MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao chỉ có 17 trong số gần 1.000 công ty đại chúng nới room ngoại sau NĐ 60?

Rào cản pháp lý, hạn chế kỹ thuật, hạn chế thương mại và nỗi lo đánh mất quyền phủ quyết của cổ đông lớn - đó là nguyên nhân.

Ngày 04/11, StoxPlus và Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) đã tổ chức Hội nghị “Thị trường chứng khoán Việt Nam hướng tới chuẩn Thị trường mới nổi”.

Tại đây, ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch HĐQT của StoxPlus đánh giá, Việt Nam đã được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông quốc tế là một nền kinh tế tăng trưởng và có nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn nhưng khả năng đầu tư lại là một vấn đề không nhỏ đối với các nhà đầu tư tổ chức.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là thị trường cận biên (Frontier Markets), điều này khiến cho việc phân bổ vốn của các quỹ đầu tư chỉ số gặp khó khăn. Nghị định 60 ra đời là một bước nhảy vọt trong chính sách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng chỉ có 17 trong số gần 1000 doanh nghiệp đại chúng thay đổi tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài sau khi NĐ 60 ra đời.

Tại sao vậy?

Theo thống kê của ông Thuân, kể từ khi ban hành Nghị định 60 vào tháng 6/2015, đã có 13 công ty thay đổi tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài (FOL), thu hút thêm 127 triệu USD trên TTCK (theo giá trị thị trường) từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Đã có 22 công ty lên kế hoạch cho những thay đổi FOL năm 2016 tại ĐHCĐ của họ, bởi các thủ tục khác nhau cần phải thực hiện, bao gồm các ràng buộc pháp lý và trở ngại thương mại.

Đối với 227 công ty khác trên HOSE, ông Thuân cho biết, họ gặp những hạn chế khác nhau bao gồm các rào cản pháp lý và những hạn chế kỹ thuật, nhưng quan trọng hơn là hạn chế thương mại khi họ "được coi là đầu tư nước ngoài" theo Luật Đầu tư năm 2014.

Một trong các ví dụ mà ông Thuân nêu lên là doanh nghiệp Dược. Ngành này đã được nới room ngoại lên 100%, tuy nhiên, điều này sẽ hạn chế khả năng phân phối thuốc trực tiếp cho các bệnh viện công của Việt Nam theo quy định của Bộ Y tế. Lợi ích duy nhất của việc nới room cho một công ty dược phẩm là để nhận được đủ kinh phí cho bộ phận nghiên cứu và phát triển.

Một hạn chế khác là ENT, đòi hỏi các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ (bao gồm các siêu thị, trung tâm, và các cửa hàng tiện lợi) phải được cấp giấy phép cho mỗi cửa hàng mới mà họ dự định mở. Điều này từ lâu đã được xem như là một rào cản để tiếp cận thị trường nếu các công ty đại chúng sẽ trở thành một doanh nghiệp nước ngoài theo định nghĩa của Luật.

Trong các cuộc phỏng vấn doanh nghiệp, Stoxpro cho hay, những DN không muốn nới room do sợ bị tiếp quản bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Đó đều là những công ty thuộc sở hữu tư nhân và họ muốn hạn chế room ngoại như hiện nay 49% hoặc thậm chí ngưỡng dưới 35%. Không nới room là cách để duy trì quyền phủ quyết của cổ đông lớn trong quá trình ra quyết định quan trọng.

Kết luận lại, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng, Chính phủ cần xem xét để cung cấp hướng dẫn chi tiết hơn về vấn đề nới room cho khối ngoại. Một số ý kiến mà ông Thuân nêu lên gồm: Công bố danh sách đầy đủ của các ngành công nghiệp có điều kiện áp dụng đối với NĐT nước ngoài (bao gồm cả các hạn chế bởi các luật khác và các cam kết WTO). Đó là (i) Tỷ lệ sở hữu nước ngoài chi tiết đối với từng ngành nghề kinh doanh theo các cam kết WTO và các luật khác); và (ii) ngành nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài nhưng vẫn chưa có bất kỳ quy định cụ thể về FOL (sau đó FOL 49% sẽ được áp dụng).

Ông Thuân cũng cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất giữa các cơ quan chính phủ liên quan đến ngành nghề kinh doanh không rõ ràng và không xác định với giới hạn sở hữu nước ngoài để tạo thuận lợi cho các công ty trong nâng FOL của họ. Điều này sẽ rút ngắn đáng kể quá trình của các công ty kiểm tra với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Quy tắc tỷ lệ sở hữu tối thiểu cần được xem xét sửa đổi, bởi quy định căn cứ vào ngành nghề kinh doanh chính của công ty đại chúng để xác định FOL của họ. Các ngành nghề kinh doanh chính có thể được xác định dựa trên sự đóng góp thực tế như doanh thu hoặc thu nhập ròng cho công ty.

Theo ông Thuân, Chính phủ cần xem xét việc sửa đổi điều khoản tại Điều 23 của Luật Đầu tư và không áp dụng cho các công ty niêm yết. Theo điều này, nếu 51% vốn điều lệ trở lên của một công ty được sở hữu bởi các nhà đầu tư nước ngoài, công ty đó phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần hoặc phần vốn góp cho tổ chức kinh tế; hoặc đầu tư trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Hà Phương

HOSE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên