MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN: Người Việt được, mất gì?

Tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), trong khi người dân có cơ hội tiếp cận sản phẩm chất lượng cao với mức giá cạnh tranh thì DN Việt lại lo không giữ được miếng bánh thị trường trong nước...

Trước quy định tự do dịch chuyển lao động nội khối AEC, Việt Nam vừa có cơ hội vừa có thách thức. Cụ thể, việc cho phép lao động thuộc 8 ngành: Du lịch, kiểm toán, kiến trúc, nha sỹ, bác sỹ, y tá, điều dưỡng viên được quyền tự do di chuyển tìm việc làm mà Cộng đồng ASEAN cho phép là một cơ hội cho các lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc để có thu nhập cao. Lao động Việt Nam hoàn toàn có thể có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các thị trường phát triển như Singapore, Thái Lan…

Cùng với đó, thị trường Việt Nam cũng sẽ “mở cửa” để đón nhận nguồn lao động chất lượng cao từ các nước phát triển này đến làm việc. Việc tự do dịch chuyển lao động này cũng chính là một cuộc cạnh tranh chất lượng lao động của mỗi quốc gia. Lao động của Việt Nam sẽ đối mặt với việc phải cạnh tranh với lao động của các nước trong khối liên kết ngay trên sân nhà. Vì thế, chính bản thân lao động của Việt Nam sẽ phải “cạnh tranh” lẫn nhau. Lúc này, đòi hỏi mỗi lao động phải nâng cao tay nghề, kỹ năng và tác phong làm việc thật sự chuyên nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Bích, Nguyên Vụ trưởng vụ Pháp chế (Bộ Tài chính): Được mua hàng nhập khẩu giá rẻ

Bà Nguyễn Thị Bích
Bà Nguyễn Thị Bích

Việt Nam đã cắt giảm 72% tổng Biểu thuế xuất nhập khẩu xuống 0% đến năm 2014. Từ năm 2015, thêm 1.720 dòng thuế được cắt giảm xuống thuế suất 0%. Đến năm 2016, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, tổng số 93% dòng thuế mà trong đó chủ yếu thuộc về hàng tiêu dùng đã về 0%.

Đơn cử như mặt hàng ô tô, theo Biểu thuế ưu đãi đặc biệt, trước thời điểm 1/1/2016 thuế nhập khẩu đối với ô tô nguyên chiếc từ ASEAN vào Việt Nam là 50% nhưng sang năm 2016 mức thuế giảm còn 40%. Dự kiến, năm 2017 thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc còn 30% và đến năm 2018 về 0% thì xe nhập khẩu vào Việt Nam sẽ nhiều hơn.Đáng chú ý, khi đàm phán nhiều mặt hàng quan trọng như: Bia, rượu, ô tô, muối, giấy, xăng dầu…

Việt Nam cắt giảm có lộ trình một cách rất thận trọng do một số mặt hàng nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện và một số mặt hàng để bảo vệ thị trường trong nước. Song đáng tiếc là các DN đã dâng thị trường trong nước cho doanh nghiệp ngoại.

Ông Trần kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT): Lợi thế cho nông sản Việt

Ông Trần kim Long
Ông Trần kim Long

Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ tạo cơ hội cho thị trường nông sản, đặc biệt là đối với một nước vốn thuần về nông nghiệp như Việt Nam. Hàng hóa của Việt Nam sẽ không chỉ được tiêu thụ tại thị trường 90 triệu dân mà là 600 triệu người.Bên cạnh những mặt tích cực, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong đó có hàng nông lâm thủy sản sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của hàng hóa các nước khác trên thị trường ASEAN.

Trong thời gian tới, AEC hình thành sẽ tạo ra thị trường chung, không còn rào cản hàng hóa, dịch vụ, vốn... Hàng hoá ở các nước thành viên ASEAN sẽ có mức thuế ưu đãi như nhau, khi đó sức cạnh tranh sẽ tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Trong khi đó, với thiết bị, công nghệ hiện nay, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh với sản phẩm xuất khẩu của các nước trong khối. Do đó, đòi hỏi cần phải tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp thông qua việc tăng cường thu hút đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, xuất khẩu, cải tiến mẫu mã quy cách sản phẩm...

Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh: Đi lại trong ASEAN, dân nhiều lựa chọn hơn

Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh

Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh

Ý tưởng thành lập một thị trường hàng không thống nhất ASEAN (ASEAN Single Aviation Market - ASAM), thực hiện Bầu trời mở ASEAN đã bắt đầu từ những năm 2000. Bầu trời mở giống như một sân chơi chung với các chính sách đồng nhất. Nghĩa là khi chúng ta có được đặc quyền này thì các hãng hàng không khác trong ASEAN cũng sẽ có đặc quyền đó.Đến thời điểm hiện tại, có thể nói, các hãng hàng không trong nước đều đã sẵn sàng cho Bầu trời mở. Thực chất, các hãng hàng không của Việt Nam đã có nhiều năm cạnh tranh trong môi trường tự do hóa rồi.

Trong khu vực Đông Nam Á, đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines đã cơ bản hoàn thiện mạng bay, khai thác với tần suất tương đối dày đặc. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đã đầu tư đội bay A321 (hơn 50 chiếc) phù hợp với việc khai thác trong khu vực. Các hãng mới như: Vietjet Air, Jetstar Pacific cũng đã bắt đầu khai thác tương đối tốt các thị trường ASEAN.Đối với hành khách, tôi cho rằng cái lợi nhất chính là cơ hội lựa chọn nhiều hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn.

Thực tế, thực hiện Bầu trời mở, số lượng tần suất bay được gia tăng, nhiều đường bay mới được mở. Chỉ ví dụ riêng đường bay Singapore - Việt Nam, hiện giờ có rất nhiều hãng hàng không đang khai thác như: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Singapore Airlines, Jetstar Asia, Silk Air, Tiger Air… với tổng số hơn 20 chuyến bay/ngày, bao gồm cả dịch vụ đầy đủ và dịch vụ tối thiểu, cả giá cao và giá rẻ.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): DN cần bình tĩnh trước thách thức

TS. Vũ Tiến Lộc
TS. Vũ Tiến Lộc

AEC không có cơ cấu chặt chẽ, tương đối lỏng và không có sự tương thích nhiều. Đây là tiến trình hội nhập chứ không phải là hiệp định, là khát vọng chứ không phải bắt buộc. Tham gia AEC nước ta sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi trong việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm và trình độ khoa học công nghệ quốc gia, đẩy mạnh tiến trình cải cách và cơ cấu nền kinh tế ngày một năng động hiệu quả.

Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp nước ta cũng còn tồn tại những thách thức như quy mô nhỏ, liên kết lỏng lẻo, năng suất lao động thấp, có đến 96% doanh nghiệp khu vực tư nhân đang hoạt động thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ, chỉ 4% còn lại thuộc doanh nghiệp lớn và vừa.Tham gia AEC, trước mắt sẽ không có nhiều thay đổi đáng kể so với hiện tại, bởi vẫn đang trong tiến trình thực hiện cam kết như lộ trình đặt ra. Do đó, các doanh nghiệp nên hết sức bình tĩnh. Tuy nhiên, vẫn cần sự chuẩn bị tích cực hơn để đón đầu cơ hội này.

AEC là một trong ba trụ cột của cộng đồng ASEAN, cùng với cộng đồng Chính trị - An ninh, cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Hiện tại, đây được đánh giá là khu vực phát triển sôi động trên thế giới với hơn 640 triệu dân, tổng GDP khoảng 2.480 tỷ USD và kim ngạch thương mại đạt 2.530 tỷ USD vào năm 2014.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN được xây dựng trên cơ sở các cam kết hiện tại gồm: Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) 2009; Hiệp định khung về thương mại dịch vụ ASEAN (AFAS) 1995; Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) 2009...

Theo Cao Sơn - Hoàng Ngân - Thanh Bình

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên