MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tân binh Vietravel Airlines muốn tham gia thị trường vận tải hàng hóa hàng không

10-09-2022 - 07:40 AM | Doanh nghiệp

Tân binh Vietravel Airlines muốn tham gia thị trường vận tải hàng hóa hàng không

Ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám Đốc của Vietravel Airlines đánh giá 'Việt Nam được xem là một ứng viên sáng giá, đầy tiềm năng trong công cuộc dịch chuyển sản xuất. Đây sẽ là cơ hội cho ngành logistic nói chung và vận tải hàng hoá hàng không nói riêng cất cánh trong thời gian tới.'

Mới đây, hãng hàng không Vietravel (Vietravel Airlines) đã chính thức ký kết hợp tác đầu tư và phát triển kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hoá hàng không (VUAir Cargo) với Asean Cargo Gateway (ACG).

Cụ thể, Vietravel và ACG hợp tác đầu tư theo tỷ lệ góp vốn tương ứng là 51% - 49%, với việc hợp tác lần này, Vietravel Airlines và ACG mong muốn thúc đẩy hoạt động kinh doanh hàng hoá, khai thác vận chuyển hàng hoá hàng không, đại lý hàng hoá cho các hãng hàng không trong khu vực.

Ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám Đốc của Vietravel Airlines cho biết: "Theo đánh giá của Vietravel Airlines, thị trường hàng hoá hàng không còn khá nhiều tiềm năng, chưa được khai thác triệt để. Đặc biệt hơn, sự lo ngại về chuỗi cung ứng bị đứt gãy ngày càng tăng trong khi thị trường hàng hoá tại Việt Nam với Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu, Châu Mỹ được đánh giá là khu vực có tăng trưởng GDP hàng năm cao nhất toàn cầu và tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao nhất thế giới. Vì vậy các cơ sở sản xuất sẽ dần dịch chuyển về khu vực này bên cạnh công xưởng lớn nhất thế giới là Trung Quốc."

Ông Biên đánh giá "Việt Nam được xem là một ứng viên sáng giá, đầy tiềm năng trong công cuộc dịch chuyển sản xuất. Đây sẽ là cơ hội cho ngành logistic nói chung và vận tải hàng hoá hàng không nói riêng cất cánh trong thời gian tới. Vì thế, đây là thời điểm thích hợp để xây dựng, xúc tiến mảng vận tải hàng hoá đường hàng không (Air Cargo) đầu tiên tại Việt Nam, kết hợp giữa kinh nghiệm trong ngành logistic của ACG và vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines".

Vietravel cho biết, trong năm đầu tiên, hãng sẽ tập trung khai thác vận chuyển hàng hoá giữa Việt Nam và các công xưởng lớn tại Châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan trên đội tàu bay chuyên dụng B737-800F dành cho cargo với số lượng 02 - 04 chiếc trong năm đầu tiên và dự kiến tăng gấp đôi trong năm tiếp theo.

Sớm nhận thấy tiềm năng của thị trường hàng hóa hàng không, đầu tháng 6/2021, Chủ tịch Công ty Cổ phần IPP Air Cargo – ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa IPP Air Cargo. Đây là dự án hàng không chuyên biệt vận tải hàng hoá đầu tiên tại Việt Nam, có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.

Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3. Chủng loại máy bay sẽ đưa vào khai thác là B737/B777/A330 và các loại tàu bay tương đương. IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.

Trước đó, khi Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa của Công ty cổ phần IPP Air Cargo, Bộ cũng nhận định việc xem xét đồng ý cho doanh nghiệp Việt Nam thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa là phù hợp với các mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Bộ GTVT, đối với thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, xuất phát từ năm 1991, tổng thị trường hàng hóa Việt Nam đạt 18.384 tấn. Sau hơn 30 năm phát triển, thị trường vận tải hàng hoá Việt Nam đã có bước tăng trưởng nhảy vọt với sản lượng năm 2021 đạt 1,3 triệu tấn và dự kiến đạt hơn 1,52 triệu tấn vào năm 2022, tăng gần 83 lần so với năm 1991 và 21,2% so với năm 2019; đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trung bình cả thời kỳ 1991-2022 là 15,3%/năm.

Hiện, cả nước có 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác vận chuyển hàng hoá kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách và chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng. Trong khi đó, thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam chỉ đạt 18% năm 2019 và giai đoạn 2020-2021 chỉ đạt 11% thị phần hàng hoá quốc tế.

Tại thời điểm hiện tại, thị trường hàng hoá quốc tế của hàng không Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác tàu bay chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam. Trong thời gian qua, do số lượng các chuyến bay chuyên chở hành khách kết hợp hàng hoá giảm mạnh trong khi nhu cầu vận chuyển tăng cao nên giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt từ 3 – 4 lần, thậm chí từng thời điểm, từng thị trường, giá cước tăng 5 – 6 lần so với thời điểm trước dịch COVID-19.

Huyền Trang

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên