MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tết Đinh Dậu – 2017: Quất Văn Giang bị ép giá

18-01-2017 - 08:20 AM | Thị trường

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến tết Đinh Dậu, thị trường quất những ngày áp tết sôi động hẳn lên bởi đại đa số người Việt Nam đều quan niệm, việc mua những cây cảnh để trang hoàng nhà cửa, cơ quan trong những ngày Tết là một việc cần làm và nó sẽ mang đến cho khổ chủ những điều may mắn, thuận lợi trong suốt cả năm lao động.

Dạo qua những vườn quất tại Nhật Tân, Nghi Tàm, Mễ Sở (Văn Giang) …đâu đâu ta cũng thấy những cây quất xum xuê hoa và quả, cũng bởi đã đến mùa thu hoạch. Nhưng năm nay, vì lý do thời tiết không được thuận lợi nên người trồng quất cũng chẳng được mùa. “Quất năm nay không được đẹp như mọi năm bởi nhiều lý do: Thời tiết ít mưa, gần ba tháng nay Hà Nội mới có mưa. Cộng thêm thời điểm đánh quất giống về trồng vào tháng 4, tháng 5 thời tiết nắng nóng khiến cây chết nhiều, sau đó khi quả vào nước cần có mưa, cây mới nhanh lớn và đẹp thì thời tiết lúc đó nắng nóng cao điểm khiến quất yếu, không cho nhiều quả được.” – Anh Trần Văn Phúc – Chủ một vườn quất tại Xã Mễ Sở - Huyện Văn Giang – Tỉnh Hưng Yên cho biết.

Tại Hưng Yên có ba xã Thắng Lợi, Liên Nghĩa, Mễ Sở là những xã có diện tích và số người trồng quất nhiều nhất (gần như 100%, nhà nào cũng có khoảng 2.000 đến 3.000 gốc) nhưng hiện tại những vườn quất xum xuê này vẫn còn chờ thương lái đến ngó nghênh. Điều kiện thời tiết là một vẫn đề vô cùng quan trọng đối với người trồng cây cảnh. Nếu thuận lợi, vào đúng thời điểm thì cây được chăm sóc sẽ cho năng suất cao, cây cao, tán rộng, quả to, nhiều… Bên cạnh đó còn là yếu tố thị trường, năm ngoái quất ế do kinh tế kém, người buôn ít nên năm nay người dân trồng quất bị thương lái ép giá. Ông Phúc cho biết: “Như mọi năm, hết tháng 11 âm lịch gần như những vườn quất nơi đây đã được bán buôn gần hết, không còn quất mà bán, đến mua cũng chỉ là mua lại thôi. Thời điểm này đã tấp nập người buôn tại vườn đánh quất chở đi, dân Mễ Sở chỉ chờ nhận công đánh quất của thương lái thôi chứ đâu phải “ăn nằm” tại vườn để trông quất như thế này”.

Người dân tất bật đánh quất phục vụ tết Đinh Dậu

Người dân tất bật đánh quất phục vụ tết Đinh Dậu

Với mức giá (160.000 đồng – 1.000.000 đồng) bán buôn tại vườn năm nay của người dân Văn Giang gần như người trồng không có công. Mỗi cây quất giống khi đánh về đã từ 50.000 đồng – 300.000 nghìn tùy loại (quất to, nhỏ, lâu năm…) chưa kể công chăm bón, phân đạm đến khi có thể đưa ra thì trường, lại bị thương lái ép giá nên người dân nơi đây gần như “lấy công làm lãi”. Khoảng 25 năm trở lại đây, người dân Văn Giang đã chuyển nghề từ trồng lúa, hoa màu sang trồng quất cảnh, số người trồng lúa giờ còn rất ít, bởi vậy đến giờ kể cả mất mùa dân vẫn phải trồng, “làng nghề rồi, không trồng thì biết làm gì đây? Muốn trồng lại lúa hay hoa màu còn phải cải tạo lại đất, lấy được nước vào ruộng chứ đâu có đơn giản.” – Ông Phúc than thở.

Năm nay, nắm bắt được nhu cầu thị trường ngày càng cao, người dân trồng quất cảnh cũng phải bỏ ra nhiều công sức hơn để có được những thế cây đẹp, quả sai và to đều. Bởi vậy, giá cây quất cao hơn 1 mét sẽ phải có giá từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với quất lùm còn quất thế chắc giá sẽ cao hơn từ 800.000 đồng đến trên 1 triệu đồng. Còn lại giá trung bình mỗi cây cũng có giá từ vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, theo bà Linh, một chủ vườn quất khác tại Văn Giang có ý kiến: “Quất cảnh thường không quy định một mức giá nhất định nào, bởi nó phụ thuộc vào thị trường và đối tượng khách, đặc biệt là thế cây. Tuy nhiên có lẽ giá của những cây quất năm nay cũng chỉ tương đương năm ngoái, cũng không tăng lên được nhiều bởi thời tiết không chiều lòng người, sức mua năm nay chưa cao lắm.”

 Quất cảnh đang được chở đi phục vụ tết

Quất cảnh đang được chở đi phục vụ tết

Đến thời điểm hiện tại, người dân Văn Giang đều đang chung một mối lo làm sao bán buôn được hết vườn quất để khỏi huy động người nhà đi bán vào những ngày cận tết. Bởi nếu phải đi bán quất vì ế ẩm quá nhiều vào những ngày cuối năm thì có lẽ người dân nơi đây mất trắng. “Bởi còn phải bỏ công đánh gốc, vận chuyển, thuê chỗ bán, người bán, trông nom,… mà giá quất bán được cũng không cao hơn được bao nhiêu (trung bình khoảng trên 300.000 đồng/cây). Mà chưa chắc đã bán được, có gặp được khách cũng còn công chuyên chở mà thị trường mình lại không biết bằng những người buôn kia. Bởi vậy, rẻ đâu thì rẻ cứ bán buôn tại vườn là yên tâm nhất. Thôi phân công thị trường hết cả ấy mà.” Ông Trần Văn Nam – 50 tuổi – người trông nom một vườn quất tại thôn Phúc Trạch - xã Mễ Sở - huyện Văn Giang – tỉnh Hưng Yên cho biết.

Với những mong muốn hết sức bình dị của người dân trồng quất cảnh Văn Giang, là làm sao có thể bán được hết quất tại vườn đã là câu hỏi đặt ra cho các nhà chức chắc, những người cầm “cân nảy mực”, hãy đi sâu vào dân, nghe và thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của dân để cùng dân tháo gỡ, cùng dân làm giàu chân chính.

 Những người dân co ro chờ đánh quất

Những người dân co ro chờ đánh quất

 Quất Văn Giang lên đường phục vụ tết Đinh Dậu

Quất Văn Giang "lên đường" phục vụ tết Đinh Dậu

Theo Thanh Hà

Lao động

Trở lên trên