MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Waste Management - Cỗ máy biến rác thành tiền lớn nhất nước Mỹ

25-02-2015 - 01:20 AM | Tài chính quốc tế

Hoạt động của Waste Management bao phủ hầu như toàn bộ các mảng của ngành xử lý rác thải sau khi thâu tóm hàng loạt các công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên khắp thế giới.

Nội dung nổi bật:

- Waste Management Inc.hiện đứng đầu ngành quản lý và tái chế rác thải thế giới với hoạt động bao phủ tất cả các mảng thu gom, quản lý bãi tập kết rác biến rác thành năng lượng, tái chế rác...

- Nhận định xử lý rác thải là ngành còn nhiều tiềm năng phát triển, WM đã thâu tóm hơn trăm công ty hoạt động trong nhiều mảng ở nhiều nước


Ra đời năm 1968 và có trụ sở ở Texas, Waste Management Inc. (WM) hiện là công ty xử lý rác thải lớn nhất nước Mỹ.

Hiện nay WM có 367 cơ sở thu gom rác, 355 trạm chuyển tiếp, 273 bãi tập kết rác đang hoạt động, 16 nhà máy biến rác thành năng lượng, 134 nhà máy tái chế và 6 nhà máy điện độc lập. Waste Management cung cấp dịch vụ môi trường ở Mỹ, Canada và Puerto Rico. Với 21.000 phương tiện thu gom và vận chuyển rác, đây là công ty có lực lượng hùng hậu nhất trong ngành xử lý rác. Cùng với đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Republic Services, Inc, hai công ty này xử lý hơn một nửa lượng rác thải của toàn nước Mỹ.

Hoạt động của Waste Management bao phủ hầu như toàn bộ các mảng của ngành xử lý rác thải với hàng loạt vụ thâu tóm các công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên khắp thế giới. Mặc dù thường xuyên bị tấn công bởi các chính phủ và nhóm hoạt động vì môi trường, sự phát triển trên toàn thế giới và những nỗ lực thu gom và xử lý rác thải của Waste Management đáng được ghi nhận.

Hệ số biên lợi nhuận gộp của Waste Management hiện ở mức 36,81% và được giới phân tích đánh giá là khá cao. Bên cạnh đó, hệ số biên lợi nhuận ròng ở mức 7,49% - cao hơn mức trung bình của ngành quản lý và tái chế rác thải.

Sau khi tăng 33% so với cách đây 1 năm, vốn hóa của Waste Management hiện đạt 25 tỷ USD - tương đương 1/2 tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đà tăng giá mạnh mẽ của năm ngoái cũng khiến cổ phiếu này hiện ở mức khá đắt đỏ so với trung bình của ngành, với P/E hiện ở mức xấp xỉ 20 lần.

 

Đi lên từ thâu tóm

Năm 1871, Harm Huizenga - một người nhập cư gốc Hà Lan – bắt đầu dùng xe bò để thu gom rác với giá 1,25 USD/xe. Năm 1968, Wayne Huizenga, Dean Buntrock và Larry Beck thành lập Waste Management, Inc.

Đây là thời điểm tuyệt vời để gia nhập ngành quản lý và tái chế rác thải. Nền kinh tế Mỹ đang ở đỉnh cao của thời kỳ thịnh vượng hậu chiến, đồng thời người tiêu dùng Mỹ cũng bắt đầu làn sóng sử dụng các loại bao bì và các sản phẩm tiện lợi khác được thiết kế chỉ để sử dụng một lần. Tốc độ xả rác tăng trưởng nhanh hơn cả tốc độ tăng dân số và những công ty thu gom rác có lợi thế lớn.

Dean Buntrock quyết định mở rộng hoạt động kinh doanh một cách mạnh mẽ, thâu tóm và tạo ra một loạt các công ty tương tự ở Chicago và Wisconsin.

Trong những năm đầu hoạt động, các công ty thuộc Waste Management ở Illinois, Wisconsin và Florida chỉ có tổng doanh thu ở mức khiêm tốn 5,5 triệu USD. Tuy nhiên, các lãnh đạo công ty vẫn nhận định đây là ngành có tương lai rất tốt và quyết định niêm yết cổ phiếu vào năm 1971. Từ năm 1971 đến 1980, doanh thu của Waste Management tăng trưởng 48% mỗi năm.

Đến năm 1972, công ty này đã thực hiện tổng cộng 133 vụ thâu tóm và có doanh thu lên tới 82 triệu USD. Trong những năm 1980, Waste Management thâu tóm Service Corporation of America (SCA) để trở thành công ty xử lý rác thải lớn nhất nước Mỹ.

Phát biểu tại một hội nghị năm 2011, CEO David Steine của Waste Management đã tiết lộ về chiến lược của công ty. Với mục tiêu tìm ra những giá trị mới từ những rác thải mà Waste Management vẫn thu gom, Steine khẳng định “vẻ đẹp” trong mô hình kinh doanh của Waste Management là tạo ra nhiều loại giá trị khác nhau từ rác: điện và nhiên liệu.

Khai thác khí đốt như metan và carbon từ các bãi tập kết rác là một phần trong chiến lược này. Waste Management cũng đang đầu tư vào các công ty khởi nghiệp biến rác thành các năng lượng hoặc nguyên vật liệu mới có thể sử dụng. Một ví dụ điển hình là Harvest Power – công ty sử dụng các công nghệ tiên tiến biến chất thải hữu cơ thành năng lượng có thể tái tạo hay các sản phẩm phân bón hữu cơ.

>> Xử lý rác thải - ngành miễn nhiễm với khủng hoảng

Thu Hương

Thu Hương

Tài chính Plus

Trở lên trên