MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài sản “nửa trắng nửa đen”, xử lý thế nào?

Việc đánh thuế hoặc xử phạt hành chính ở mức 45% đối với tài sản bất minh đang gây nên những ý kiến trái chiều tại Quốc hội.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái vừa giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

2 phương án xử lý tài sản bất minh

Liên quan đến việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý, ông Lê Minh Khái cho biết hiện có 2 luồng ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng xử lý loại tài sản này như hành vi trốn thuế và chuyển hồ sơ vụ việc từ cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập sang cơ quan quản lý thuế. Đây cũng là phương án 1 trong dự thảo luật.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, phương án này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam hiện nay bởi đó được coi như một khoản thu nhập vãng lai chưa được kê khai và phải nộp thuế.

Phương án này thể hiện rõ tinh thần việc thu thuế không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, thu nhập, nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự khác chứng minh được tài sản, thu nhập này là do phạm tội mà có. Việc này nhằm tránh cách hiểu theo hướng hợp pháp hóa 55% giá trị còn lại của tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng, ông Lê Minh Khái phân tích.

Tài sản “nửa trắng nửa đen”, xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (Ảnh: Quochoi.vn)

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định hình thức xử phạt phù hợp và coi hành vi nêu trên là hành vi vi phạm hành chính của người có nghĩa vụ kê khai trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng.


Theo Tổng Thanh tra Lê Minh Khái, nếu theo loại ý kiến này, có một số hạn chế cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ như thiếu cơ sở xác định thẩm quyền xử phạt, căn cứ xử phạt và mức phạt do không thống nhất với các quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính…

Do vậy, Chính phủ chọn phương án 1, chuyển kết luận về xác minh tài sản, thu nhập đến cơ quan quản lý thuế để thu thuế thu nhập cá nhân với mức thuế suất 45%, ông Khái cho biết.

Rửa tiền ở Việt Nam rẻ nhất thế giới?

Về vấn đề này, đại biểu Dương Quốc Anh (đoàn Gia Lai) cho rằng, ở một số nước, nếu không chứng minh được tài sản là hợp pháp thì sẽ bị tịch thu, nhưng ở Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh được số tiền đó là rửa tiền, tài sản đó là bất hợp pháp mới thu được.

Tuy nhiên, nếu chỉ yêu cầu nộp thuế hoặc phạt bao nhiêu phần trăm mà biến một tài sản phạm pháp thành hợp pháp, vì nếu khi đã phạt rồi thì dứt khoát phải công nhận tài sản đó là hợp pháp, thì "rửa tiền ở Việt Nam sẽ là rẻ nhất thế giới". Do đó, ông Dương Quốc Anh đồng ý với hướng phải có điều tra, và số phận tài sản phải do tòa kết luận.

Tài sản “nửa trắng nửa đen”, xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Dương Quốc Anh (Ảnh: Quochoi.vn)

Còn theo ý kiến của đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai), cả 2 phương án luật thiết kế (đánh thuế hoặc xử phạt hành chính) đều chưa hợp lý.


Ông Vượt nêu quan điểm: Để đảm bảo quyền của công dân, tất cả phán quyết về tài sản phải do tòa án, chứ không có cơ sở nào để thu thuế hay phạt hành chính 45%.

Nếu có cơ quan chống tham nhũng riêng, cơ quan đó sẽ yêu cầu giải trình, nếu không giải trình được thì chuyển cơ quan điều tra, chỉ có cơ quan điều tra mới chứng minh được hành vi này và tòa án mới phán quyết được, ông Vượt lưu ý.

Tài sản “nửa trắng nửa đen”, xử lý thế nào? - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (Ảnh: Quochoi.vn)

Tài sản vẫn "nửa trắng nửa đen"


Trái với ý kiến của ông Đinh Duy Vượt, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình), cho rằng đây là phương án trung hòa, không vi hiến và vẫn tránh thất thoát trong tình thế các tài sản vẫn "nửa trắng nửa đen".

Việc thu thuế không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản với người kê khai nếu cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự khác chứng minh được số tài sản đó có nguồn gốc từ hành vi phạm tội, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

Tài sản “nửa trắng nửa đen”, xử lý thế nào? - Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (Ảnh: Quochoi.vn)

Trong Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho hay, việc này đến nay pháp luật vẫn chưa có quy định để xử lý bởi việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp.


Người dân Việt Nam (trong đó có cán bộ, công chức) có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản..., bà Nga nêu rõ.

Tài sản “nửa trắng nửa đen”, xử lý thế nào? - Ảnh 5.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (Ảnh: Quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Ảnh: Quochoi.vn)

Về phương án đánh thuế, bà Nga cho biết, nhiều ý kiến của Ủy ban Tư pháp tán thành mức thuế suất 45%. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc mức thuế cho phù hợp với các quy định của luật Thuế thu nhập cá nhân.

Đây là lần đầu tiên đặt vấn đề xử lý tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được hiến định, nên việc xử lý theo phương án nào cần được cân nhắc rất thận trọng, có bước đi phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị.

Theo chương trình dự kiến, ngày 13/6, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)./.

“Đại gia” Việt nào có tên trong hồ sơ Paradise về rửa tiền, trốn thuế? VOV.VN - Hồ sơ Paradise mà Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) vừa công khai có nhiều cá nhân liên quan đến Việt Nam.

Theo Trần Ngọc

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên