MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng lương tối thiểu: Lo ngại doanh nghiệp tăng chi phí, người lao động chẳng lợi gì

07-08-2017 - 09:53 AM | Xã hội

"Tăng lương tối thiểu sẽ khiến cho chi phí của doanh nghiệp đội lên một khoản đáng kể. Việc phải gánh chịu chi phí cao khiến cho doanh nghiệp phải tìm những phương thức khác nhau để bù đắp vào, trong đó, không loại trừ khả năng cắt giảm những khoản chi phí khác của người lao động. Thậm chí, doanh nghiệp không thể cạnh tranh nổi phải đứng trước nguy cơ phá sản... ", một vị chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại.

Hội đồng tiền lương Quốc gia đã tổ chức hai phiên họp song vẫn chưa chốt được mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.

Tại phiên họp thứ hai diễn ra ngày 28/7, đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã hạ mức tăng lương xuống 8%. Ở phía đại diện doanh nghiệp , VCCI cho rằng nếu tăng lương thì không quá mức 5%.

Dự kiến, phương án tăng lương tối thiểu sẽ được đưa ra tại phiên họp thứ 3 diễn ra hôm nay (7/8).

Trao đổi với BizLIVE trước khi cuộc họp diễn ra, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng tình hình kinh tế xã hội 2017 có nhiều điểm sáng hơn nên không thể đưa ra mức tăng thấp hơn mức 7,3% của năm ngoái.

“Con số 5% mà bên VCCI là mức thấp quá, chỉ bù trượt giá còn người lao động không cải thiện được gì. Thực trạng đời sống của công nhân lao động hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động”, ông Quảng cho biết.

Trong khi đó, chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thuỷ sản Thuận Phước lại đề nghị nên để tiền lương là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

“Không ai thoả thuận mức lương này hợp lý hơn chính người sử dụng lao động. Do vậy, nếu được nên bỏ quy định về mức lương tối thiểu. Hãy để doanh nghiệp và người lao động tự đàm phán, thoả thuận với nhau”, ông Lĩnh đề xuất.

Theo vị này, trong điều kiện hiện nay không có chuyện chủ sử dụng lao động có thể bắt ép được người lao động nếu họ thấy mức lương không tương xứng với công sức bỏ ra. Ngành nghề nào hiện nay cũng thiếu lao động, từ công việc chân tay đến trí óc.

“Trên thực tế cũng hiếm có người lao động nhận được mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu hiện nay. Nếu có thuê giúp việc hay lau dọn nhà hàng thì cũng phải trên 4 triệu họ mới làm. Hiện nay, doanh nghiệp lấy lương tối thiểu chỉ làm căn cứ thang bậc tính mức đóng các loại bảo hiểm , phí công đoàn… mà thôi.

Do vậy, tôi cho rằng việc phía công đoàn nói mức lương tối thiểu hiện nay không đủ sống làm triệt tiêu động lực làm việc của người lao động chỉ câu nói mang tính lý thuyết”, ông Lĩnh nói.

Ông Lĩnh cũng cho biết, bản thân doanh nghiệp ông - Công ty Thuận Phước - hiện có vài nghìn công nhân. Thu nhập bình quân mỗi tháng người lao động nhận được trên 6 triệu đồng, không ai dưới mức lương tối thiểu cả.

Trong khi đó, việc nâng lương tối thiểu sẽ làm “đội” thêm các phí bảo hiểm, phí công đoàn. Toàn bộ sẽ được tính vào chi phí sản xuất, khi chi phí bị đẩy lên cao thì sản phẩm rất khó để có thể cạnh tranh được, ông Lĩnh bày tỏ lo lắng.

Lo ngại trước những khó khăn khi lương tối thiểu tăng lên không là câu chuyện riêng của công ty Thuận Phước. Ông Đào Huy Giám - Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) cho biết cũng nhận được nhiều ý kiến từ doanh nghiệp liên quan đến vấn đề này.

Theo ông Giám, cần xem xét lại vấn đề tăng lương tối thiểu. Theo đó, nếu tăng cần đưa ra lộ trình khoảng 5 năm và có mức dự kiến chi tiết để giúp cho doanh nghiệp cân đối, tính toán, chủ động được việc sản xuất kinh doanh.

TS. Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng đối với người lao động, lương tối thiểu không phải vấn đề vì thực tế đại đa số doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu.

Do vậy, mức lương tối thiểu tăng lên không ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, chỉ tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Hiện doanh nghiệp phải đóng cho các quyền lợi của người lao động khoảng 24% (trong đó 22% cho các loại bảo hiểm, 2% phí công đoàn) đều được tính dựa trên cơ sở mức lương tối thiểu.

“Việc tăng lương tối thiểu sẽ khiến cho chi phí của doanh nghiệp đội lên một khoản đáng kể. Việc phải gánh chịu chi phí cao khiến cho doanh nghiệp phải tìm những phương thức khác nhau để bù đắp vào, trong đó, không loại trừ khả năng cắt giảm những khoản chi phí khác của người lao động.

Thậm chí, doanh nghiệp không thể cạnh tranh nổi phải đứng trước nguy cơ phá sản. Cuối cùng, từ chủ sử dụng lao động đến người lao động không ai được lợi cả, chỉ có quỹ bảo hiểm, công đoàn được lợi thôi”, ông Minh nói.

Nặng gánh chi phí bảo hiểm

Như đề cập ở trên, chuyên gia kinh tế lo ngại việc tăng lương tối thiểu sẽ dẫn đến việc đội các khoản chi phí bảo hiểm, công đoàn lên theo, dẫn đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đẩy lên một cách đáng kể.

Trong khi đó, hiện mức đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam đang cao nhất khu vực ASEAN, khi lên tới 32,5% mức lương tháng (doanh nghiệp đóng 22%, người lao động đóng 10,5%). Đó là chưa kể 3% phí công đoàn.

Cùng khu vực, tại Malaysia, mức đóng bảo hiểm xã hội chiếm 13% lương tháng, Philippines là 10%, Indonesia 8%...

Kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng chi phí đóng bảo hiểm còn cao, cần nghiên cứu, trao đổi lại.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng phải chịu các khoản chi phí vận tải, logistic cao so với các nước trong khu vực. Các chi phí trong đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan... tuy có giảm nhưng giảm rất chậm.

Do vậy, Thủ tướn đã giao Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát toàn bộ phí, lệ phí thủ tục hải quan, thuế, nhất là các biện pháp giảm tỷ lệ lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đầu quý IV/2017 có báo cáo sơ kết tình hình giảm chi phí doanh nghiệp, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đưa năm 2017 là năm giảm chi phí doanh nghiệp.

Theo N.Mạnh

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên