MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trần như “vũ bão”, JVC thực sự hồi sinh hay chỉ là cơn đầu cơ nhất thời?

Khi mà MBS vừa “tung ra” báo cáo phân tích vào ngày 29/12/2017, cổ phiếu lập tức có chuỗi tăng trần ngay trong phiên hôm sau, thì không tránh khỏi luồng ý kiến rằng đây đang là cuộc chơi của nhà tạo lập.

Bắt đầu tăng trần từ phiên giao dịch ngày 02/01 với khối lượng hơn 420.000 cổ phiếu, chỉ ngay hôm sau, cổ phiếu JVC của CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật đã tiếp tục tăng trần với khối lượng lên đến gần 2,8 triệu đơn vị. Diễn biến giá với khối lượng lớn như vậy đã tiếp diễn trong 3 phiên liên tục và trong phiên sáng ngày 08/01, JVC vẫn tăng trần với dư mua trần hơn 1 triệu cổ phiếu.

Từ sau sự cố với cựu Chủ tịch HĐQT Lê Văn Hướng, JVC vẫn luôn được quan tâm, đặc biệt khi nhóm cổ đông mới nhảy vào “thay máu” cho doanh nghiệp. Từ năm trước, giới đầu tư đã nhắc nhiều đến JVC với kỳ vọng là dạng cổ phiếu hồi sinh trong năm 2018. Kỳ vọng ấy liệu có được đáp ứng?

Sự hồi sinh đã đẩy cổ phiếu tăng vọt?

Theo báo cáo phân tích mới đây của CTCK MBS, hoạt động kinh doanh của CTCP thiết bị Y tế Việt Nhật đã quay trở lại quỹ đạo bình thường, tạo ra lợi nhuận và dòng tiền tăng trưởng ổn định. MBS khuyến nghị đầu tư đối với cổ phiếu JVC trên cơ sở:

(1) Thị trường thiết bị y tế Việt Nam đang rất hấp dẫn, có quy mô thị trường dự kiến đạt 1 tỷ USD vào năm 2018, trong khi đó mức độ độc quyền tự nhiên của ngành tương đối cao do thị trường phân phối thiết bị y tế có rào cản thâm nhập thị trường cao.

(2) Các vấn đề phát sinh từ khủng hoảng của công ty đã được giải quyết để không còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của công ty. JVC duy trì được vị thế vững chắc trong nhóm các công ty phân phối hàng đầu ngành thiết bị y tế kỹ thuật cao với độc quyền phân phối của hãng Hitachi, hệ thống mạng lưới bán hàng rộng, nhân sự kỹ thuật cao.

(3) JVC có khả năng xử lý tái cấu trúc công ty để cổ phiếu thoát khỏi diện cảnh báo.

Tuy nhiên, JVC vẫn còn điểm tồn tại về tài chính là khoản lỗ lũy kế hơn 1.300 tỷ đồng từ các năm trước. Khoản lỗ lũy kế này là hậu quả của quá khứ vẫn bám theo JVC khiến công ty sẽ gặp nhiều rắc rối như cổ phiếu mới chỉ được đưa ra khỏi diện kiểm soát nhưng vẫn nằm trong diện cảnh báo, không được cho vay ký quỹ. Công ty cũng chưa thể chia cổ tức cho cổ đông dù kinh doanh có lãi và có dòng tiền thực dương.

Để quá trình hồi phục có thể đem lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông thông qua việc đánh giá các chỉ tiêu tài chính trọng yếu thì JVC cần có kế hoạch xử lý khoản lỗ lũy kế này và các khoản phải thu khó đòi thông qua các biện pháp kỹ thuật để làm sạch báo cáo tài chính của mình.

MBS cho rằng có 2 phương án có thể thực hiện được.

Phương án 1, Sáp nhập – giảm vốn: JVC sẽ tiến hành sáp nhập 1 công ty khác vào JVC, công ty mới giữ nguyên tên JVC nhưng thay đổi ghi giảm vốn điều lệ tương ứng để bảo đảm xóa khoản lỗ lũy kế. Do đó, công ty mới không còn lỗ lũy kế và được thị trường đánh giá đúng và đủ giá trị của JVC.

Phương án 2, Tách công ty: JVC sẽ tiến hành tách khoản phải thu khó đòi thành công ty khác, JVC mới chỉ giữ lại phần đang hoạt động tốt và tiếp tục hoạt động đồng thời loại bỏ phần lỗ lũy kế. Phần tài sản xấu chuyển sang công ty mới tiếp tục thu hồi trong tương lai, trường hợp thu hồi được, phần thu được sẽ được phân chia theo quyền lợi tương ứng tỷ lệ sở hữu của cổ đông.

Những vấn đề này đã từng được nhắc đến tại ĐHCĐ thường niên 2017 nhưng hiện tại công ty chưa công bố thông tin chính thức nào về việc này.

Hay chỉ là cơn đầu cơ nhất thời?

Trong một ngành có mức độ độc quyền tự nhiên cao như ngành cung cấp thiết bị y tế, vị thế mà JVC đã xây dựng được trong quá khứ là điều mà không phải doanh nghiệp mới mẻ nào cũng làm được. Sự hồi sinh dường như đang được chứng minh qua con số lãi trong 3 quý vừa qua.

Tuy nhiên, khi mà MBS vừa “tung ra” báo cáo phân tích vào ngày 29/12/2017, cổ phiếu lập tức có chuỗi tăng trần ngay trong phiên hôm sau, thì không tránh khỏi luồng ý kiến rằng đây đang là cuộc chơi của nhà tạo lập. Những doanh nghiệp dù được xây dựng hình ảnh “hoành tráng” như thế nào nhưng diễn biến giao dịch chỉ ở trong tình trạng tăng trần và giảm sàn, thì vẫn luôn bị đánh giá là cổ phiếu đầu cơ. Đặc biệt, những trường hợp cổ phiếu mang tên “game hồi sinh” trong quá khứ thường là dạng được “tô vẽ” nhiều hơn thực tế.

JVC có hồi sinh thật hay không, dẫu sao vẫn cần phải có một bức tranh tài chính mới để chứng minh.

Hải Thanh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên