MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao tầng lớp doanh nghiệp, doanh nhân vẫn bị định kiến, ghét bỏ ở Việt Nam?

"Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ nền kinh tế bao cấp – kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thói quen tâm lý và định kiến về kinh tế tư nhân trong xã hội chưa mấy tốt đẹp cũng là điều dễ hiểu", PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam nói.

Kinh tế tư nhân hiện được xem khu vực kinh tế năng động, có nhiều đóng góp cho phát triển đất nước và sẽ là động lực cho tăng trưởng trong tương lai. Tuy nhiên, khu vực này được chỉ ra rằng chưa có được sự đối xử tương xứng. Dư luận xã hội vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân tư nhân ngay từ trong nhận thức…

Bình luận về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam, nói rằng dù Nghị quyết, các văn bản của Đảng, Nhà nước đã làm rõ vai trò, trọng trách của khối tư nhân nhưng trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp – kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thói quen tâm lý và định kiến về kinh tế tư nhân trong xã hội chưa mấy tốt đẹp cũng có thể hiểu được. Ông Điều cho rằng để thay đổi định kiến này, người dân cần thêm thời gian để thay đổi.

Theo ông, về chủ quan, doanh nhân, doanh nghiệp trong nước còn non trẻ. Do đó, mục tiêu kinh doanh của họ là tối đa hóa lợi nhuận. Chính vì thế, một số doanh nhân thậm chí tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi cách như gian lận, cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế, chèn ép lẫn nhau, hủy hoại môi trường mà không chú ý đến đạo đức kinh doanh.

Do vậy, để thay đổi định kiến có sẵn, các doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần phải tự nhìn nhận lại bản thân và có sự thay đổi phù hợp.

"Họ cần sửa đổi để xã hội ngày càng thừa nhận và đánh giá cao. Qua đó, họ sẽ nhận được sự cư xử đúng với giá trị của doanh nhân", ông nói.

Để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển hơn nữa trong thời gian tới, ông Nguyễn Trọng Điều đề xuất một số kiến nghị.

Thứ nhất, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh, rõ ràng, một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện cho doanh nghiệp.

Theo đó, các cơ quan liên quan cần áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào các hoạt động quản lý, xóa bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, các giấy phép ‘’con’’, giấy phép ‘’cháu’’ bất hợp lý. Chính phủ cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Những việc gì mà doanh nghiệp tư nhân làm tốt nên để cho doanh nghiệp tư nhân được tham gia.

Thứ hai là cần có chính sách công bằng đối với các doanh nghiệp kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam, tránh tình trạng ưu ái cho các doanh nghiệp FDI hơn các doanh nghiệp trong nước.

Thứ ba là hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển và có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ nhóm Doanh nghiệp tư nhân lớn có tiềm năng phát triển kinh doanh ra thị trường khu vực và thế giới, xây dựng được sản phẩm uy tín, thương hiệu tầm quốc tế…

Bên cạnh đó, ông Điều cũng cho rằng cần chú trọng truyền thông, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức, văn hoá kinh doanh của doanh nhân, không ngừng nỗ lực học hỏi, gắn với sứ mệnh lập nghiệp, đổi mới.

Vũ Hoà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên