MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thái Nguyên: Lại đua nhau xây dựng trái phép tại khu vực Hồ Núi Cốc

19-01-2017 - 10:47 AM | Bất động sản

Hành vi xây dựng trái phép đã và đang ngang nhiên diễn ra tại khu vực Hồ Núi Cốc khiến nhiều doanh nghiệp tại Thái Nguyên thêm thất vọng bởi việc bị bỏ mặc sau khi kêu gọi đầu tư của tỉnh.

Cách đây chưa lâu, Báo Xây dựng đã có loạt bài phản ánh về việc Công ty CP Khách sạn du lịch công đoàn Hồ Núi Cốc coi thường pháp luật, xây dựng nhiều công trình “khủng” khi chưa được phép của các cơ quan chức năng. Sau đó, với sự vào cuộc kịp thời của chính quyền tỉnh Thái Nguyên, công trình xây dựng Bến thuyền Thiên Nga của doanh nghiệp này đã bị buộc phá dỡ, còn công trình Trung tâm thương mại, khách sạn sau khi các cơ quan chức năng xem xét đã được nghiên cứu cấp phép do xây dựng trong phạm vi quy hoạch đã phê duyệt.

Sau vụ việc trên, nhất là khi UBND tỉnh Thái Nguyên có Văn bản số 3710 yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động xây dựng trong khu du lịch vùng Hồ Núi Cốc, tiếp đó còn có cả Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, rồi thành lập hẳn Ban Chỉ đạo với sự chỉ đạo trực tiếp của ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh… Những tưởng các hoạt động xây dựng trái phép tại khu vực Hồ Núi Cốc nói riêng và của tỉnh Thái Nguyên sẽ giảm.

Thế nhưng, khảo sát gần đây của phóng viên (PV) Báo Xây dựng cho thấy tình trạng xây dựng không phép tại đây vẫn “diễn ra bình thường”, thậm chí những ngày cuối năm Bính Thân này, hiện tượng đua nhau xây dựng diễn ra phổ biến hơn. Tính sơ sơ chỉ trong vòng khoảng hơn 100m dọc đường Tố Hữu (đoạn gần Khách sạn Mỏ Việt Bắc, xã Tân Thái- huyện Đại Từ) đã có đến 4, 5 công trình đang được các hộ dân gấp rút xây dựng và hoàn thiện.

Điều đáng nói là những công trình xây dựng nói trên đều không được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng mà theo quy định của pháp luật hiện hành phải được cấp giấy phép xây dựng.

Tìm hiểu, PV được biết, sở dĩ các công trình xây dựng của các hộ dân nói trên không được cấp phép bởi khu vực này UBND huyện Đại Từ đã giao cho Doanh nghiệp tư nhân Anh Thắng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng bến tàu du lịch Hồ Núi Cốc và khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, nhà hàng ăn uống từ năm 2014.

Trước đó, để có công trình phục vụ Liên hoan trà quốc tế Thái Nguyên lần thứ nhất năm 2011, UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao cho Doanh nghiệp tư nhân Anh Thắng thực hiện Dự án xây dựng Bến tàu du lịch Hồ Núi Cốc. Doanh nghiệp đã giải ngân khoảng 50 tỷ đồng thực hiện dự án trên diện tích 20.000m2 được giao tạm thời với các hạng mục như: xây dựng bến tàu, khu neo đậu, mua sắm tàu cao tốc, xây trạm biến áp 350KV, khu nghỉ ngơi của khách,…

Theo đánh giá của ngành chức năng, đây là một trong số không nhiều dự án đăng ký đầu tư vào khu du lịch Hồ Núi Cốc thời điểm Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải công bố quy hoạch được nhà đầu tư rất tích cực triển khai. Tuy nhiên, nhiều năm qua, công trường vẫn phải dừng lại dang dở bởi không có mặt bằng sạch; dàn tàu cao tốc vẫn chưa thể nổ máy và có dấu hiệu xuống cấp, hỏng hóc do không được sử dụng, bảo dưỡng.

Theo quyết định của UBND huyện Đại Từ, diện tích đất giao cho Doanh nghiệp Anh Thắng còn hơn 260.000m2 nữa, trong đó vướng mắc lớn nhất là thuộc 17 hộ dân sinh sống dọc theo đường Tố Hữu kiên quyết không nhận bồi thường để giải phóng mặt bằng; đồng thời còn cố tình xây dựng trái phép, kiện tụng liên miên gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Trong khi đó, sự vào cuộc của chính quyền địa phương sau khi hoàn tất tổ chức Liên hoan trà lần thứ nhất năm 2011 đã không còn quyết liệt, thậm chí có dấu hiệu của sự buông lỏng quản lý, dẫn tới xây dựng trái phép tràn lan như Báo Xây dựng đã phản ánh.


Chỉ trong khoảng hơn 100m dọc đường Tố Hữu có đến 4, 5 gia đình ngang nhiên xây dựng nhà không có giấy phép.

Chỉ trong khoảng hơn 100m dọc đường Tố Hữu có đến 4, 5 gia đình ngang nhiên xây dựng nhà không có giấy phép.

Theo LS Nguyễn Đắc Thực, Giám đốc Công ty Luật Minh Thư, tại khoản 4, Điều 12, Luật Xây dựng 2014 quy định, xây dựng công trình sai quy hoạch, vi phạm chỉ giới, cốt xây dựng; không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp là hành vi bị cấm trong hoạt động xây dựng. Do đó, theo quy định tại khoản 2, Điều 118, Luật Xây dựng thì công trình xây dựng không có giấy phép phải bị phá dỡ toàn bộ hoặc phần vi phạm theo quy định.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 6 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP, chủ đầu tư, tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng (mà theo quy định phải có) thì có thể bị phạt tiền.

Đáng tiếc, với đầy đủ các văn bản, quy định pháp luật rõ ràng như thế, cũng như đầy đủ Ban, ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở, hành vi xây dựng trái phép đã và đang ngang nhiên diễn ra tại khu vực Hồ Núi Cốc khiến nhiều doanh nghiệp đang đầu tư thêm thất vọng bởi việc bị bỏ mặc sau khi kêu gọi đầu tư của tỉnh Thái Nguyên.

Theo Thái Nguyên Nhân

Báo xây dựng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên