MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng lương tối thiểu vùng năm 2018: Không để người lao động nhận mức lương “teo tóp”

25-07-2017 - 10:19 AM | Xã hội

Sau phiên họp đầu tiên bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng của Hội đồng Tiền lương Quốc gia ngày 27.6, các bên đã đưa ra phương án chênh lệch khá xa như “truyền thống” nhiều năm gần đây.

Trong khi Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng 13,3% (370.000 - 450.000 đồng), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại đưa ra quan điểm hoặc không tăng hoặc chỉ tăng mức dưới 5%. Với vai trò là cơ quan chủ trì, Bộ LĐTBXH cố gắng đưa ra mức tăng hài hoà trước áp lực hỗ trợ doanh nghiệp và nỗ lực không để người lao động nhận mức lương “teo tóp”.

Căng thẳng là chuyện… đương nhiên!

Tại phiên họp ngày 27.6, Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương Quốc gia (Hội đồng) đưa ra 3 mức tăng: Mức 5% (từ 130.000 - 180.000 đồng); mức 6% (từ 160.000 - 220.000 đồng) và mức 6,8% (từ 180.000 - 250.000 đồng). Bảo vệ quan điểm không tăng hoặc chỉ tăng dưới 5%, VCCI - đơn vị đại diện giới chủ - cho rằng doanh nghiệp đang phải cạnh tranh gay gắt, sản xuất thu hẹp nên đề xuất mức tăng dưới 5% là hợp lý. Trong khi đó, đại diện người lao động là Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng tuyệt đối 13,3% với quan điểm mức tăng 5% chỉ đảm bảo bù trượt giá - coi như không tăng và sẽ không bao giờ đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho rằng, trong cơ chế thị trường, sự căng thẳng trong đàm phán tăng lương tối thiểu giữa các bên là điều bình thường bởi Tổng LĐLĐVN kỳ vọng tăng lương để đảm bảo đời sống của người lao động; VCCI lại quan tâm tới mức tăng sao cho doanh nghiệp đảm bảo khả năng chi trả, năng lực cạnh tranh. “Hội đồng họp theo cơ chế thương lượng và đối thoại, việc có quan điểm khác nhau là chuyện bình thường” - ông Diệp nói.

Được hỏi về quan điểm của Bộ LĐTBXH trước cuộc họp tiếp theo dự kiến diễn ra ngày 28.7, ông Diệp cho hay: “Cơ quan Chính phủ sẽ hỗ trợ sao cho quá trình thương lượng đạt kết quả tốt đẹp. Chính phủ không muốn tiền lương nâng cao để doanh nghiệp gặp khó khăn ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, Chính phủ cũng không muốn tiền lương công nhân toi tóp. Phải cố gắng để hài lòng cả hai phía trên tinh thần chia sẻ với người lao động và người sử dụng lao động. Chính phủ không áp đặt và chỉ hỗ trợ, thúc đẩy quá trình thương thảo”.

Ông Diệp cũng cho biết, thời điểm hiện tại ông chưa thể đưa ra dự đoán mức tăng lương cơ sở sẽ được chốt vì hai bên mới trải qua một cuộc thương thảo. Ngoài ra, ngày 28.7 tới, các bên sẽ tiếp tục trình phương án cụ thể để Hội đồng xem xét. Trong trường hợp các bên không thống nhất được phương án chung và không còn dừng cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ chủ động trình phương án đề xuất tăng lương tối thiểu tới Chính phủ.

Muốn đời sống cao nhưng cân đối cũng khó

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thừa nhận, khi năng suất lao động thấp, của cải làm ra không nhiều mà muốn tăng thu nhập thì việc cân đối cũng khó. “Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, trong khối Asean chúng ta vẫn thuộc nhóm 4 nước chậm phát triển nhất. Khi năng suất lao động thấp mà chúng ta muốn được như thế này, được như thế kia là rất khó” - ông Diệp trăn trở.

Về quan điểm tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển của Chính phủ, ông Diệp cho rằng bản thân Thủ tướng cũng hài hoà quan điểm không vì doanh nghiệp hay vì người lao động. Trong khi đó, Bộ LĐTBXH cũng không có sức ép nào bởi mong muốn hai bên thương lượng và đạt được mức tăng khiến cả hai bên đều hài lòng. Việc đối thoại cũng là mong muốn VCCI và Tổng LĐLĐVN có tiếng nói chung.

Được hỏi về việc Việt Nam có thể tham vấn kinh nghiệm của quốc gia hay tổ chức quốc tế nào về vấn đề tiền lương hay không, ông Diệp cho rằng không có mô hình nào sử dụng chung cho các nước. Như Nhật Bản, tháng 3 hằng năm họ sẽ đối thoại tiền lương giữa giới chủ và người lao động, có năm tăng rất thấp. Việt Nam chỉ có mô hình chung là thoả thuận để hài hoà hai phía. Ngay cả Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng chỉ tổng kết tiền lương của các nước và đưa ra mức tham vấn chung mà theo họ là chấp nhận được để đảm bảo an sinh xã hội. “Tiền lương bằng khoảng 40 - 60% lương phổ biến trên thị trường, theo ILO thì chấp nhận được, nhưng đây cũng chỉ là một cách tính. Hiện việc khảo sát mức lương tối thiểu rất khó” - ông Diệp nói.

Trước đó, Bộ LĐTBXH có công văn số 323/LĐTBXH-LĐTL đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát việc thực hiện lương tối thiểu vùng năm 2017 để có căn cứ điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2018. Căn cứ sự “căng thẳng” giữa các bên liên quan vào mỗi kỳ họp tăng lương tối thiều vùng, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho rằng, cuộc họp năm nay, nếu được, nên căn cứ trên số liệu khảo sát của một cơ quan độc lập.

Theo Lê Phương

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên