MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao "chuyển giá" của doanh nghiệp FDI lại hợp pháp?

"Chuyển giá chỉ là bình thường", Giám đốc điều hành Amcham tỏ ta ngạc nhiên và quan ngại với cách nhìn phổ biến hiện nay đánh đồng chuyển giá là công cụ trốn thuế, tức hành vi vi phạm pháp luật.

Cụm từ chuyển giá, từ lâu nay, hàm nghĩa tiêu cực đối với Việt Nam. Nhằm làm rõ vấn đề này, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) sáng 9/11 đã tổ chức hội thảo "Sự thay đổi về chuyển giá trên thế giới".

"Chuyển giá là chuyện bình thường, không có gì ngạc nhiên cả", ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Amcham nói. Theo ông, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các giao dịch liên kết và xuyên quốc gia sẽ ngày càng nhiều hơn.

Do vậy, cách nhìn nhận không phù hợp và thiếu khách quan – tức đánh đồng chuyển giá với trốn thuế - sẽ tạo ra thách thức, rào cản đối với các nhà đầu tư xuyên quốc gia khi quyết định đầu tư tại Việt Nam.

Đại diện Amcham cho rằng cần thiết phải có những phương pháp xác định các mức giá phù hợp đối với các giao dịch này, bao gồm cả giao dịch hữu hình, vô hình, dịch vụ, tài chính hay phân bổ chi phí/cổ phần.

Cố vấn cấp cao của Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế, ông Wayne Barford nói rằng chuyển giá được định nghĩa là các quy tắc và phương pháp định giá cho các giao dịch nội bộ và giữa các doanh nghiệp thuộc cùng một hệ thống sở hữu hoặc kiểm soát. Do những giao dịch liên kết xuyên biên giới có thể làm thay đổi thu nhập chịu thuế, các cơ quan thuế ở nhiều quốc gia có thể áp dụng những phương pháp xác định giá khác với những phương pháp thông thường dựa trên giá thị trường giữa các doanh nghiệp độc lập.

"Chuyển giá về bản chất không phải là hoạt động bất hợp pháp. Chỉ có gian lận về giá hay lạm dụng chuyển giá nhằm mục đích trốn thuế mới là bất hợp pháp", ông Wayne nhấn mạnh.

Góc nhìn về chuyển giá thực tế không phải lần đầu tiên được đề cập tại Việt Nam, với mục đích "tẩy trắng" cụm từ này. Hồi tháng 7, tại một sự kiện về giao dịch liên kết, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã đưa ra góc nhìn về chuyển giá.

Theo ông Thomas McClelland, TGĐ Công ty TNHH Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam, chuyển giá là hoạt động liên quan đến giá các giao dịch giữa các công ty thuộc cùng tập đoàn nhưng thường ở các khu vực địa lý khác nhau trên thế giới dẫn đến nhu cầu đồng nhất các quy định về giá chuyển nhượng trên toàn cầu.

Hiện các nước OECD đã xây dựng chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận "BEPS" và các quy định này đã được Việt Nam đưa vào trong Nghị định 20, từ tháng 5/2017.

Đa phần Nghị định 20 đã nhất quán với khuyến nghị trong BEPS của OECD. Tuy nhiên, một số điểm vẫn còn nhiều khác biệt, khiến người nộp thuế cũng như các bên tư vấn thuế còn quan ngại.

Mặt khác, khi nói đến chuyển giá, các bên liên quan  không chỉ nói về tỷ suất lợi nhuận và phân tích so sánh mà còn phải xem xét đến thực tế kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, các cơ quan thuế cần hiểu rõ về thực tế kinh doanh của doanh nghiệp và có những hành động tương ứng.

Việc tuân thủ của doanh nghiệp cần được đảm bảo thay vì lựa chọn một số doanh nghiệp nhất định để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, cần sử dụng một phương pháp xác định giá thị trường và việc điều chỉnh sau đó dựa trên một cơ sở dữ liệu bí mật nên được thay đổi.

Bà Nguyễn Vân Chi, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách cũng cho rằng chuyển giá là hiện tượng tự nhiên, xảy ra ở cả các công ty đa quốc gia khi vào Việt Nam cũng như cả các tổng công ty trong nước.

Tuy nhiên, bà cho rằng cần phải làm rõ những hoạt động chuyển giá như thế nào là đúng quy định, như nào là chuyển giá nhằm chuyển lợi nhuận về nơi có chế độ thuế thấp hơn để lợi dụng tránh thuế.

Bên cạnh đó, bà cho biết Chính phủ đã có nhiều hành động để quản lý vấn đề này mà cụ thể là Nghị quyết 20, đạt được nhiều hiệu quả. Dù vậy, bà Chi nói rằng vẫn cần cân nhắc để làm cho Nghị quyết này tiến đến sát hơn với những quy định của OECD.


N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên