MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ xử Giang Thanh - phiên tòa thế kỷ của Trung Quốc

23-12-2012 - 17:00 PM | Tài chính quốc tế

Mạnh Chiêu Thụy, nhiếp ảnh gia quân sự nổi tiếng từng ghi lại nhiều khoảnh khắc lịch sử của Trung Quốc, kể về "phiên tòa thế kỷ" xét xử bà Giang Thanh và những người phản cách mạng trong thời Cách mạng Văn hóa.

Ông Mạnh từng chứng kiến các thời khắc trọng đại của Trung Quốc như ngày Khai quốc 1/10/1949, chiến tranh Triều Tiên, các lần đại hội đảng và đặc biệt là phiên xét xử "bè lũ bốn tên". Dưới đây là lời kể của ông về phiên tòa nổi tiếng nhất của Trung Quốc, trong cuốn sách "Nhiếp ảnh gia đi cùng lịch sử nước Cộng hòa: Những khoảnh khắc khó quên".

Được tác nghiệp tại "phiên xét xử thế kỷ", tôi cũng như các đồng nghiệp khác, tay lăm lăm máy ảnh, máy quay, máy ghi âm, ngắm chuẩn mục tiêu, tập trung quan sát, cứ sợ bị bỏ lỡ mất sự kiện lịch sử. Tôi biết, đây là vụ xét xử mang tầm thế kỷ, có ý nghĩa sâu xa và lâu dài đối với hiện tại và tương lai của Trung Quốc.

Sau khi kết thúc "cách mạng văn hóa" vào năm 1976, cách nhìn của mọi người đối với đất nước Trung Quốc có sự thay đổi. Tôi vẫn luôn chờ đợi, chờ đợi sẽ có một ngày thay đổi. Tôi tin rằng những kẻ tội phạm của lịch sử chắc chắn sẽ chịu sự xét xử của nhân dân. Chờ mãi, rồi ngày ấy, 20/11/1980, cũng đã đến.

Thông tấn xã Báo ảnh quân Giải phóng và Tòa báo quân Giải phóng sắp xếp cho tôi cùng một phóng viên khác theo dõi, đưa tin về vụ xét xử này. Chúng tôi chia nhau phụ trách đưa tin về hình ảnh và văn kiện. Khi chúng tôi mang theo thiết bị ghi hình đến hội trường, đã thấy rất nhiều rất nhiều người có mặt ở đây, trên nét mặt của mọi người có một số lộ vẻ trầm mặc, nặng nề, cũng có người vui tươi ra mặt.

Ngày ấy, Tòa án Nhân dân Tối cao, tại địa chỉ số 1 đường Chính Nghĩa, Bắc Kinh, mở phiên tòa đặc biệt, xét xử đối với 10 tên tội phạm chủ yếu của bè lũ phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh. Bè lũ quan lạĩ từng vênh vang một thời sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, lập tức biến hội trường Bộ Công an bình thường ấy thành tiêu điểm mà cả thế giới phải chú ý.

Tôi biết, rất nhiều người trong số họ đều là lớp hậu sinh, chờ đợi để được trực tiếp nghe sự xét xử đối với bè lũ phản cách mạng Lâm - Giang, nhất định có nhiều cảm xúc. Trong số những người ấy, Vương Quang Mỹ, phu nhân của Lưu Thiếu Kỳ, Tiết Minh, phu nhân của Hạ Long, Hách Trị Bình, phu nhân của La Thụy Khanh, Phố An Tu, phu nhân của Bành Đức Hoài thu hút được sự chú ý nhất của mọi người. Họ lần lượt được phỏng vấn.

Giang Thanh sinh năm 1915 tại Sơn Đông, kết hôn với Mao Trạch Đông năm 1938. Những năm 1960-1970, Giang Thanh đóng vai trò chủ chốt trong cuộc cách mạng văn hóa, gây ra sự hỗn loạn trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc.

Giang Thanh cùng với đồng bọn vu khống, hãm hại các lãnh đạo cấp cao của đảng và nhà nước Trung Quốc, đồng thời kiểm soát tuyệt đối các tổ chức quốc gia. Tháng 10/1976, Giang Thanh bị bắt và bị đưa ra xét xử vào cuối năm 1980.

Tiết Minh nói với nhà báo: "Đã từ lâu tôi chờ đợi ngày xét xử này. Xét xử bè lũ phản cách mạng Lâm - Giang. Không phải là sự thù oán cá nhân. Bọn họ muốn hủy hoại đất nước của chúng ta, cả đất nước đã bị hủy hoại rồi, đâu chỉ riêng có một mình Hạ Long".

Lời của Hách Trị Bình cũng rất xúc động: "Bọn họ đã hại biết bao nhiêu người, đã bao nhiêu người trong cả nước chết dưới bàn tay họ, còn bao nhiêu người nữa mang những vết thương lòng, đã để lại bao nhiêu di chứng về sau trong cả nước, không xử nghiêm bọn họ, sẽ không đủ để xoa dịu nỗi đau của nhân dân". Lời của các bà Tiết, Hách, cũng là đại diện cho tiếng nói từ trong tim của nhân dân.

14h15 phút, cảnh sát, đoàn thư ký, công tố viên, người biện hộ lần lượt vào vị trí. Phía trên chính giữa tòa án treo Quốc huy, phía dưới là đoàn thẩm phán. Cả hội trường im phăng phắc, không một tiếng động, thể hiện vô cùng trang nghiêm, căng thẳng.

Thư ký tòa Quách Chí Văn báo cáo với chánh án Giang Hoa: "Trưởng, Phó Phòng Kiểm sát trưởng, Kiểm sát viên đặc biệt, đã đến tòa để hỗ trợ công tố. Người biện hộ cho vụ án này cũng đã đến tòa. Các bị cáo của vụ án Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn, Trần Bá Đạt, Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng, Khâu Hội Tác, Giang Đằng Giao đã được gọi đến chờ xét xử ở phòng chờ".

Đúng 15h, Giang Hoa tuyên bố khai mạc phiên tòa. Sau khi tiếng chuông điện vang lên, trong hội trường bật sáng nhiều đèn, những tia sáng có phần chói mắt. Tiếp theo, mọi con mắt chăm chú dõi theo, những kẻ tội phạm thuộc bè lũ phản cách mạng lần lượt được áp giải lên tòa.

Lúc này, tôi cũng như các nhà báo khác trong tay chuẩn bị sẵn máy ảnh, máy ghi âm, máy ghi hình hướng chuẩn mục tiêu. Tập trung mọi sự chú ý, chỉ sợ để lỡ mất bất kỳ một cơ hội lịch sử nào. Tôi biết, đây là một vụ xét xử lớn mang tầm thế kỷ, sẽ có ý nghĩa rất sâu rộng đối với hiện tại và tương lai của Trung Quốc.

Người xuất hiện đầu tiên là Vương Hồng Văn, vẻ mặt điển trai vốn có của Vương nay thần sắc suy sụp, khuôn mặt ủy mị. Tiếp đến, người được áp giải lên hầu tòa là Đào Văn Nguyên, Giang Đằng Giao, Khâu Hội Tác, Ngô Pháp Hiến, Hoàng Vĩnh Thắng, Lý Tác Bằng họ đều với bộ dạng sa sút như cửa nhà bị phá sản.

Khi Trần Bá Đạt lên hầu tòa, đi lại đã không còn nhanh nhẹn, Trần hầu tòa trong tình trạng mang bệnh. Sau Trần Bá Đạt là Trương Xuân Kiều, ông ta không thay đổi bộ mặt khinh người, ngạo mạn hằng ngày, vẫn cứng đầu, nét mặt lạnh lùng.

Sau khi 9 phạm nhân lên hầu tòa, 15h15, Giang Hoa hạ lệnh: "Dẫn bị cáo Giang Thanh ra tòa". Sự xuất hiện cuối cùng của Giang Thanh, cũng là điểm nhấn đậm nét trong số 10 phạm nhân hầu tòa.

Tôi nhìn thấy Giang Thanh bị hai nữ cảnh sát áp giải đi vào tòa, ánh mắt bà ta không mấy thay đổi, thể hiện dáng vẻ không chịu khuất phục. Giang đeo cặp kính râm, khoác chiếc áo khoác bông màu đen che cho chiếc áo cộc tay cũng màu đen phía trong, bên dưới là chiếc quần bông cũng màu đen, chân đi đôi giày bông.

Tôi để ý thấy có một miếng vá trên chiếc áo khoác của Giang Thanh. Sau đó tôi được biết, tư tưởng và tâm thái của Giang Thanh trong tù rất phức tạp, bà ta đã từng hét lớn muốn gặp Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Vương Đông Hưng đến để cùng bà ta tranh luận, khi tĩnh lặng trở lại một con người, bà ta cũng kín đáo rơi lệ khi xem ảnh chủ tịch Mao trong tuyển tập Mao Trạch Đông.

Các bị cáo đối diện với "tòa án nhân dân"

Giang Thanh cùng các bị cáo khác trong phiên tòa cuối năm 1980. Ảnh: Tumblr

Bà ta ưỡn ngực đi về phía tôi, chau mày với Vương Quang Mỹ, phu nhân của Lưu Thiếu Kỳ, đang ngồi trên ghế. Tôi nhanh chóng ấn vào nút ống kính mở nhanh, thế là trong tích tắc, chi tiết ấy đã được ghi lại.

Giang Thanh và Hoàng Vĩnh Thắng ngồi vào vị trí giữa của hàng ghế bị cáo, họ đại diện cho hai vị trí hàng đầu của bè lũ phản cách mạng từng được cả nước chú ý.

15h18, chủ tọa phiên tòa Giang Hoa tuyên đọc bản khởi tố. Bản khởi tố dài hàng chục nghìn từ được chia thành 48 điều, ghi lại tội ác của Lâm Bưu, Giang Thanh. Bản khởi tố do Hoàng Hỏa Thanh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiêm trưởng Phòng Phòng Kiểm sát đặc biệt, và Phó trưởng phòng Phòng kiểm sát đặc biệt Sử Tiến Tiền thay nhau tuyên đọc cho đến hết.

Lúc ấy, tôi và mọi người ở dưới hội trường, nghe được những nội dung này, từ trong tâm mình cảm thấy kinh ngạc và căm thù. Còn Giang Thanh nhìn lên hình như không lấy gì làm ngạc nhiên, bà ta đỡ chiếc tai nghe, cười khẩy khi nghe được những lời khởi tố, có lúc bà ta cố ý trông trước trông sau, biểu lộ sự khinh miệt đối với tòa án, hiện rõ sự giả tạo.

Trương Xuân Kiều thì cúi đầu, với cái nhìn cứng nhắc, cố gắng che đậy sự căng thẳng trong nội tâm. Trong quá trình tuyên đọc bản khởi tố, Lý Tác Bằng, Trần Bá Đạt, có vẻ như không chịu nổi, xuất hiện phản ứng bệnh lý. Họ lập tức được bác sĩ của tòa án điều trị kịp thời. 10 phạm nhân có 10 biểu cảm khác nhau, đều được tôi lưu lại qua ống kính, ghi lại vào lịch sử.

Sau khi đọc xong bản khởi tố, chủ tọa Giang Hoa tuyên bố tòa án số 1 và tòa án số 2 chia nhau tiến hành thụ lý, xét xử đối với 10 bị cáo. Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn , Trần Bá Đạt được xếp vào nhóm thứ nhất. Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng, Khâu Hội Tác, Giang Đằng Giao được xếp vào nhóm thứ hai bị thụ lý xét xử. Là một nhà báo, tôi chủ yếu được sắp xếp phỏng vấn chụp hình nhóm thứ nhất̉.

Sau khi tuyên bố dừng phiên tòa, các bị cáo được giải ra ngoài. Khi nữ cảnh sát đưa tay ra muốn dìu Giang Thanh, Giang lập tức đẩy ra, tỏ ra rằng không muốn giúp đỡ, thái độ của bà ta rất ngạo mạn, để lại một ấn tượng sâu sắc đối với tôi.

Theo Vũ Hà
VnExpress

huongnt

Trở lên trên