MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng tín dụng: Đừng để “bỏng tay”

13-10-2016 - 16:53 PM | Tài chính - ngân hàng

Thời điểm cuối năm thường được các tổ chức tín dụng tập trung dồn lực để tăng trưởng tín dụng, phục vụ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Điều này có thể dễ dẫn đến tăng trưởng “nóng”, tăng trưởng “ảo”, tạo nên những tác động đáng kể tới hệ thống ngân hàng.

Tăng trưởng quý IV phải tăng nhanh

Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đã đạt 10,2% so với cuối năm 2015, nhưng tăng trưởng tín dụng bình quân 8 tháng đạt 4,7% (cùng kỳ 2015 là 4,1%). Như vậy, để đạt được mục tiêu cả năm tăng trưởng 18-20%, tín dụng cần tăng nhanh hơn trong quý IV.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tuần cuối tháng 9, các ngân hàng thương mại Nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động khoảng 0,3-0,5%/năm đối với tiền gửi ngắn hạn.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 đến nay, lãi suất huy động dài hạn tại một số ngân hàng thương mại đang có chiều hướng tăng khá mạnh. Theo khảo sát, mức lãi suất tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Bản Việt đã được đẩy lên tới 8,3%/năm, tăng 0,3% so với tháng trước. Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng cũng tăng lên mức 7,5%/năm...

Bên cạnh đó, tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội diễn ra cuối tuần trước, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, tại Việt Nam hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn đang ở mức khá thấp, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9-10%/năm; và không có sự khác biệt lớn so với các nước trong khu vực vì lãi suất cho vay đến cuối năm 2015 (theo số liệu của WB): Indonesia 12,7%, Malaysia 4,6%, Philippines 5,6%, Singapore 5,35%, Ấn Độ 10,3%, Thái Lan 6,6%, Việt Nam phổ biến 6-11% (bình quân khoảng 7-9%), thậm chí nếu là doanh nghiệp có hồ sơ tốt sẽ được vay lãi suất 4-5%.

Chính vì thế, các chuyên gia đều nhận định, tình hình trên sẽ là cơ hội để các ngân hàng có sự tăng trưởng tín dụng đột phá trong 3 tháng cuối năm. Theo báo cáo kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) về xu hướng kinh doanh đối với các tổ chức tín dụng, trong cả năm 2016, các tổ chức tín dụng kỳ vọng dư nợ tín dụng tăng trưởng 21,82% (VND: +22,95%; ngoại tệ: +8,22%), cao hơn khoảng 4,5% so với mức kỳ vọng và thực tế tăng trưởng 17,26% của năm 2015, và được điều chỉnh tăng so với mức kỳ vọng 20,4% xác lập tại cuộc điều tra tháng 6-2016.

Bên cạnh đó, huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng năm 2016 được các TCTD kỳ vọng tăng trưởng bình quân 16,85% (giảm 0,72% so với kỳ vọng tại cuộc điều tra kỳ trước nhưng vẫn cao hơn mức tăng kỳ vọng và thực tế của năm 2015).

Theo PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, trong 3 tháng cuối năm, các doanh nghiệp cũng như người dân có nhu cầu tiền tệ lớn phục vụ cho hoạt động sản xuất để chuẩn bị dịp Tết nên tín dụng sẽ có khả năng tăng trưởng mạnh, sau một thời gian tăng trưởng tín dụng có phần chậm lại. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng dồn tín dụng vào bất động sản, trong khi đây là đối tượng khách hàng thường có nhu cầu lớn nên khối lượng cũng tăng lên đáng kể.

Rủi ro cho ngân hàng nhỏ

Đánh giá về mục tiêu tăng trưởng của hệ thống ngân hàng, các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, NHNN sẽ ưu tiên theo đuổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng, nhất là khi mức tăng trưởng có phần chậm lại từ những tháng đầu năm. Hơn nữa, những rủi ro từ hai yếu tố lạm phát và tỷ giá mùa vụ cuối năm vẫn chưa quá lớn.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng dồn vào 3 tháng cuối năm có thể gây nên tình trạng tăng trưởng “nóng”, thậm chí tăng trưởng “ảo” để “chạy chỉ tiêu”. Như vậy, điều đáng quan tâm lúc này là sự an toàn trong thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, tín dụng tăng trưởng có phần nguyên nhân do các ngân hàng tập trung tín dụng vào bất động sản. Đây là lĩnh vực “ngốn” nhiều tiền nhưng lại ẩn chứa nhiều rủi ro và bất động sản từ nay đến cuối năm vẫn chưa có dấu hiệu tăng nhiệt.

Do đó, PGS.TS. Phạm Hồng Chương cho rằng, mức tăng trưởng 18-20% tuy cao nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hệ thống. Tuy nhiên, mức tăng trưởng trong một quý nếu quá cao đối với các ngân hàng nhỏ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn các ngân hàng lớn. Bởi các ngân hàng lớn có đủ tiềm lực để chịu được các cú “va đập” mạnh, khi một khách hàng mất khả năng thanh toán thì các ngân hàng lớn vẫn có thể xử lý được. Còn với các ngân hàng nhỏ, tiềm lực chưa ổn định thì có thể xảy ra những tác động tiêu cực đến toàn hệ thống.

“Vì thế, bên cạnh việc kích thích tín dụng nhằm mục tiêu đảm bảo tốc độ tăng trưởng của các ngân hàng thương mại, NHNN cần phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ, theo dõi hoạt động cho vay, huy động của các ngân hàng để tránh những đổ vỡ, rủi ro”, PGS.TS. Phạm Hồng Chương nhận định.

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, từ nay tới cuối năm, nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao hơn so với những tháng đầu năm, trong lộ trình và diễn biến của lạm phát hiện nay thì NHNN vẫn theo dõi rất sát để có thể điều hành.

Bên cạnh khuyến nghị trên, có chuyên gia còn nhận định, Chính phủ đã hạ mục tiêu tăng trưởng GDP thì tăng trưởng tín dụng của cả năm cũng không nhất thiết phải cố gắng giữ bằng được. Bởi điều quan trọng là cần các chính sách để giữ thị trường ổn định, hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế vĩ mô để tránh tín dụng “nóng” và tăng trưởng “ảo”.

Theo Bình Nam

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên