MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam, lạc quan và ba điểm cần lưu ý

Nhiều dự báo và nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý cuối năm và các năm tới, nhưng có những vấn đề nội tại được cho là rất cần lưu ý.

Tại  phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2019, Thủ tướng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2019 tốt hơn so với dự báo, tốt hơn cùng kỳ năm 2018 trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, GDP 9 tháng tăng 6,98%, mức tăng cao nhất trong vòng 9 năm qua. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, bình quân 9 tháng tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%, đặc biệt khu vực ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng 45,3%, tăng 16,9%. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3%. Thu ngân sách Nhà nước tăng cao (10,1%), bội chi còn 3,4% GDP, nợ công còn dưới 57% GDP.

Cùng đó, xuất khẩu qua 9 tháng đạt trên 190 tỷ USD, tăng 8,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu tăng 16,4%. Xuất siêu ở mức kỷ lục, gần 6 tỷ USD...

Thủ tướng cho rằng, kết quả trên càng khẳng định sự phù hợp của nhận định, đánh giá tình hình mà Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị và sắp tới trình Trung ương, đó là dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thành toàn diện, vượt mức các mục tiêu kế hoạch đề ra, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt.

Cũng theo Thủ tướng, trong bối cảnh tình hình thương mại bất ổn, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang, các tổ chức quốc tế có uy tín vẫn đánh giá cao Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế khu vực và toàn cầu.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,8% năm 2019. Standard Chartered đánh giá Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,9%, và tốc độ này được kỳ vọng sẽ duy trì đến năm 2021. Citigroup Inc. đã điều chỉnh dự báo cả năm cho kinh tế Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%...

Cùng với những dự báo lạc quan đó, BizLIVE giới thiệu một số ý kiến và nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam quý IV/2019 và những năm tới, cũng như các điểm đang được chú ý.

Tin tưởng vượt mục tiêu tăng trưởng GDP mà Quốc hội đề ra

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Đức Trung

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam, lạc quan và ba điểm cần lưu ý - Ảnh 1.

Sau rất nhiều năm chúng ta mới đạt được kết quả tăng trưởng như vậy. Cụ thể GDP quý III và 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt lần lượt 7,31% và 6,98%, cao nhất trong 9 năm qua.

Những động lực tăng trưởng rất rõ từ khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 9,36%, trong đó đặc biệt công nghiệp công nghệ chế tạo đạt 10,37%, khu vực dịch vụ 6,85%.

Trong điều kiện căng thẳng thương mại lớn mà kết quả xuất khẩu chúng ta đạt cao với 194 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 8,2%; đầu tư toàn xã hội bằng 34,3% GDP, tăng 10,3%, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm 45,3% và tăng trưởng 16,9%.

Đây là các chỉ số rất quan trọng khẳng định kết quả tăng trưởng này hoàn toàn phù hợp. So với các quý gần đây được liệt kê lại thì tình hình quý III/2016 tăng 6,56%, quý III/năm 2017 tăng 7,38%, quý III/năm 2018 tăng 6,82%. Như vậy tăng trưởng quý III năm nay so với cùng kỳ các năm trước là hoàn toàn phù hợp.

Từ nay đến cuối năm, tốc độ tăng trưởng, động lực duy trì tăng trưởng chủ yếu ở các khu vực công nghiệp xây dựng, công nghiệp chế tạo, dịch vụ.

Ngoài ra, ngày 26/9 vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương. Khi mà tình hình giải ngân vốn đầu tư công được thực hiện tốt hơn sẽ góp phần tác động vào tăng trưởng những tháng cuối năm.

Chúng tôi tin rằng với kết quả của việc Chính phủ tích cực tạo các điều kiện, giải pháp thì quý IV – quý cuối cùng của năm 2019, tăng trưởng cả năm 2019 cơ bản đạt và vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra 6,8%.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhờ hai điểm sáng

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam, lạc quan và ba điểm cần lưu ý - Ảnh 2.

Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam bị chững lại do xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc kéo theo sự sụt giảm của thương mại toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhờ hai điểm sáng là cầu nội địa tiếp tục gia tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì.

Triển vọng về tiêu dùng trong nước tiếp tục sáng sủa, được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm và lạm phát duy trì ở mức thấp.

Do xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục kéo dài dẫn đến sụt giảm trong thương mại toàn cầu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được dự báo sẽ giảm trong giai đoạn trước mắt. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, nhu cầu trong nước gia tăng sẽ bù đắp cho sụt giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Qua đó, tăng trưởng GDP dự kiến vẫn nhất quán với dự báo tăng 6,8% trong năm nay và 6,7% trong năm 2020.

Về phía cầu, tôi cho rằng tiêu dùng nội địa tiếp tục cho thấy triển vọng tích cực. Tiêu dùng cá nhân sẽ tiếp tục tăng nhờ lạm phát thấp, nhiều công ăn việc làm, kinh tế tăng trưởng cao mặc dù tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ. Những nỗ lực không ngừng của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cùng với xếp hạng tín nhiệm quốc gia gần đây được cải thiện sẽ kích thích đầu tư tư nhân.

Nếu xung đột thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, nhiều doanh nghiệp sản xuất có thể cân nhắc Việt Nam như một cơ sở sản xuất thay thế, tạo thêm động lực mới cho luồng vốn đầu tư FDI.

Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu  (EVFTA) mới được ký kết cũng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hứa hẹn sẽ tiếp tục mở cửa tiếp cận thị trường cho thương mại và đầu tư. Do đó, các dòng vốn FDI sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong thời gian tới, với minh chứng là 14,22 tỷ USD vốn thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2019.

Rất tích cực, nhưng có ba điểm rất cần lưu ý

TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam, lạc quan và ba điểm cần lưu ý - Ảnh 3.

Tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm nay khá tích cực, nhiều khả năng đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra với mức tăng trưởng từ 6,8-7%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tích cực này không phải là quá cao so với điều mà chúng ta kỳ vọng cũng như tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam.

Đặt trong bối cảnh khi tăng trưởng kinh tế thế giới hiện nay giảm tốc và vẫn còn ẩn chứa nhiều yếu tố bất lợi, rủi ro lớn nhưng mức tăng trưởng của Việt Nam vẫn khá tốt, đó là điều rất tích cực. Đặc biệt là khi Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới nhưng không bị ảnh hưởng nhiều của xu hướng giảm tốc này.

Còn về việc tăng trưởng của Việt Nam liệu có bền vững hay không? Nếu nhìn vào thời gian tới Việt Nam đang đặt ra mục tiêu là trung bình trong 10 năm tới phải đạt tốc độ tăng trưởng 7% trở lên thì vẫn còn rất nhiều thách thức.

Nhìn vào động lực tăng trưởng trong nước, tiêu dùng vẫn duy trì tốt do dân số trẻ, thu nhập tăng và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng.

Nhưng khi nhìn vào đầu tư, có ba điểm cần rất lưu ý.

Thứ nhất, đầu tư công giải ngân chậm, mà ở Việt Nam đầu tư công lại rất quan trọng cho phát triển kết cấu hạ tầng. Kết cấu hạ tầng là điểm mà Việt Nam rất cần đột phá, kết cấu hạ tầng hiện nay không chỉ bao gồm truyền thống mà nó bao gồm cả hạ tầng số.

Cách đây 10-15 năm, một số nghiên cứu chỉ ra rằng vai trò của hạ tầng, trong đó có đầu tư công là rất quan trọng, chiếm khoảng 10% GDP - mức này có thể quá  cao, nhưng hiện nay mức đầu tư GDP vào hạ tầng chỉ còn khoảng trên dưới 6% và đây là mức thấp.

Để hạ tầng tạo được đà cho tăng trưởng, ví dụ Việt Nam muốn đạt được tăng trưởng 7% thì tỷ lệ đầu tư cho hạ tầng phải chiếm khoảng 8% mới phù hợp. Đây là một nút thắt mà nếu không gỡ thì khó có thể duy trì được đà tăng trưởng tương đối cao.

Thứ hai là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ở đây có hai câu chuyện.

Câu chuyện thứ nhất là có thể là Việt Nam vẫn khá hấp dẫn vì Việt Nam tích cực mở cửa, hội nhập sâu rộng và trở thành điểm trung tâm cho làm ăn kinh doanh. Nếu cải cách thể chế tốt, cải thiện môi trường kinh doanh tốt, Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ngay cả khi Việt Nam hấp dẫn, khả năng hấp thụ vẫn là có giới hạn. Một biểu hiện rất rõ là mức độ tăng giải ngân của đầu tư nước ngoài là không cao, chỉ 5-6%/năm. Một trong những lý do dẫn đến hạn chế này là do chế tài thực thi, nguồn nhân lực, hạ tầng.

Câu chuyện thứ hai, trong ngắn hạn chúng ta vẫn hay nói nhiều về lợi ích của Việt Nam khi các nhà đầu tư quốc tế dịch chuyển đầu tư, đặc biệt là từ Trung Quốc, nhưng phải hiểu rằng không có cuộc chiến thương mại này thì làn sóng dịch chuyển cũng đã bắt đầu với chiến lược “Trung Quốc +1” rồi. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chỉ như một chất xúc tác.

Hiện nay câu chuyện chuyển dịch có hai vấn đề quan trọng. Một là, cải cách của Việt Nam so với các nước khác, bởi lựa chọn của các nhà đầu tư không chỉ có Việt Nam mà còn các nước khác. Hai là, sự dịch chuyển này chúng ta cần có sự sàng lọc hơn, không chỉ quan tâm đến số lượng nhiều hay ít mà còn phải xem chất lượng như thế nào. Thống kê phải theo kịp cái gọi là chất lượng để đảm bảo chất lượng. Hiện nay thống kê về đầu tư nước ngoài còn rất nhiều hạn chế, chưa đầy đủ, thậm chí thiếu.

Thứ nữa là cũng đừng quá trông chờ vào sự dịch chuyển đầu tư này vì trong một thế giới bất định và còn nhiều rủi ro như vậy, các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi. Họ chưa quá vội vàng trong thả tiền đầu tư, mà vẫn đi tìm một hầm trú ẩn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra bất định có khá nhiều tác động rất không thuận cho các dòng đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Điểm thứ ba tôi muốn nói về động lực tăng trưởng là chúng ta rất cần sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, phát triển khu vực này vẫn còn rất nhiều trở ngại để doanh nghiệp tư nhân có thể “lớn”.

Ngay cả trong khu vực kinh tế tư nhân, các thống kê của Việt Nam cho chuẩn chỉnh cũng không phải là đơn giản bởi vì đa phần họ tự khai. Còn những điều tra thực tế đầu tư như thế nào, có hiệu quả đến đâu vẫn là câu chuyện công tác thống kê cần rất nhiều nỗ lực để làm.

Theo Hoàng Hà

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên