MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thâm hụt thương mại: Liệu đã đáng lo?

08-06-2019 - 16:23 PM | Thị trường

Bức tranh thương mại Việt Nam trong các tháng đầu năm gắn liền với 2 nét vẽ, gồm tăng trưởng xuất khẩu sụt giảm theo xu hướng chung của thế giới và tăng trưởng nhập khẩu duy trì ở mức cao do nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng mạnh.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 202 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trong 5 tháng đầu năm. Cụ thể, tổng giá trị xuất khẩu đạt 100,7 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt gần 101,3 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm. Cán cân thương mại ước tính thâm hụt gần 0,6 tỷ USD so với mức thặng dư 3,1 tỷ USD cùng kỳ 2018.

Nhìn chung, bức tranh thương mại Việt Nam trong các tháng đầu năm gắn liền với 2 nét vẽ, gồm tăng trưởng xuất khẩu sụt giảm theo xu hướng chung của thế giới và tăng trưởng nhập khẩu duy trì ở mức cao do nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng mạnh. Hệ quả tất yếu gắn với sự chuyển đồi trạng thái cán cân thương mại đột biến từ thặng dư (3,1 tỷ USD) sang thâm hụt (0,6 tỷ USD).

Đi sâu vào cơ cấu các nhóm hàng xuất-nhập khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, VDSC ghi nhận một số sự thay đổi quan trọng. Xét trên khía cạnh xuất khẩu, tăng trưởng xuất khẩu đạt mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Trong đó, doanh thu xuất khẩu nhóm hàng nông sản và khoáng sản giảm mạnh so với cùng kỳ. Tăng trưởng xuất khẩu của sản phẩm công nghiệp, ngành chủ lực trong nền kinh tế, cũng suy yếu và chỉ đạt 8,6% cùng kỳ 2018. Tăng trưởng xuất khẩu điện thoại và linh kiện (chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu) sụt giảm vẫn là yếu tố then chốt trong khi tốc độ tăng khá của các ngành dệt may, giày dép, đồ gỗ và máy vi tính, linh kiện điện tử, chưa thể khỏa lấp chỗ trống.

Ở khía cạnh nhập khẩu, tại góc nhìn của nhà điều hành với sự phân loại hai nhóm hàng hóa chính, gồm nhóm hàng cần nhập khẩu và hàng cần kiểm soát nhập khẩu tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của nhóm cần kiểm soát tăng rất cao, đạt gần 25% so với cùng kỳ năm. Trong đó, phần lớn là các sản phẩm tiêu dùng như ô tô, hoa quả và máy ảnh, máy quay phim. Nếu như việc các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu ô tô sau khi dần đáp ứng tiêu chuẩn của nghị định 116 thì việc nhập khẩu hoa quả tăng mạnh trở nên khá khó hiểu. Đáng chú ý, Thái Lan và Trung Quốc là hai thị trường cung cấp hoa quả chính cho Việt Nam trong khi bản thân hoa quả Việt Nam đang gặp khó trong khâu đầu ra.

Thâm hụt thương mại: Liệu đã đáng lo? - Ảnh 1.

Tăng trưởng nhập khẩu 5 tháng đầu năm.

Trong nhóm hàng cần nhập khẩu, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa cơ bản, gồm dầu thô và than đá, tăng đột biến để cung cấp cho các dự án lọc dầu và nhiệt điện than. Điểm đáng chú ý, dựa trên số liệu và phân loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), Việt Nam cũng đã chi ra gần 0,8 tỷ USD mua máy móc từ Trung Quốc để phục vụ các dự án điện mặt trời trong 3 tháng đầu năm nay. Ngoài ra, khu vực doanh nghiệp trong nước cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu máy vi tính, linh kiện điện tử và máy móc các loại, lần lượt đạt 2,6 và 5,5 tỷ USD trong 4 tháng 2019 so với 0,9 và 4,4 tỷ USD cùng kỳ 2018.

Xét theo các khu vực địa lý, tăng trưởng nhập khẩu cao hơn tăng trưởng xuất khẩu tại hầu hết các thị trường, ngoại trừ Bắc Mỹ. Đối với khu vực này, xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện điện tử tăng gần gấp đôi là điểm nhấn chính. Các nhóm hàng hóa như dệt may, giấy, sắt thép, gỗ, thủy sản và hàng thực phẩm chế biến sẵn đều tăng trưởng 2 con số.

Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2019, VDSC có quan điểm lạc quan hơn về cán cân thương mại của Việt Nam, đặc biệt kể từ quý 3/2019. VDSC kỳ vọng giá trị xuất khẩu sẽ tăng trưởng tích cực hơn trong khi nhu cầu nhập khẩu giảm, do tính mùa vụ và sự kiểm soát của nhà nước. Cụ thể, hai nhóm hàng, nông sản và hàng điện tử, chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ tăng trưởng tốt hơn. Với nhóm hàng nông sản, xuất khẩu hoa quả sang Trung Quốc có dấu hiệu tăng trở lại khi đạt trên 450 triệu USD vào tháng 4, tăng gần 30% so với tháng 3 và cùng kỳ năm trước.

Gắn với nhóm hàng điện tử, mùa vụ sản xuất của các tập đoàn lớn thường rơi vào tháng 7/tháng 8 gắn với sự kiện ra mắt các dòng sản phẩm mới. Quan sát diễn biến nhập khẩu và sản xuất hàng điện tử, linh kiện, VDSC nhận thấy các chỉ số sản xuất của ngành này tại các thủ phủ lớn như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội. Hồ Chí Minh và Hải Phòng đều tăng tốt trong tháng 5, đi kèm với tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa.

Trên khía cạnh nhập khẩu, VDSC cho rằng nhu cầu nhập khẩu than (tăng 75% so với cùng kỳ 2018 trong 5 tháng đầu năm 2019) có thể sẽ giảm so với đầu năm do nguồn cung thủy điện dồi dào vào mùa mưa và lượng khí cung cấp ổn định. Ngoại trừ năm 2018, VDSC nhận thấy tỷ trọng đóng góp sản lượng điện của nhiệt điện than có thể giảm 10% trong 2 quý cuối năm. Theo chia sẻ của chuyên viên ngành điện, một số dự án nhiệt điện có thể đi vào hoạt động trong nửa cuối năm 2019, gồm Vĩnh Tân 4 và Duyên Hải 3 mở rộng nhưng nhu cầu than không quá cao.

Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu ô tô trong nửa cuối năm 2019 có thể thấp hơn nửa đầu năm 2019 do từ giữa năm 2018, các doanh nghiệp đã dần đáp ứng Nghị định 116 và nhập khẩu mạnh trở lại. Trong khi đó, chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có động thái kiểm soát lượng rau quả nhập khẩu trong bối cảnh tiêu thụ hàng trong nước gặp khó khăn. Dầu thô có lẽ là hàng hóa cơ bản duy nhất có thể sẽ tiếp tục tăng về sản lượng nhập khẩu. Tuy nhiên, giá dầu thô thế giới đang giảm đột ngột trong gần 1 tuần qua.

Ngọc Anh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên