MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tết cổ truyền nơi xứ người: Dịp đoàn tụ đầm ấm của gia đình Việt Kiều tại Đức

16-02-2018 - 09:58 AM | Sống

Không khí Xuân đã tràn ngập trên mọi nẻo đường. Từ Bắc chí Nam, người người, nhà nhà tất bật xuôi ngược sắm sửa, chuẩn bị cho năm mới. Ở phương trời Châu Âu, trên đất nước Đức đang phủ đầy tuyết trắng, cộng đồng người Việt xa quê cũng đang háo hức, nhanh nhanh hoàn thiện những khâu chuẩn bị cuối cùng để đón Xuân nơi xứ người.

Gia đình chú Nguyễn Đình Tường và cô Phạm Thị Thu sang định cư ở Đức đã được gần 20 năm ở thành phố Dresden. Gia đình nhỏ 5 thành viên mưu sinh bằng nghề bán hàng ăn châu Á.

Dù xa quê hương, nhưng cứ mỗi độ Tết đến xuân về, gia đình vẫn chuẩn bị đầy đủ các công việc như ngày lễ tết truyền thống ở quê nhà. Không khí đón Tết vẫn đậm màu sắc của Việt Nam. Do khác biệt về văn hóa, thời gian nghỉ rơi vào ngày tết Tây và Noel. Ngày Noel và Tết Dương Lịch, quán đóng cửa và mọi người cũng hòa vào không khí vui vẻ, hân hoan của ngày Tết nước bạn. Nhưng Tết Nguyên đán cũng là dịp, người thân và những gia đình thân thiết tụ họp, liên hoan và chúc nhau những điều an lành.

Tết cổ truyền nơi xứ người: Dịp đoàn tụ đầm ấm của gia đình Việt Kiều tại Đức - Ảnh 1.

Gia đình chú Nguyễn Đình Tường. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đêm cuối cùng của năm cũ, bên ly rượu, mọi người đứng cùng nhau, nói chuyện và cạn li. Thanh niên trai tráng ra đốt những dải pháo dài, sặc sỡ. Không khí còn vui vẻ hơn khi có sự góp mặt của những người dân bản địa chơi thân với gia đình. Đây cũng được xem như là đêm tất niên, bởi chỉ có vào dịp này, mọi người mới có dịp tụ họp đầy đủ, có thời gian để cảm nhận được không khí tết như ở quê nhà trong không khí tưng bừng nơi xứ bạn.

Tết cổ truyền nơi xứ người: Dịp đoàn tụ đầm ấm của gia đình Việt Kiều tại Đức - Ảnh 2.

Một buổi đoàn tụ của những người đồng hương xa xứ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sáng mồng một âm, các quán người Việt đều đóng cửa. Nhà nhà lại tụ họp tổ chức những bữa cơm thân mật, người lớn lì xì cho trẻ con trong những phong bao lì xì màu đỏ giống như truyền thống dân tộc. Ngày mồng Một được xem là ngày đi mừng tuổi đầu năm, những đứa trẻ xúng xính trong áo quần mới, hớn hở nhận lì xì từ mọi người. Không khí Tết dường như thật thân quen đối với những đứa trẻ.

Bởi điều kiện không cho phép và giờ giấc lệch nhau tận 6 tiếng, nên giao thừa ở Việt Nam mới là 6 giờ tối ở Đức. Tuy vậy, gia đình cô chú vẫn chuẩn bị như đúng phong tục của Việt Nam. Những ngày trước đó, cô chú đi đến chợ Châu Á ở thủ đô Berlin, để sắm sửa lễ lạt, hoa quả, đặt bánh chưng và mua nếp, gà để về đồ xôi. Chợ Châu Á là trung tâm mua sắm của người Việt và các nước châu Á. Ở đó tập trung những mặt hàng của Châu Á được vận chuyển bằng máy bay qua châu Âu, từ lá chuối, lá dong, đậu xanh, hành, sả... 

“Các nguyên liệu đầy đủ chẳng khác gì những gian chợ ở Việt Nam!”- cô Thu chia sẻ.

Tết cổ truyền nơi xứ người: Dịp đoàn tụ đầm ấm của gia đình Việt Kiều tại Đức - Ảnh 3.

Các gian hàng ở một số siêu thị cũng bày bán bánh kẹo Tết.

Do bận rộn với quán xá những ngày lễ đông đúc, cô chú đặt bánh chưng của một gia đình chuyên làm bánh ở chợ của người Việt, mua thêm các loại đồ lễ thắp hương, nếp để đồ xôi, mua gà để làm cỗ và các loại hoa quả, bánh trái khác. Đêm giao thừa (6h tối), người lớn sửa soạn lễ lạt, đơm xôi, luộc gà, dọn mâm ngũ quả và bánh trái thắp hương. Rồi tất cả thành viên trong nhà đứng trước bàn thờ gia tiên và khấn vái ông bà tổ tiên, cầu mong cho năm mới sức khỏe, an khang thịnh vượng.

Tết cổ truyền nơi xứ người: Dịp đoàn tụ đầm ấm của gia đình Việt Kiều tại Đức - Ảnh 4.

Sau đó, mọi người lại quây quần bên nhau trong bữa cơm gia đình ấm áp. Cô chú và các con cũng không quên gọi điện qua Facetime để chung vui cùng không khí giao thừa ở nhà và gửi lời chúc đến một năm mới an lành nơi quê hương xứ sở. Khoảng cách địa lí tưởng chừng như không còn xa xôi cách trở, gia đình như được đoàn tụ, đầm ấm trong không khí giao mùa của đất trời.

Chú Tường chia sẻ: “Ở Đức, vào ngày Chủ nhật đầu tiên sau đêm giao thừa, cộng đồng lại tổ chức một buổi họp mặt đầu năm để chúc mừng năm mới”. Ở đó, mọi người cùng liên hoan, nâng li chúc nhau một năm mới hạnh phúc. Những tiết mục văn nghệ mang tính truyền thống dân tộc được trình diễn. Đó là những bài dân ca, những bài ca ngợi mùa Xuân, quê hương đất nước. Người lớn, trẻ con đều chuẩn bị cho đêm hội những phần trình diễn đẹp mắt và sôi động nhất. 

Tết cổ truyền nơi xứ người: Dịp đoàn tụ đầm ấm của gia đình Việt Kiều tại Đức - Ảnh 5.

Bé Tường Vi – con cô chú là một thành viên trong đội văn nghệ của cộng đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Cuối tuần, chú thường chở cháu trung tâm đến tập luyện văn nghệ cùng với các bạn, tiết mục thường phải chuẩn bị trước cả tháng trời”- cô Thu cho hay. Dáng người nhỏ nhắn, cô bé và các bạn mặc những bộ áo dài truyền thống và múa theo những giai điệu của bài hát về mùa Xuân, đất nước.

Tết cổ truyền nơi xứ người: Dịp đoàn tụ đầm ấm của gia đình Việt Kiều tại Đức - Ảnh 6.

Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Qua những giai điệu, những điệu múa đậm đà bản sắc dân tộc và không khí chào xuân của cộng đồng, những thế hệ trẻ em sinh ra từ nhỏ ở đất nước xinh đẹp này không quên những phong tục, truyền thống của quê nhà.

Dù cách trở về địa lí và thời gian, cũng như khác biệt về phong tục của hai nước Việt - Đức nên Tết cổ truyền không thể trọn vẹn như ở quê nhà, nhưng cô Thu, chú Tường và những người Việt xa quê, đang sinh sống, học tập nơi xứ sở xa xôi vẫn cố thu xếp để có được không khí Tết cổ truyền một cách đầy đủ và xóa nhòa khoảng cách để có thể hòa chung vào không khí Tết ở Việt Nam. 

Hơn thế nữa, những thế hệ đi trước vẫn gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa cổ truyền của ngày Tết để lớp trẻ, những thế hệ sinh ra nơi xứ người có thể hiểu, cảm nhận và kế thừa những cốt lõi của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Thu Lam

Thời Đại

Trở lên trên