MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham nhũng trong ngành tài chính, ngân hàng vẫn nghiêm trọng

24-10-2017 - 10:59 AM | Tài chính - ngân hàng

Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội...

Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.

Theo Chính phủ công tác phòng chống tham nhũng tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá. Và vẫn như mọi năm, tài chính, ngân hàng vẫn nằm trong nhóm lĩnh vực mà tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi.

Báo cáo cũng điểm danh một số vụ án điển hình trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Như PC46 Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thu Thúy, nhân viên giao dịch Vietinbank Bắc Giang về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. PC46 Công an tỉnh An Giang khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Mỹ Hoàng, thủ quỹ kiêm thủ kho Phòng giao dịch Cái Dầu - BIDV chi nhánh Long Xuyên về tội tham ô tài sản...

Phân tích nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong phòng chống tham nhũng, báo cáo nêu: thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở, nhất là trong quản lý tài nguyên, khoáng sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý thị trường tài chính, ngân hàng...

Kỷ cương, kỷ luật trên nhiều ngành, lĩnh vực còn buông lỏng; cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực qua công tác thanh tra, điều tra, kiểm tra, giám sát hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu khá nhiều con số cụ thể. Như cơ quan điều tra trong công an nhân dân đã thụ lý điều tra 354 vụ án, 785 bị can phạm tội về tham nhũng (khởi tố mới 202 vụ, 438 bị can so với cùng kỳ năm trước tăng 60 vụ, 103 bị can).

Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 255 vụ, 571 bị can (trong đó án mới 215 vụ, 527 bị can).

Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 345 vụ với 799 bị cáo (giảm 4,4% số vụ), đã xét xử sơ thẩm 205 vụ, 433 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng 5,7% số vụ). Trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 49,7% (tăng 2% so với cùng kỳ). Số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 15,7% (tăng 3,7% so với cùng kỳ) . Có 8 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân (tăng 60% so với cùng kỳ năm 2016).

Theo báo cáo, các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại trên 1.521 tỷ đồng và 77.057m­2 đất, đã thu hồi 329 tỷ 691 triệu đồng, 314.000 USD và 3.700 m2 đất, kê biên 5 bất động sản, 1 xe ô tô Lexus, 1 xe ô tô Audi, 1 xe ô tô Porche và dây chuyền trị giá 1,6 triệu USD (năm 2016 tỷ lệ thu hồi đạt 38,3%).

Đánh giá chung, Chính phủ nhìn nhận, qua các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng được phát hiện, xử lý, Chính phủ, các ngành, các cấp đã nhận diện được những sơ hơ, bất cập cả trong cơ chế, chính sách và nhất là trong khâu tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra, giám sát… từ đó có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục, nên năm 2017 cũng như thời gian tới sẽ hạn chế các vụ việc nghiêm trọng tương tự xảy ra.

Về phương hướng năm tới, Chính phủ cho biết sẽ tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ…; kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội.

Theo Hà Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên