MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng tuổi "nghỉ hưu" của máy bay để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh!?

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổsung Nghị định 92 về kinh doanh vận tải hàng không do Bộ GTVT chủ trì chắp bút đưa ra kiến nghị, tăng tuổi “nghỉ hưu” của máy bay khai thác thương mại thêm 5 năm so với quy định hiện tại.

Việt Nam quy định chặt chẽ hơn thế giới!

Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 92/2016/NĐ-CP và Nghị định 30/2013/NĐ-CP liên quan đến lĩnh vực kinh doanh hàng không dân dụng, Bộ GTVT đề xuất nâng độ tuổi tàu bay vận chuyển hành khách từ 20 năm lên 25 năm, máy bay chở hàng từ 25 năm lên 30 năm.

Giải trình về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, thống kê của Boeing cho thấy độ tuổi trung bình của tàu bay vận chuyển hành khách là 28 năm với tàu bay thân hẹp và 25 năm với tàu bay thân rộng; với tàu bay vận chuyển hàng hoá là 38 năm và 31 năm.

Bộ GTVT cũng cho hay, trong những năm qua, các hãng hàng không Việt Nam gặp khó trong việc phát triển đội tàu bay chở hàng vì không đáp ứng được theo Nghị định 92/2016/NĐ-CP. Do đó, chưa xây dựng được đội tàu bay chở hàng theo định hướng phát triển đội tàu bay được Thủ tướng phê duyệt.

Tăng tuổi nghỉ hưu của máy bay để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh!? - Ảnh 1.

Bộ GTVT đề xuất tăng tuổi thọ của máy bay thương mại thêm 5 năm

Bên cạnh đó, nếu được nâng độ tuổi tàu bay chở khách lên 25 năm, sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho các hãng hàng không. Đặc biệt là việc đi thuê tàu bay ngắn ngày trong các dịp cao điểm lễ, tết. Ngoài ra, các hãng cũng chủ động và có vị thế trong việc đàm phán với các đối tác cho thuê tàu bay, qua đó, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Trả lời về đề xuất này, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc cho biết, trong quá trình họp lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định 92, có doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã đề xuất rằng, quy định về tuổi máy bay hiện của Việt Nam chặt chẽ quá, trong khi đó, các doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường vận tải, nhất là vận tải hàng hóa khó thuê máy bay, vì vậy đã đề xuất nâng tuổi thọ của máy bay thương mại.

“Bộ GTVT đã nghiên cứu đề xuất này và giao cho Cục Hàng không, cùng các chuyên gia phân tích, đánh giá xem xét. Kết quả cho thấy, so với các nước trong khu vực thì hiện Việt Nam quy định rất chặt chẽ, dù Việt Nam có nới rộng thêm 5 tuổi nữa so với đề xuất  thì vẫn chưa  bằng độ tuổi trung bình của thế giới”, ông Ngọc cho hay.

Cũng theo phân tích của ông Ngọc, độ tuổi máy bay chỉ là một phần tác động tới an toàn hàng không chứ không phải là yếu tố quyết định. Sau khi tính toán, so sánh rất nhiều thông số, Bộ GTVT đã đề xuất tăng tuổi thọ của máy bay khai thác thương mại thêm 5 tuổi.

Còn theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không, cách đây hơn 10 năm, Việt Nam chưa có điều kiện về năng lực, trình độ và cơ sở hạ tầng kiểm tra, giám sát tình trạng đủ điều kiện bay của đội tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam nên hạn chế tuổi tàu ở mức 20 năm khi kết thúc hợp đồng thuê. 

Hiện nay, năng lực kiểm tra, giám sát an toàn của chúng ta tăng. Hợp tác quốc tế của Việt Nam với các nước, đặc biệt là với các tổ chức giám sát an toàn như Cục Hàng không liên bang Mỹ FAA, Hiệp hội IASA của Châu Âu đã giúp chúng ta nâng cao năng lực. Ngoài ra công nghệ cũng giúp đảm bảo thời gian hoạt động tuổi thọ của tàu bay lớn hơn.

Việc nâng tuổi tàu bay cũng khiến các doanh nghiệp kinh doanh hàng không được hưởng lợi vì sẽ dễ dàng thuê tàu bay nước ngoài trong các dịp cao điểm lễ, tết. Đây chính là để đáp ứng sự linh hoạt trong sản xuất kinh doanh của hãng hàng không.

Hiện tại, Vietjet đang khai thác đội tàu bay trung bình 2,8 tuổi; Vietnam Airlines 5,5 tuổi và Jetstar Pacific 7,8 tuổi...

Nên để nhà sản xuất quy định niên hạn sử dụng

Cũng cho rằng việc đề xuất tăng tuổi thọ máy bay của Bộ GTVT là phù hợp trong bối cảnh kỹ thuật sản xuất ngày càng hiện đại, vật liệu mới tốt hơn, kỹ thuật khai thác và bảo dưỡng máy bay tốt hơn, nhưng PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Khoa kỹ thuật Hàng không (ĐH Bách khoa TP.HCM) cho rằng, Bộ GTVT nên đưa ra căn cứ vào đâu để đề xuất việc gia tăng này, có tham khảo khuyến cáo của ICAO và các quy định tương tự của các nước khác không.

Trong khi đó, GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội hàng không - vũ trụ thì cho rằng, việc quy định tuổi thọ của máy bay phải do nhà sản xuất quy định, chứ không phải do các cơ quan quản lý hay các hãng hàng không.

Theo ông Cương, thông thường số năm sử dụng sẽ do nhà sản xuất quy định, bởi họ là đơn vị thiết kế.

“Trước khi xuất xưởng, các hãng sản xuất đã thử nghiệm toàn bộ, xem máy bay đấy hoạt động bao nhiêu năm, bao nhiêu giờ bay và đưa ra tuổi thọ trung bình”, GS.TSKH Nguyễn Đức Cương thông tin.

Theo Ngân Tuyền

An ninh Thủ đô

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên