MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thái Lan sẵn sàng gia nhập TPP, Việt Nam có lo mất lợi thế?

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã xác nhận sự sẵn sàng tham gia Hiệp định TPP của nước này...

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, Phó thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cho biết nước này đã sẵn sàng tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thái Lan sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước thành viên hiện có bao gồm Nhật Bản.

Tại thời điểm hiện nay, Thái Lan sẽ tổ chức cuộc thăm dò ý kiến dư luận từ các quốc gia thành viên - bước đệm chuẩn bị quan trọng có thể kéo dài 1 năm. Hình thức thăm dò ý kiến dư luận được sử dụng để tìm kiếm ý kiến của người dân trước khi ký kết bất kỳ hiệp định tự do thương mại với các quốc gia khác.

Phương thức tiếp cận này sẽ làm giảm những xung dột giữa các nhóm khác nhau trước khi Thái Lan chính thức tham gia TPP.

Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-ocha đã xác nhận sự sẵn sàng tham gia TPP của Thái Lan.

Một hội đồng do Bộ trưởng Thương mại của Thái Lan Apiradi Tantraporn đứng đầu đã được thành lập. Nhiệm vụ chính của hội đồng này là nghiên cứu tính phù hợp của Thái Lan trong việc trở thành thành viên của TPP.

Ngoài ra, hội đồng này sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu tính phù hợp của việc tham gia TPP của Thái Lan. Hội đồng cũng xem xét kinh nghiệm của các quốc gia thành viên khác về tầm ảnh hưởng của các bên liên quan sau khi tham gia TPP.

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, TPP được đánh giá là có ý nghĩa to lớn mang lại nhiều lợi ích hơn những tác động xấu cho Thái Lan. Sau cuộc bầu cử chính thức tới, Chính phủ tương lai cũng sẽ cam kết toàn tâm với TPP do đây là vấn đề có ý nghĩa quan trong đối với đất nước trong thời gian dài hạn.

Hiệp định TPP hiện là một trong những thỏa thuận thương mại đa quốc gia lớn nhất thế giới với tổng sản phẩm quốc nội đạt 27,4 nghìn tỷ USD, chiếm 39,3% tổng sản phẩm quốc nội của toàn cầu. Tổng giá trị thương mại của TPP trị giá 8,7 nghìn tỷ USD chiếm 26,17% giá trị thương mại toàn cầu.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại một báo cáo công bố vào tháng 12/2015, Việt Nam hiện là nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất và có một số lợi thế so sánh đặc biệt mà không nước nào có được. Tổ chức này tính toán, TPP có thể sẽ bổ sung thêm 8% GDP, 17% giá trị xuất khẩu thực tế, 12% lượng tích luỹ tài sản cho Việt Nam trong vòng 20 năm tới.

TPP cũng sẽ góp phần làm tăng thêm lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và làm tăng năng lực xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc cắt giảm các biện pháp phi thuế quan cũng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Đầu tư dự kiến sẽ tăng trên 20% khi TPP đi vào thực hiện và sẽ làm tăng đáng kể lượng vốn đầu tư và tăng trưởng dài hạn. TPP sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tăng khả năng thâm nhập thị trường và mở rộng cơ hội xuất khẩu.

Tuy nhiên, nếu không nắm bắt được cơ hội thì lợi thế trên sẽ giảm dần trong 5 - 7 năm tới, đặc biệt là khi các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Phillipines gia nhập TPP.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành từng phát biểu: “Trong cuộc chơi với thị trường lớn nhất thế giới mà các FTA đã đang mang lại, Việt Nam đi trước nhiều nước ASEAN khi thành thành viên của TPP. Nhưng 5-7 năm tới có thể có một số nước tham gia như Thái Lan, Philippines… Việt Nam sẽ không có lợi thế nhiều”.

Vị chuyên gia này cho rằng, vấn đề quan trọng với Việt Nam là phải đẩy mạnh cải cách. Tiếp đó là phải tạo dựng lòng tin thị trường với việc nhất quán, kiên định trong mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời nỗ lực hoàn thiện thể chế pháp lý.

Theo Lâm An

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên