MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tâm sự một vendor cấp 1 của Samsung và tương lai công xưởng thế giới tại Việt Nam

Hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau mà nếu biết tận dụng, sẽ tạo nên sức mạnh "bó đũa", có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại.

Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một công xưởng lớn của thế giới như mong mỏi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Châu Bá Long, TGĐ CTCP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên nói với chúng tôi.

Bởi ông nhận định tiềm năng của các DNNVV hoạt động trong ngành phụ trợ trong nước là rất lớn. Điều quan trọng ở đây là câu chuyện tận dụng, phát triển các doanh nghiệp này có chiều sâu cũng như có sự kết nối tốt hơn để tạo sức mạnh cạnh tranh.

"Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ nhất định, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tuy nhiên, doanh nghiệp cần những cái gạch đầu dòng cụ thể, chi tiết hơn", ông Long nói.

Tâm sự một vendor cấp 1 của Samsung và tương lai công xưởng thế giới tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Châu Bá Long, TGĐ CTCP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên

Những chính sách này, đơn cử như hỗ trợ lãi suất, giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay dễ dàng, hay đơn giản như việc giúp doanh nghiệp kết nối thông tin với các tập đoàn đa quốc gia.

Minh Nguyên là vendor cấp 1 của Samsung, chuyên cung cấp linh kiện nhựa kỹ thuật cao, lắp ráp một số module thành phẩm điện tử và điện tử gia dụng cho Samsung Electronics HCMC CE.

Tiếp cận Samsung từ rất sớm, khoảng năm 2014, khi mà tổ hợp Samsung tại TP. HCM chưa đi vào hoạt động, 2 năm sau, Minh Nguyên đã trở thành nhà cung ứng cho tập đoàn này.

Dù vậy, chặng đường này cũng không dễ dàng. Vấn đề đầu tiên được ông Long nhắc đến là nguồn đất. "Khó khăn nhất ở thời kỳ đầu là tìm được đất để phát triển sản xuất", ông nói. Bên cạnh đó là phải chủ động nguồn vốn, nguồn nhân lực.

Doanh nghiệp, như chia sẻ, về sau nhờ vào sự hỗ trợ của các Sở, ngành mới tìm được địa điểm tại khu công nghệ cao, gần với tổ hợp SEHC mà như ông Long nhận định là có điều kiện thuận lợi nhờ vào "nhất cự li, nhì tốc độ".

Vấn đề tiếp theo là vốn. Ông Long đồng tình với quan điểm để tham gia được vào chuỗi của Samsung hay mở rộng ra là các tập đoàn sản xuất đa quốc gia, doanh nghiệp buộc phải chơi lớn. Nhà máy của Minh Nguyên có tổng diện tích là 5 ha, đang ở giai đoạn 1 với 2 ha với mức đầu tư 800 tỷ đồng. Giai đoạn 2 dự kiến khoảng 1.000 tỷ do doanh nghiệp đầu tư vào R&D.

"Doanh nghiệp phụ trợ nhất định phải phát triển R&D, đó là nòng cốt để cải tiến tất cả mọi thứ trong nhà máy", TGĐ Minh Nguyên nói.

Không nhắc cụ thể việc huy động vốn ở Minh Nguyên, nhưng ông Long nhấn mạnh ý chí của doanh nghiệp chỉ là một phần của vấn đề, nửa còn lại phụ thuộc rất lớn vào Chính phủ.

"Chúng tôi cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong vấn đề vay vốn. Ngân hàng nhiều khi họ không hiểu rằng ngành công nghiệp hỗ trợ thực ra không giống bán một sản phẩm ra thị trường, việc sản xuất của doanh nghiệp đi theo sản lượng của các tập đoàn mà chúng tôi tham gia vào. Ngân hàng giờ có nhiều rào cản, giới hạn quá, ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của doanh nghiệp mà một khi doanh nghiệp không đáp ứng được sẽ đi thụt lùi, tạo cơ hội cho người khác nhảy vào chiếm thị phần", ông Long nói một mạch dài.

Do vậy, ông cho rằng ngân hàng nên có một khoản dành riêng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động chuyên sâu ngành công nghiệp phụ trợ. "Trung Quốc, Thái Lan đều có chính sách này", ông nói. Mặt khác, ông cũng đề cập đến nguồn vốn hỗ trợ từ phía Chính phủ như là một yếu tố giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để phát triển.

Khi tư duy cũng là bài toán khó

Tương tự các doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi của Samsung, Minh Nguyên cũng nhận được sự hỗ trợ lớn từ tập đoàn này trong việc đào tạo. Dù vậy, việc thay đổi tư duy trong nội bộ doanh nghiệp không dễ.

"Anh em nói rằng thường ngày họ đã làm việc đó rồi, tại sao lại phải đổi khác. Mà đổi rồi thì có gì chắc chắn tốt hơn hay không", ông Long kể lại và cho biết giai đoạn đầu, đích thân ông phải đứng dây chuyền, cùng làm với người lao động.

"Họ thấy mình làm thì cũng làm theo vì người đứng đầu mà cũng thay đổi thì chắc phải có hiệu quả sao đó...", ông cho biết. Những xung đột dần dần được gỡ bỏ khi hiệu quả từ những phương pháp của Samsung phát huy tác dụng.

Tư duy cũng chính là một phần lý do được ông Long dẫn ra khi giải thích tại sao dù Samsung tích cực trong việc hỗ trợ công nghiệp phụ trợ Việt Nam nhưng số lượng tham gia vào chuỗi tăng không nhiều. Hiện nay Việt Nam có tổng cộng 29 doanh nghiệp nội địa là vendor cấp 1 cho Samsung so với con số 4 của năm 2014. Đến năm 2020, số lượng này dự kiến tăng thành 50.

"Tư duy của doanh nghiệp, đặc biệt là của người đứng đầu rất quan trọng. Và sau khi thay đổi, điều quan trọng là phải duy trì, tiếp tục cải tiến mới giữ được thế cạnh tranh", ông Châu Bá Long lưu ý.

Hiện ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đang đứng trước những mục tiêu, tham vọng lớn. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đến năm 2020, Việt Nam phải có sản phẩm công nghiệp có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Nền kinh tế phải có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Những yêu cầu này đang đặt ra các bài toán lớn buộc từ Chính phủ, cơ quan chức năng đến doanh nghiệp,... phải giải được trong thời gian tới nhất là khi đất nước đang được xem là địa điểm ưa thích trong cuộc dịch chuyển sản xuất của các nhà đầu tư ngoại.

Hà Thu

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên