MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Sell in May” sai rồi, tháng 6 dòng tiền sẽ ra sao?

Thống kê chỉ ra rằng trong 4 năm gần đây thì có tới 3 năm VnIndex tăng điểm trong tháng 5. Điều này cho thấy quan niệm “Sell in May” dường như không tác động nhiều tới TTCK Việt Nam.

Theo quan niệm của giới đầu tư, tháng 5 là thời điểm không tích cực đối với TTCK nhưng diễn biến giao dịch trong tháng 5 vừa qua lại cho thấy kết quả trái ngược hoàn toàn. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch 31/5, chỉ số VnIndex dừng tại 618,44 điểm, tương ứng tăng 3,35% so với tháng trước đó.

Thống kê chỉ ra rằng trong 4 năm gần đây, có tới 3 năm VnIndex tăng điểm trong tháng 5. Điều này cho thấy quan niệm “Sell in May” dường như không tác động nhiều tới TTCK Việt Nam.

Tháng 5 đang dần trở nên tích cực hơn với TTCK Việt Nam

Tháng 5 đang dần trở nên tích cực hơn với TTCK Việt Nam

Động lực tăng điểm trong tháng 5

Đóng góp quan trọng giúp thị trường tăng điểm trong giai đoạn vừa qua phải kể tới dòng tiền từ khối ngoại. Chỉ tính riêng trong tháng 5, giá trị mua ròng của khối ngoại trên toàn thị trường đạt gần 930 tỷ đồng (bao gồm giao dịch thỏa thuận) và đây là tháng mua ròng mạnh nhất kể từ đầu năm.

Đáng chú ý, dòng vốn khối ngoại trong năm nay không đến từ các quỹ ETF mà đến từ P-notes. Dù không ít cảnh báo cho rằng dòng vốn này mang tính chất ngắn hạn, dễ đảo chiều nhưng không thể phủ nhận nó đã giúp TTCK Việt Nam có tháng 5 “thăng hoa”.

Một yếu tố khác cũng giúp thị trường hồi phục mạnh là giá dầu. Tính từ đầu năm tới nay, giá dầu đã tăng gấp đôi và điều này tác động tích cực tới cổ phiếu dầu khí- nhóm có tỷ trọng vốn hóa lớn trên thị trường.

Giá dầu tăng gấp đôi so với đáy tạo ra đầu năm

Giá dầu tăng gấp đôi so với đáy tạo ra đầu năm

Ngoài ra, thông tư 36 sửa đổi với nội dung quan trọng là tăng hệ số rủi ro các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS từ 150% lên 200% thay vì 250% như dự kiến; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ nguyên 60% đến hết năm 2016 rồi hạ dần... cũng giúp nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng giao dịch tích cực hơn.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán, đặc biệt các công ty top đầu như HCM, SSI, VND….sau thời gian dài “ngủ quên” đã dần sôi động trở lại trong những phiên gần đây nhằm bắt kịp đà tăng của thị trường. Việc các nhóm cổ phiếu luân phiên tăng điểm đã giúp thị trường “giữ nhiệt” và có tháng giao dịch đầy tích cực.

Thận trọng với tháng 6!

Kể từ khi chính thức tạo đáy vào tháng 1 tới nay, chỉ số VnIndex đã trải qua nhịp tăng kéo dài 4 tháng với mức tăng hơn 100 điểm. Việc liên tiếp tăng điểm nhưng chưa có nhịp điều chỉnh rõ nét nào sẽ khiến thị trường đối mặt với áp lực chốt lời gia tăng trong thời gian tới, nhất là khi VnIndex đang tiến đến vùng kháng cự mạnh 640- 650 điểm.

Cần lưu ý, lần cuối cùng VnIndex ở trên ngưỡng kháng cự này đã cách đây 8 năm và trong quãng thời gian đó, không ít lần VnIndex nỗ lực vượt qua vùng 640- 650 điểm nhưng đều thất bại.

VnIndex liên tục thất bại trước ngưỡng 640- 650 điểm

VnIndex liên tục thất bại trước ngưỡng 640- 650 điểm

Trong tháng 6, một yếu tố khiến nhà đầu tư cần lưu ý là việc FED có khả năng nâng lãi suất. Mặc dù câu chuyện FED nâng lãi suất không còn quá nóng như trước và hầu hết giới đầu tư đều đã chuẩn bị tâm lý nhưng nếu việc nâng lãi suất diễn ra chắc hẳn sẽ tác động ít nhiều tới thị trường.

Bên cạnh đó, dòng tiền tham gia vào thị trường đang có dấu hiệu “căng cứng” cũng là yếu tố đáng lo ngại. Theo CTCK HSC, lượng margin trên toàn thị trường hiện vào khoảng khoảng 21- 23 nghìn tỷ đồng (trên 1 tỷ USD) và đây là mức cao nhất từ trước tới nay. Yếu tố này cũng gây rủi ro không nhỏ bởi khi thị trường có biến động sẽ tạo ra áp lực bán quyết liệt và khiến thị trường dễ dàng đảo chiều.

Long Nhật

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên