. Còn trong số 25 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp của Ấn Độ năm ngoái, thế giới Arab chiếm chưa đầy 5 tỷ, giáo sư Anil Gupta, Đại học Maryland cho biết.

Ông dự đoán mức đầu tư sẽ còn tăng khi mà giá dầu ở mức trên 100 USD/thùng. Theo ước tính của McKinsey, những quốc gia Vùng Vịnh sẽ có 9 nghìn tỷ USD tiền đầu tư vào năm 2020. “Trung Đông sẽ không có cách nào hấp thu số tiền đó. Cách giải quyết khôn ngoan là đầu tư vào Ấn Độ.”

Thách thức tại Trung Quốc

Chính phủ Ấn Độ muốn có 500 triệu USD trong hơn 5 năm tới để cải thiện cơ sở hạ tầng cũ kỹ và rất cần nguồn vốn đầu tư của Trung Đông. Nhưng Trung Quốc đã có hẳn những quỹ đầu tư lớn mạnh để đầu tư ra nước ngoài, nguồn vốn riêng vốn dồi dào và ít cần đến sự hỗ trợ của Trung Đông.

Về phần mình, một số nhà đầu tư Arab có thể cũng có lý do chính trị để rót nhiều tiền hơn vào châu Á. Không phải tất cả mọi người ở phương Tây đều chào đón các nhà đầu tư đến từ Trung Đông. Các chính khách Mỹ đã phàn nàn về đề xuất đầu tư của Dubai vào các hải cảng Mỹ. Trong khi đó, họ có thể sẽ không phải đối mặt với những vẫn đề tương tự tại châu Á.

“Vốn giống như một dòng sông luôn chảy. Và khi gặp một tảng đá, nó sẽ chảy quanh tảng đá đó. Và hòn đá chính là thị trường phương Tây luôn phản đối những khoản đầu tư này,” ông Shankar nhận định.

Tuy vậy, điều này không có nghĩa các nhà đầu tư Arab sẽ gặp suôn sẻ tại châu Á. Ấn Độ là nước có đông dân số theo đạo Hồi, vị trí địa lý và văn hóa gần với Trung Đông, nên sẽ không quá khó khăn khi đầu tư tại đây. Trong khi Trung Quốc, với ít nét tương đồng hơn vẫn là một bí ẩn với thế giới Arab.

Khánh Hoa
Theo BW

khanhhoa

Trở lên trên