MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm, cổ phiếu ngành khai thác đá xây dựng còn tiềm năng gì?

Một chuyên gia trong ngành đá cho biết, tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp nhóm này nằm ở trữ lượng và thời hạn khai thác của các mỏ đá.

Trong nửa đầu năm nay, cùng với sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng đã đi lên rất ấn tượng, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngành đá xây dựng như KSB, DHA, C32, PTB, AMD, NNC … với mức tăng giá từ 2 - 3 lần.

Cổ phiếu ngành đá xây dựng tăng trưởng ấn tượng

Mới nhập cuộc tăng từ cuối tháng 4, cổ phiếu AMD của CTCP Đầu tư AMD Group – một công ty đầu tư đa ngành, tân binh trong lĩnh vực khai thác và phân phối đá xây dựng đã nhanh chóng ghi nhận mức tăng giá 40%. Cổ phiếu NNC của CTCP Đá Núi Nhỏ đến tận tháng 6 mới bắt đầu tăng mạnh nhưng cũng đã ghi nhận mức tăng đến 50%.


Diễn biến giá cổ phiếu trong 6 tháng qua

Diễn biến giá cổ phiếu trong 6 tháng qua

Nói đến cổ phiếu đá, không thể không nhắc đến SPI của CTCP Đá Spilit. Cổ phiếu SPI đã tăng gấp 3 lần từ 2.800 đồng lên 8.700 đồng trong 3 tháng đầu năm, sau đó giảm về 4.300 đồng rồi lại tăng một mạch gấp 3 lần lên giá 14.500 đồng. SPI được nhà đầu tư gọi vui là “cổ phiếu điên”.Tuy nhiên, từ mức đỉnh này, SPI đã suy giảm và giờ chỉ còn giá trên 5.000 đồng.

Không kém cạnh là PTB của CTCP Phú Tài. Từ giữa tháng 2, PTB tăng bền bỉ từ giá 70.000 đồng lên gấp đôi và hiện tại có giá 133.000 đồng/cp.

DHA của CTCP Hóa An cũng tăng 70% trong chưa đầy 2 tháng. C32 sau 2 đợt tăng, ghi nhận mức giá đỉnh 66.000 đồng – tức tăng 2,2 lần so với đầu năm. Còn KSB của CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương, đi cùng xu hướng tăng giá của thị trường chung, với câu chuyện riêng của mình, cổ phiếu đã tăng gấp 3 lần từ đầu năm trước khi điều chỉnh giảm về giá 73.500 đồng hiện tại, chưa kể cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% được nhận sau 2 đợt.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài tăng trưởng không ngừng, hầu hết cổ phiếu ngành đá xây dựng đã đi vào giai đoạn điều chỉnh giảm. Vậy doanh nghiệp liệu có còn tiềm năng?

Thị trường Bất động sản ấm lên và nhu cầu đầu tư hạ tầng đường bộ rất lớn trong thời gian tới

Có thể thấy, bên cạnh yếu tố tài chính cơ bản của các doanh nghiệp nhóm này thì sự phục hồi của thị trường bất động sản và những dự án công trình giao thông hạ tầng tiếp tục triển khai đầu tư trong thời gian tới vẫn là yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành.

Bắt đầu từ năm 2015, thanh khoản của thị trường BĐS đạt mức cao nhất trong lịch sử nhiều năm trở lại đây. Điều này khiến cho thị trường vật liệu xây dựng như Xi măng, sắt thép, đá, gạch... trở nên sôi động và có những bước tăng trưởng mạnh mẽ về cả doanh thu và lợi nhuận.

Bên cạnh đó, trong 2 năm gần đây, Việt Nam đã và đang hoàn tất các hiệp định thương mại lớn như: EU FTA, TPP, Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) ... Điều này được kỳ vọng sẽ khuyến khích một làn sóng vốn lớn FDI nước ngoài và dịch chuyển các chuỗi sản xuất trên thế giới về Việt Nam.

Do đó, để chuẩn bị đón dòng vốn này đòi hỏi phải phát triển hạ tầng cơ bản trong đó có hạ tầng kết nối giao thông các vùng và các khu công nghiệp là điều kiện cần thiết, với nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh hợp tác xây dựng các tuyến đường cao tốc song song với việc mở rộng đường quốc lộ.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông 2020, định hướng 2030, tổng giá trị đầu tư dự kiến cho đường bộ cao tốc là 392.379 tỷ đồng (tương đương hơn 49.000 tỷ đồng mỗi năm).

Với những yếu tố đó, doanh nghiệp trong ngành đá xây dựng vẫn được đánh giá cao.

Điểm mấu chốt là trữ lượng và thời hạn khai thác mỏ đá

Một chuyên gia trong ngành đá cho biết, tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp nhóm này nằm ở trữ lượng và thời hạn khai thác của các mỏ đá. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đều đang cố gắng xin giấy phép khai thác các mỏ mới hoặc xin phép gia hạn và mở rộng khai thác các mỏ hiện tại. Ví dụ, KSB đang xin giấy phép khai thác mỏ đá Phước Vĩnh và mỏ đá Tam Lập. DHA xin gia hạn mỏ Tân Đông Hiệp đến năm 2017.

Hiện tại những công ty về ngành đá xây dựng đang niêm yết trên sàn chủ yếu sở hữu các mỏ đá ở khu vực phía Nam. Trong khi đó các khu vực phát triển không kém phần sôi động và cần đầu tư hạ tầng mạnh là ở miền Trung với các khu công nghiệp trọng điểm rất lớn như: Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) ... Đây được xem khu vực trung chuyển hàng từ Bắc vào Nam quan trọng và sẽ rất cần đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông và xây dựng nhiều cơ sở khu công nghiệp lớn.

Riêng Thanh Hóa, một lượng vốn lớn đổ vào lĩnh vực bất động sản đang làm cho thị trường xây dựng ở đây vô cùng sôi động và đẩy nhu cầu về đá xây dựng lên cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành đá tại Thanh Hóa hoạt động có quy mô bài bản tương đối ít. Doanh nghiệp đá niêm yết ở Thanh hóa hiện nay mới có CTCP Đá Spilit và gần đây có thêm một doanh nghiệp khác là AMD đầu tư vào mỏ đá núi Loáng (trữ lượng gần 2 triệu m3) với thời hạn 30 năm. Công ty này cũng chuẩn bị nhận giấy phép khai thác mỏ đá núi Bền tại huyện Vĩnh Minh với trữ lượng 2,3 triệu m3 và cũng trong thời hạn 30 năm.

Chuyên gia trong ngành cho biết, ngành khai thác đá là nhóm ngành kinh doanh có điều kiện và các doanh nghiệp muốn kinh doanh đều phải xin được giấy phép khai thác các mỏ đá.Khi đã có được giấy phép và tiến hành khai thác thì hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này đềukhông hề thấp.

Hà Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên