MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng thuế VAT: 'Hãy nhìn một cách đầy đủ, nghĩ nhiều cho người dân'

Dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục đúng là không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) như lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói trong buổi họp báo Chính phủ tối 30/8. Thế nhưng, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đặt câu hỏi, vậy còn một loạt mặt hàng, dịch vụ mà người nghèo cũng phải dùng như: điện, xăng dầu, thuốc men,… thì sao?

Việc tăng thuế giá trị gia tăng nếu thành hiện thực bởi vậy theo ông sẽ “tác động khá” tới người thu nhập thấp chứ không hề ít như lời vị lãnh đạo Bộ Tài chính đã khẳng định mới đây.

Phóng viên báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi cụ thể hơn với tiến sỹ Lưu Bích Hồ về câu chuyện đang gây xôn xao dư luận.

- Lãnh đạo Bộ Tài chính vừa lên tiếng rằng, đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% sẽ ít tác động tới người dân, nhất là người nghèo? Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ: Thứ trưởng Bộ Tài chính nói là tác động không nhiều nhưng tôi nói là còn tùy đối tượng cụ thể. Thế nhưng với người nghèo, tác động là khá đấy chứ không ít đâu.

Tất nhiên rau, thực phẩm bán lẻ ở chợ thì không có VAT nhưng những mặt hàng, dịch vụ quan trọng thì vẫn có như xăng, dầu, điện hay nhiều hàng hóa tiêu dùng khác. Thế nên, tăng thuế VAT chắc chắn ảnh hưởng tới tiêu dùng của người nghèo.


Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

- Vậy ông có cho rằng lý lẽ của phía Bộ Tài chính đang phiến diện quá không?

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ: Lý lẽ này có lẽ không phải phiếm diện mà thiên về bảo vệ việc tăng thuế. Tôi là chuyên gia, tôi cho là phải nhìn vấn đề một cách đầy đủ, nghĩ nhiều cho người dân hơn. Nhà nước, Chính phủ khó khăn, người dân cũng cần chia sẻ nhưng cái gì quá với dân là không được.

Đừng nói tác động không nhiều một cách chung chung. Phải tính xem người ta có chịu được không, chấp nhận được không. Tỷ lệ chi cho những nhu cầu thiết yếu chiếm phần lớn thu nhập người ta rồi, người ta không còn để dành nữa, chưa kể còn bao nhiêu khoản chi tiêu khác.

Mình đánh thêm thuế, từ 5% lên 6% với một số mặt hàng hay 10% lên 12% đáng kể lắm chứ. Thu nhập của người dân còn thấp, tăng 1-2% là đáng kể rồi.


Hình chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hình chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

- Bộ Tài chính trước đó đã so sánh mức thuế Việt Nam với nhiều nước để thấy rằng thuế VAT của nước ta vẫn ở mức thấp. Thế nhưng, nhiều chuyên gia lại không cho rằng như vậy. Với ông thì sao, thưa ông?

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ: Thuế của ta đúng là thấp hơn so với nhiều nước, một số nước hiện có mức thuế VAT khoảng 15-20%. Thế nhưng, phải nhớ, nếu so sánh với quốc tế thì phải tính tỷ lệ thu thuế VAT trong tổng thu. Với nước ta, tỷ lệ này khoảng gần 28% còn các nước cao nhất như EU thì chỉ trung bình 21%, thậm chí nhiều nước dưới mức này.

Thế nên, đừng nghĩ ta mới áp thuế 10% còn thấp mà phải tính tỷ lệ đó là cao trong tổng thu ngân sách rồi. Ta tăng thêm thuế thì tỷ lệ đó lại càng cao hơn. Mỗi nước có bối cảnh khác nhau chứ không phải mức thuế của mình thấp thì tăng lên.

- Nhiều ý kiến trước đó lo ngại tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng tới lạm phát nhưng ngành tài chính cho rằng việc tăng thuế ít tác động tới lạm phát. Ông nghĩ sao về 2 luồng ý kiến trên?

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ: Ít là thế nào, vấn đề là đo được, cơ quan nghiên cứu phải tính toán. Phải tính sự ảnh hưởng là bao nhiêu vì tăng giá tiêu dùng là tăng CPI rồi. Ví dụ xăng, dầu, điện là tăng chứ, giá tăng thì ảnh hưởng tới CPI, cái đó phải cẩn thận đừng để ảnh hưởng nhiều./.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Nhóm PV

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên