MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng cường kiểm soát mỹ phẩm kinh doanh trực tuyến

13-09-2020 - 13:09 PM | Thị trường

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh trực tiếp. Trong bức tranh ảm đạm ấy, kinh doanh trực tuyến như là một giải pháp thay thế hữu hiệu vừa giúp cá nhân, đơn vị kinh doanh vượt qua khó khăn, đồng thời người tiêu dùng (NTD) cũng nhiệt tình hưởng ứng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong vô số mặt hàng bán trên môi trường online, xuất hiện đầy rẫy sản phẩm giả, kém chất lượng, được rao bán công khai, kể cả những sản phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của NTD như mỹ phẩm, nhưng chưa được cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý...

Tại trang Facebook "Kem trộn nguyên chất", mỗi khi livestream bán hàng, chị T.- chủ kinh doanh, đều tự tay trực tiếp "sản xuất" kem trộn để NTD được tận mắt nhìn thấy. Quy trình "sản xuất" kem trộn của chị T., khá đơn giản, chị đổ tất cả các loại nguyên liệu cần trộn vào một chiếc thau lớn, sau đó đảo đều, rồi múc đổ vào từng hộp nhựa để bán cho NTD.

Theo giới thiệu của chị T., các loại nguyên liệu dùng để làm kem trộn đều là kem của Thái Lan. Với bộ sản phẩm "kem siêu mạnh", gồm 5 sản phẩm: 1 hũ cốt kem 500gr (100% kem nguyên liệu Thái Lan trộn với nước hoa, colagen, vitamin C, kem chống nắng), 1 hũ kem đặc trị cho da đen, 1 hộp colagen tẩy da chết, và 1 tuyp vitamin C để dưỡng da. Bộ sản phẩm "kem siêu mạnh" có giá 300.000 đồng, với tổng trọng lượng khoảng gần 1kg.

Tăng cường kiểm soát mỹ phẩm kinh doanh trực tuyến - Ảnh 1.

Cơ quan QLTT tạm giữ mỹ phẩm vi phạm tại điểm kinh doanh thuộc hệ thống Ansan Cosmetics.

Theo giới thiệu của người bán, sau 2 ngày sử dụng "kem siêu mạnh" thì da trắng lên thấy rõ. Đặc biệt, kem này chỉ sử dụng cho loại da chì, da dày. Nếu da yếu, da nhạy cảm thì không nên sử dụng "kem siêu mạnh" mà sử dụng bộ kem thường (cũng gồm 5 món như trên nhưng hũ cốt kem pha loãng hơn) giá 250.000 đồng/bộ. Mỗi bộ sản phẩm sử dụng từ 4-6 tháng, chủ shop cam kết: "Nếu sử dụng 3 ngày không trắng sẽ hoàn tiền lại".

Mặc dù được giới thiệu nguyên liệu kem trộn có xuất xứ rõ ràng, nhưng theo ghi nhận thì các loại kem cốt được giới thiệu xuất xứ Thái Lan, nhưng không có nhãn sản phẩm ghi các nội dung bắt buộc như: Đơn vị sản xuất, thành phần, công dụng, thời hạn sử dụng... hoặc Vitamin dùng để pha kem trộn cũng đã bị bóc vỏ, bóc hộp.

Hỗn hợp sau khi pha trộn tại chỗ không theo một tiêu chuẩn nào, người bán múc đổ vào trong các hộp nhựa và thành phẩm này đến tay NTD cũng không có nhãn mác, không có thông tin nào liên quan đến sản phẩm.

Tương tự, với sản phẩm "kem trộn thuốc tây", ngoài nguyên liệu cốt kem thì thuốc tây dùng để trộn kem cũng đã hoàn toàn bị bóc hộp, bóc vỉ, chỉ thấy đó là viên thuốc nhộng màu xanh không biết là loại gì? Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên là dù sản phẩm không rõ chất lượng, "sản xuất" trong điều kiện không đảm bảo an toàn vệ sinh (trộn thủ công bằng tay và thau trộn đặt dưới sàn nhà), nhưng số lượng đặt hàng của NTD quá khủng, lên đến hàng trăm đơn hàng mỗi ngày (?).

Theo quy định pháp luật, việc sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nghị định 93/2016/NĐ-CP quy định rõ, khi hoạt động sản xuất mỹ phẩm phải có giấy phép sản xuất mỹ phẩm; Có nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu về dây chuyền sản xuất; Nguyên liệu, phụ liệu, bán thành phẩm dùng trong sản xuất mỹ phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng...

Còn đối với kinh doanh mỹ phẩm, tổ chức hoặc cá nhân chỉ được đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ khi nào đã được cơ quan quản lý Nhà nước cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm.

Trên thực tế, nhiều cá nhân kinh doanh mỹ phẩm "cam kết" sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm với khách hàng, nên nhiều người tin tưởng mua theo lời quảng cáo của người bán. Điều này "góp phần" làm mỹ phẩm giả, nhái, kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, nhất là trên môi trường online nên cơ quan quản lý rất khó kiểm tra, giám sát.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), mới đây Cục QLTT Hà Tĩnh kiểm tra tài khoản Facebook "Gia Tuệ Gia Hân" kinh doanh một số mặt hàng mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu vi phạm hành chính. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng QLTT đã xác minh được địa điểm kinh doanh của tài khoản Facebook này ở đường 26/3, TP Hà Tĩnh.

Ngày 21/8, Cục đã tiến hành kiểm tra cơ sở trên, phát hiện ông Trương Tuấn Anh (chủ cơ sở) không thực hiện đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Cơ sở đang kinh doanh một số mặt hàng mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ. Chủ cơ sở khai nhận, số mỹ phẩm trên được mua trôi nổi trên thị trường để bán kiếm lời. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, trình lãnh đạo Cục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8 triệu đồng và tịch thu 325 sản phẩm mỹ phẩm vi phạm.

Gần đây nhất, ngày 8/9, Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT Hà Giang phối hợp với Công an địa phương kiểm tra 3 cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã Kim Ngọc, huyện Bắc Quang gồm: Cơ sở kinh doanh Hải Vân (do ông Phí Hoàng Hải làm chủ), cơ sở kinh doanh Chung Nhân (do ông Phí Thành Chung làm chủ) và cơ sở kinh doanh của bà Phạm Thị Đào, cơ quan chức năng tạm giữ gần 20.000 sản phẩm mỹ phẩm các loại nước ngoài không có hóa đơn, chứng từ.

Các đối tượng khai nhận, toàn bộ hàng hóa trên đều được mua trôi nổi trên thị trường online và được bán qua mạng cho NTD, phân phối cho các địa phương khác. Toàn bộ hàng hóa đã bị QLTT tạm giữ để xác minh làm rõ.

Tại TP Hồ Chí Minh, theo báo cáo của Cục QLTT thành phố, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT kiểm tra 62 vụ mỹ phẩm thì phát hiện có tới 59 vụ vi phạm, tạm giữ gần 70.000 đơn vị sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc. Cuối tháng 8 vừa qua, Cục QLTT thành phố đã kiểm tra, phát hiện một kho hàng chứa 4.800 sản phẩm mỹ phẩm các loại, trị giá gần 2,2 tỷ đồng có dấu hiệu nhập lậu...

Trước tình trạng mỹ phẩm giả tràn lan trên thị trường gần như chưa được kiểm soát, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ 15-10 tới), quy định, việc buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tối đa từ 50-70 triệu đồng tùy trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Riêng kinh doanh mỹ phẩm giả, nghị định quy định mức phạt sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay, người bán có thể bị xử phạt 100 - 140 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1- 3 tháng và phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm.

Quy định mới sẽ tăng mức xử phạt hành chính đối với sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả. Tuy nhiên, để chế tài này đủ mạnh ngăn chặn triệt để vấn nạn mỹ phẩm giả, kém chất lượng, cần có sự quyết liệt của các cơ quan thực thi, cũng như NTD nói không với mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo Thúy Hà

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên