MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng sức ép cạnh tranh từ nhập khẩu hàng tiêu dùng

17-05-2017 - 11:53 AM | Thị trường

Với việc thuế nhập khẩu được giảm dần theo cam kết tại các FTA, các sản phẩm nông nghiệp như rau quả, thủy sản, các sản phẩm từ thịt, dầu mỡ động thực vật, bánh kẹo đều có kim ngạch nhập khẩu gia tăng; bên cạnh đó là các sản phẩm công nghiệp như sắt thép, ô tô…

4 tháng đầu năm, cán cân thương mại vẫn duy trì thâm hụt ở mức 1,91 tỷ USD. Đóng góp vào tình trạng nhập siêu trở lại của nền kinh tế trong thời gian qua phải kể đến sự gia tăng lượng và giá trị nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng. Tuy rằng nhập khẩu máy móc, nguyên liệu phụ tùng phục vụ cho sản xuất vẫn chiếm thế áp đảo, song sự gia tăng của hàng tiêu dùng đã cho thấy sản phẩm trong nước phải chịu sức ép cạnh tranh gia tăng từ hàng nhập khẩu ngày càng lớn.

Trong các nhóm hàng tiêu dùng nhập khẩu, chiếm kim ngạch lớn và đáng kể là thức ăn gia súc và nguyên liệu. 4 tháng qua Việt Nam đã chi 1,18 tỷ USD để nhập các mặt hàng này cho ngành chăn nuôi trong nước, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy trung bình mỗi tháng, Việt Nam phải bỏ ra gần 7.000 tỷ đồng cho nhập khẩu mặt hàng này. Cũng cần lưu ý rằng trong khi kim ngạch nhập khẩu một số nhóm hàng tiêu dùng có sự sụt giảm thì riêng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong vài năm trở lại đây cứ năm sau lại cao hơn năm trước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cũng nằm trong nhóm hàng nhập khẩu để phục vụ sản xuất nông nghiệp là phân bón, 4 tháng đầu năm đạt kim ngạch hơn 427 triệu USD, tăng 30,4% về lượng và 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đây là một điểm đáng lưu ý, bởi trong khi sản xuất nông nghiệp vẫn giữ tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế thì Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn thức ăn chăn nuôi, phân bón do sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Một số nhóm hàng nông sản tuy có kim ngạch không quá lớn, song tốc độ gia tăng nhập khẩu lại cao. Cụ thể là hàng rau quả trong 4 tháng đầu năm đạt giá trị nhập khẩu gần 316 triệu USD, tăng tới 56,1% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam hiện đang tập trung tại 2 thị trường lớn nhất là Thái Lan và Trung Quốc, chiếm hơn 60% kim ngạch nhập khẩu, riêng thị trường Thái Lan chiếm hơn 45%.

Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu rau quả đạt khoảng 925 triệu USD, tăng khoảng 48,7% so với cùng kỳ. Với đà nhập khẩu tăng nhanh như hiện nay, dự báo kim ngạch cả năm của mặt hàng này sẽ vượt mốc 1 tỷ USD, góp phần gây ra nhập siêu. Ngoài ra, một số sản phẩm nông nghiệp khác có kim ngạch nhập khẩu gia tăng là hàng thuỷ sản tăng 32,2%; lúa mì tăng 29%; dầu mỡ động thực vật tăng 21,2%; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 15,6%...

Bên cạnh sản phẩm nông nghiệp, một số nhóm hàng công nghiệp phục vụ tiêu dùng cuối cùng cũng đang gia tăng và gây ra nhiều sức ép cạnh tranh với sản xuất trong nước. Đơn cử là sắt thép các loại, tính trong 4 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt 3,2 tỷ USD, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, ô tô nguyên chiếc các loại trong 4 tháng đạt kim ngạch 663,1 triệu USD, tuy giảm 10,2% về giá trị song lại tăng 15,6% về số lượng.

Báo cáo xuất khẩu năm 2016 của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng tiêu dùng năm 2016 đạt khoảng 6,9 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2016. Đây là mức tăng thấp hơn so với mức tăng chung của tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước năm 2016 (5,2%) và giảm mạnh so với tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này năm 2015 (11,1%). Khi phân tích cụ thể hơn vào cơ cấu nhóm hàng, có thể thấy tốc độ tăng giảm trong năm 2016 do một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn trong nhóm đã giảm nhập khẩu như: điện thoại di động giảm 25% so với năm 2015; máy móc, thiết bị điện sử dụng trong gia đình đạt 658 triệu USD, giảm 12,5%. Nhập khẩu những mặt hàng này giảm do sản xuất trong nước, cụ thể là sản xuất của khối DN FDI đã được nâng cao về chất lượng, dần thay thế nhu cầu nhập khẩu.

Trong khi đó, các mặt hàng tiêu dùng có kim ngạch nhập khẩu tăng trong năm 2016 đang cho thấy xu hướng tiếp tục gia tăng nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2017. Với việc thuế nhập khẩu được giảm dần theo cam kết tại các FTA, các sản phẩm nông nghiệp như rau quả, thủy sản, các sản phẩm từ thịt, dầu mỡ động thực vật, bánh kẹo đều có kim ngạch nhập khẩu gia tăng; bên cạnh đó là các sản phẩm công nghiệp như sắt thép, ô tô… Đây đều là những sản phẩm trong nước đã sản xuất được. Vì vậy việc gia tăng nhập khẩu các mặt hàng này chắc chắn sẽ tăng sức ép cạnh tranh với hàng trong nước.

Theo Lan Hương

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên