MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao người dân Nhật Bản lại khốn khổ, mặc dù xứ sở Phù Tang là một trong những nơi có điều kiện sống tốt nhất?

21-09-2019 - 10:27 AM | Sống

Theo tác giả, người Nhật khốn khổ một cách thầm lặng và ít có khả năng thừa nhận hoàn cảnh của mình do nhiều khía cạnh văn hóa.

Mới đây, trên Quora có bàn luận khá sôi nổi về chủ đề tại sao người dân Nhật Bản lại có cuộc sống khốn khổ trong khi đất nước của họ lại là một nơi được ngưỡng mộ nhất trên thế giới. Và bài viết sau được thể hiện dưới quan điểm của Yoko Rizzo, một cựu nhân viên của Google Japan Inc:

Tôi là một người nhập cư Nhật Bản thế hệ đầu tiên. Tôi sinh ra ở Nhật, nhưng hầu hết thời gian của tôi đều được nuôi dưỡng và giáo dục ở Mỹ. Tôi mới chỉ sống và làm việc tại Nhật Bản trong một vài năm. Tôi không thể không trả lời câu hỏi này khi hầu hết những người trả lời chủ đề này đều không phải người Nhật.

Tôi đồng ý rằng nhiều người Nhật có lẽ có cuộc sống khốn khổ. Họ khốn khổ một cách thầm kín, giống như những người Mỹ đang sống khốn khổ thầm kín, nhưng họ ít có khả năng thừa nhận hoàn cảnh của mình do một số khía cạnh văn hóa dưới đây:

1. Tâm lý nhóm

Điều này khá phổ biến trên nhiều nền văn hóa Châu Á. Chúng ta được dạy để nhận thức về một nhóm, một cộng đồng, một xã hội chứ không phải một cá nhân. Điều này có nghĩa là bất kì hành động nào chúng ta thực hiện hay lời nói nào mà chúng ta nói ra với tư cách cá nhân, đều có tác động đến toàn bộ nhóm hoặc tập thể, vì vậy chúng ta phải liên tục kiểm soát bản thân.

Tại sao người dân Nhật Bản lại khốn khổ, mặc dù xứ sở Phù Tang là một trong những nơi có điều kiện sống tốt nhất? - Ảnh 1.

Bạn có bao giờ để ý người dân Nhật Bản rất hiếu khách và lịch sự như thế nào với mọi người, đặc biệt là những du khách không? Đó là do họ tin rằng họ đang đại diện cho cả đất nước Nhật Bản của mình đấy.

2. Danh tiếng

Người Nhật có xu hướng quá coi trọng danh tiếng. Bởi vì họ được dạy rằng họ đại diện cho một nhóm người, vì thế họ không chỉ phải giữ vững danh tiếng của mình mà còn cả danh tiếng của cả một tập thể. Điều này có nghĩa là họ không thể hành động một cách tự do như một thành viên trong gia đình, một nhân viên trong công ty hoặc tổ chức, hay một thành viên của xã hội. Điều đó đồng nghĩa các công ty quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm của họ (bề ngoài) hơn là các nhân viên của mình. Vì thế người Nhật thường xuyên làm việc quá sức và đặt ra thời hạn khá nghiêm ngặt.

Cha tôi từng làm việc cho Sony với tư cách là kỹ sư phần cứng, nhưng khi còn ở văn phòng Nhật Bản, ông làm việc 14 giờ để thực hiện cho đúng thời hạn kế hoạch. Sự căng thẳng khiến ông bị loét dạ dày nhưng chẳng ai ở trong văn phòng biết điều đó.

3. Chủ nghĩa khắc kỉ

Do tâm lý nhóm và nhấn mạnh vào danh tiếng, có một sự khác biệt rõ ràng giữa vẻ bề ngoài/ hành động của một người Nhật Bản và những gì họ thực sự nghĩ. Rất hiếm khi một người Nhật dám đưa ra quan điểm riêng của mình.

Tại sao người dân Nhật Bản lại khốn khổ, mặc dù xứ sở Phù Tang là một trong những nơi có điều kiện sống tốt nhất? - Ảnh 2.

Thêm một điều nữa, người dân Nhật Bản thích thể hiện tinh thần của samurai dưới hình thức chủ nghĩa khắc kỉ. Nghĩ đến sự kiên trì thầm lặng, một lần nữa, họ kìm nén cảm xúc và nỗi đau. Ở Nhật, nếu nói về sự đau khổ hoặc nhu cầu của riêng mình, bạn sẽ bị coi là một người yếu đuối. Đồng thời, nếu phô trương hạnh phúc của chính mình thì lại bị coi thường. Vì vậy, nếu bạn đưa ra bất kì khảo sát về sự hài lòng của người dân Nhật Bản, bạn sẽ nhận rất nhiều con số 3 nếu theo thang điểm từ 1 đến 5.

Hiện nay văn hóa Nhật Bản đang thay đổi dần, có thể là do Tây phương hóa. Những điều ở trên được áp dụng nhiều lên các thế hệ cũ. Tôi hi vọng người dân Nhật Bản có thể thoát ra khỏi khuôn mẫu và tìm thấy sự cân bằng giữa việc giữ cho bản thân hạnh phúc và giữ cho mọi người xung quanh mình được hạnh phúc.

Cá nhân tôi sẽ không muốn sống ở Nhật Bản thêm lần nào nữa, một phần là vì những lý do trên. Cũng như các vấn đề rõ ràng khác với văn hóa, nhưng đó lại là một chủ đề khác.

(Theo Yoko Rizzo trên Quora)


Theo NEGRONI

Helino

Trở lên trên