MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2016-2020: Mạnh tay với sở hữu chéo

16-10-2016 - 07:50 AM | Tài chính - ngân hàng

Muốn tránh “mạng nhện” sở hữu, đòi hỏi sự quyết liệt của cơ quan điều hành và hệ thống TCTD.

Vẫn nan giải thoái vốn

Những kết quả của quá trình tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2011-2015 đã mang đến cho hệ thống NH một diện mạo mới. Tuy vậy, khó khăn và thách thức vẫn còn, luôn hiện hữu. Với lộ trình tái cơ cấu giai đoạn II kéo dài từ 2016-2020, nhiệm vụ đặt ra với hệ thống NH bên cạnh việc tiếp tục xử lý nợ xấu, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và quản trị NH... thì sở hữu chéo là vấn đề kỳ vọng sẽ được xử lý quyết liệt hơn.

Sở dĩ có thể dự báo được điều này vì tuy dự thảo Đề án tái cơ cấu TCTD giai đoạn II chưa được công bố, nhưng có thể thấy chủ đích của cơ quan quản lý thông qua việc NHNN đã ban hành 2 Thông tư 13/2010/TT-NHNN và Thông tư 36/2014/TT-NHNN (nay là Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi) về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD. Các chuyên gia nhận định, đó là những khung khổ pháp lý nhằm mục tiêu từng bước xử lý vấn đề sở hữu chéo.

Theo lộ trình Thông tư 06 đề ra, việc thoái vốn đến thời điểm này dù đã quá hạn nhưng vẫn chưa hết khó khăn. NHNN cũng đã định ra deadline (hạn chót) cho các NH để cơ cấu lại sở hữu chéo, với kế hoạch thoái vốn theo quy định. Nhưng sự phức tạp của vấn đề khiến nhà điều hành đã phải chấp nhận một số yêu cầu xin gia hạn thời gian của NHTM.

Đơn cử như Vietcombank, NH này đã từng có văn bản gửi NHNN xin gia hạn và đề xuất giữ vốn góp tại MB vì cổ phiếu của NH này khá tốt và đã được chấp thuận. Đây cũng là nhà băng có vốn tại nhiều TCTD khác nhất: 4 NHTM và một công ty tài chính. Tuy nhiên đến thời điểm này, Vietcombank cũng sẽ phải sớm đưa ra lựa chọn 1 trong 4 TCTD còn lại (ngoài MB) để giữ lại cổ phần sở hữu.

Tháng 6/2016 vừa qua, VietinBank cũng mới thoái bớt vốn khỏi Saigonbank (từ 10,39% xuống 4,91%), đồng thời quyết định thoái vốn tại CTCP Cảng Sài Gòn và CTCP Cảng Hải Phòng. Trước đó, tháng 4/2016, MobiFone đăng ký bán toàn bộ cổ phần nắm giữ tại SeABank và TPBank. Nhưng kém may mắn là không có nhà đầu tư nào mặn mà mua cổ phần SeABank; TPBank dù “khá khẩm” hơn nhưng cũng chỉ thu hút được 6 nhà đầu tư đăng ký mua 8,7 triệu cổ phần. VNPT cũng là đơn vị viễn thông chưa thoái vốn khỏi Maritime Bank...

Theo chia sẻ của TS. Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh) có nhiều khó khăn dẫn tới việc các NH gặp trở ngại trong việc xử lý dứt điểm sở hữu chéo. Một trong số đó liên quan tới vấn đề định giá lại giá trị của cổ phiếu. “Sau thời gian đầu tư thì việc định giá lại sẽ như thế nào? Làm sao tìm được đối tác để sang nhượng lại theo hình thức riêng lẻ, hay dưới hình thức bán ra trên các sàn UpCOM, HNX, HoSE... là chuyện mà các NH phải đau đầu tính toán”, ông Tín cho biết.

Trên thực tế, giá ở thời điểm đầu tư thường cao hơn, bây giờ đem ra bán trong khi giá cổ phiếu giảm sẽ khiến NH chịu lỗ. Nhưng vị chuyên gia này cũng hy vọng hoạt động NH đang cải thiện đáng kể sẽ giúp cổ phiếu NH bớt ảm đạm, việc thoái vốn cũng sẽ nhanh hơn và ít chịu thiệt. Bởi cũng có không ít trường hợp thoái được vốn sau khi tiến hành sáp nhập hoặc mua lại các CTTC, như Techcombank mua lại Công ty tài chính cổ phần Hoá chất, SHB mua Công ty tài chính Vinaconex Viettel...

Khung khổ pháp lý là ưu tiên hàng đầu

Có ba vấn đề chính khiến sở hữu chéo chưa giải quyết được triệt để, theo phân tích của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng. Thứ nhất, giá cổ phiếu trên thị trường xuống thấp, khi thoái vốn NH sẽ phải chịu lỗ. Thứ hai, vấn đề sở hữu chéo do những cổ đông tạo ra nhóm lợi ích, nên dù có luật nhưng họ vẫn chần chừ thực hiện vì đi ngược lại quyền lợi của họ. Và thứ ba, vô cùng quan trọng, việc xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với vấn đề này còn chậm, chưa đồng bộ.

Giải pháp cho các vấn đề trên, theo ông Hiếu, những quyết định, quy định từ cơ quan điều hành sẽ góp phần lớn tạo niềm tin thị trường, nên nếu không quyết liệt sẽ rất khó giải quyết.

Đề xuất giải pháp quyết liệt để tạo niềm tin thị trường, thậm chí một số chuyên gia còn nêu những hành động mang tính tiêu cực. TS. Bùi Quang Tín cho rằng để tái cơ cấu thật sự thì phải để cho một số NH yếu kém phá sản. Theo ông Tín, khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định quốc tế FTA, đặc biệt là TPP, chúng ta bắt buộc phải theo thông lệ quốc tế...

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, cách giải quyết thực tế nhất là mỗi NH yếu kém cần được tách riêng ra; thanh tra, giám sát dựa trên những chỉ tiêu về vốn, thanh khoản, lợi nhuận... “Vấn đề sở hữu chéo nằm ở việc cổ đông sở hữu nhiều NH sẽ tìm cách chống lại việc NH bị phá sản. Đây là chuyện của họ. Còn cơ quan chức năng thì cứ chiểu theo những tiêu chí như trên để có biện pháp xử lý. Vấn đề sở hữu chéo không thể ảnh hưởng đến quyết định của các cơ quan chức năng được”, ông Hiếu nói rõ quan điểm.

Nhưng vị chuyên gia này cũng nhận thấy, xử lý sở hữu chéo phải đi cùng với hai điều kiện: đồng ý cho NH yếu kém không còn khả năng phục hồi đi đến phá sản; và những chỉ tiêu, quy định về sở hữu chéo phải được thi hành một cách chặt chẽ. “Dĩ nhiên, không thể cho NH phá sản tức thì được mà thông thường NHTW sẽ có những giai đoạn cảnh báo, những biện pháp xử lý theo lộ trình. Các NH không cải thiện được tình hình, thì buộc phải chấp nhận con đường phá sản”, ông Hiếu nói.

Riêng với sở hữu chéo có liên quan tới các DNNN, các chuyên gia đồng quan điểm là khó có thể xử lý dứt điểm, cần phải có lộ trình mạnh mẽ để thực sự cổ phần hoá DNNN lành mạnh hơn, phát triển đúng theo nền kinh tế thị trường. Có làm được như vậy thì các NH mới có điều kiện và cơ hội để thoái vốn một cách minh bạch, nhanh chóng và công khai.

Còn hiện nay, cổ phần hoá DNNN vẫn còn chậm, trong khi sở hữu chéo NH lại liên quan nhiều tới DNNN thì việc ảnh hưởng dây chuyền chắc chắn sẽ xảy ra. Bởi vậy, yêu cầu về việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, sự quyết liệt từ phía cơ quan điều hành và sự nghiêm túc thực hiện của mỗi TCTD mới có thể tránh hệ luỵ từ sở hữu chéo mang lại.

Theo Minh Khuê

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên