MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấm thía cách dạy con làm giàu chẳng giống ai của tỷ phú kim cương Ấn Độ: Nghiêm khắc nhưng cần thiết nếu muốn trẻ hiểu được giá trị đồng tiền!

11-03-2019 - 22:28 PM | Sống

Với mong muốn con trai học được giá trị của đồng tiền, một tỷ phú kim cương Ấn Độ đã có quyết định hết sức “táo bạo”: Đẩy con ra đường kiếm sống như người nghèo.

Vị tỷ phú này là Savji Dholakia, 54 tuổi, sở hữu công ty kim cương trị giá 855 triệu USD có mặt tại 71 quốc gia trên toàn thế giới. Con trai ông là Dravya Dholakia, 21 tuổi, hiện học Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Mỹ.

Trong một đợt về Ấn Độ nghỉ hè, Dravya đã được bố mình đưa đến thành phố Kochi - nơi không ai biết về gia thế “khủng” của cậu - để học cách tự mình kiếm tiền. Tại đây, ông Savji chỉ đưa cho cậu 3 bộ quần áo và 7.000 Rupee (2,2 triệu đồng) để dùng trong trường hợp khẩn cấp.

“Tôi đưa ra 3 điều kiện với Dravya. Thứ nhất, nó phải tự mình lao động để kiếm tiền. Thứ hai, nó không được làm ở nơi nào quá 1 tuần. Cuối cùng, thằng bé không được phép dùng danh tiếng của tôi, điện thoại, hoặc 7.000 Rupee đem theo trong vòng một tháng,” ông Savji Dholakia nói với tờ Times of India.

Thử thách này là một trong những truyền thống lâu đời tại nhà Dholakia. 4 người con trước của vị tỷ phú kim cương này cũng từng trải qua hoàn cảnh tương tự tại các thành phố khác ở Ấn Độ.

“Tôi muốn thằng bé hiểu được cuộc sống, cũng như biết được người nghèo đã phải khó khăn, vất vả như thế nào để làm việc và kiếm tiền. Không trường đại học nào dạy bạn những kỹ năng sống này, ngoài việc tự mình trải nghiệm,” vị tỷ phú kết luận.

Thấm thía cách dạy con làm giàu chẳng giống ai của tỷ phú kim cương Ấn Độ: Nghiêm khắc nhưng cần thiết nếu muốn trẻ hiểu được giá trị đồng tiền! - Ảnh 1.

Cách dạy con làm giàu của tỷ phú người Ấn Độ tuy vô cùng nghiêm khắc nhưng là bài học bổ ích cho bất kỳ bậc phụ huynh nào muốn con hiểu được giá trị của đồng tiền.

Dravya ngay lập tức chấp nhận thử thách. Cậu chọn một địa điểm mà mình không quen thuộc cũng như không biết tiếng để tìm việc làm. “Thằng bé đến Kochi, vì nó không biết tiếng Malayalam, mà ở đó tiếng Hindi lại không phổ biến,” ông Savji Dholakia cho biết. Dravya không biết điều gì sẽ chờ mình ở phía trước.

“Suốt 5 ngày trời, tôi không tìm được việc, cũng chẳng có chỗ ở tử tế. Tôi phát điên vì bị hơn 60 chỗ khác nhau từ chối, bởi ở đây tôi là một người lạ. Chỉ trong vài ngày, tôi đã hiểu cảm giác bị từ chối và giá trị của công việc là như thế nào,” chàng trai trẻ cho biết.

Giả vờ làm một học sinh lớp 12 có xuất thân nghèo khó đến từ Gujarat, Dravya đã kiếm được công việc đầu tiên của mình trong một cửa hàng bánh ngọt tại Cheranelloor. Sau đó, cậu làm việc cho một trung tâm chăm sóc khách hàng, một cửa hàng giày dép, thậm chí là cả nhà hàng McDonalds trong thành phố, và kiếm được số tiền 4.000 Rupee/tháng (1,3 triệu đồng).

“Tôi chưa bao giờ phải lo lắng về vấn đề tiền nong trong đời. Vậy mà ở đây, tôi buộc phải chật vật kiếm từng bữa ăn có giá 40 Rupee (13.000 đồng). Tôi cần thêm 250 Rupee (82.000 đồng) nữa mỗi ngày để ở trọ,” Dravya nhớ lại.

Khi thử thách kết thúc, Dravya đã quay trở lại tất cả những nơi mà cậu từng làm việc và tặng quà cho đồng nghiệp cũ của mình. Dù là bạn cùng phòng, bảo vệ, hay nhân viên photocopy, bất cứ ai đã từng giúp cậu trong một tháng đó đều được đền đáp.

Thấm thía cách dạy con làm giàu chẳng giống ai của tỷ phú kim cương Ấn Độ: Nghiêm khắc nhưng cần thiết nếu muốn trẻ hiểu được giá trị đồng tiền! - Ảnh 2.

Dravya Dholakia phải tự mình bươn chải để kiếm tiền trong 1 tháng ở Kochi.

Và đây là những gì Dravya Dholakia đã học được trong một tháng ở Kochi:

Hiểu được giá trị của đồng tiền

“Gần đây, khi đang ở Ahmedabad, tôi đột nhiên cảm thấy rất khát. Tôi có thể mua chai nước khoáng 500 ml từ một cửa hàng pizza gần đó với giá 40 Rupee (13.000 đồng). Thế nhưng, tôi quyết định chờ cho tới khi tìm được một tiệm tạp hóa nhỏ bán chai nước đó với giá chỉ 10 Rupee (3.000 đồng).

Sau khi phải làm việc 12 tiếng/ngày mà chỉ nhận được 300 Rupee (100.000 đồng), tôi đã biết tiêu tiền thế nào cho khôn.”

Trân trọng những thứ mình đang có

“Cách đây 6 tháng, tôi đã thật ngu ngốc khi định mua một chiếc đồng hồ sang chảnh có giá 45.000 Rupee (14,5 triệu đồng). Tôi luôn nhận được những thứ đồ đắt tiền từ cha mẹ mà không cần đòi hỏi. Thế nhưng, tôi không biết trân trọng những thứ mà mình có.

Tôi luôn phàn nàn về đồ ăn ở nhà. Nhưng tại Kochi, tôi phải sống bằng rau xào, súp rau và cơm mỗi ngày. Kể từ đó, tôi biết quý trọng đồ ăn mẹ nấu. Tại Kochi, tôi phải cân nhắc mua đồ ở đâu trong số 30 cửa hàng khác nhau, bởi tôi chỉ có 40 Rupee trong túi.

Trước kia, tôi rất để ý đến sức khỏe của mình và tránh ăn bột maida. Nhưng khi ở Kochi, tôi thường ăn loại bột này vì nó no lâu. Nhờ vậy, tôi sẽ ít bị đói và đỡ tốn tiền mua đồ ăn. Cuối cùng tôi cũng hiểu được: chúng ta ăn để tồn tại.”

Thấm thía cách dạy con làm giàu chẳng giống ai của tỷ phú kim cương Ấn Độ: Nghiêm khắc nhưng cần thiết nếu muốn trẻ hiểu được giá trị đồng tiền! - Ảnh 3.

Biết khiêm nhường

“Có những người đối xử với tôi như một thằng hầu. Có những người còn chẳng thèm gọi tôi bằng tên. Họ luôn nói: “Này cậu, lại đây!” Nhưng khi biết tôi là ai, họ đột ngột trở nên tử tế và lịch sự.

Tôi thực sự không hiểu một điều: chúng ta đang tôn trọng đồng tiền hay con người? Tôi đã học được cách tôn trọng tất cả mọi người, dù họ thuộc tầng lớp nào trong xã hội đi nữa.”

Có tấm lòng nhân hậu

“Tại Kochi, chủ cửa hàng giày đuổi tôi chỉ sau 2 ngày làm việc bởi vì tôi không cười. Nhờ đó, tôi học được cách biết quan tâm đến người khác. Không như ông chủ đó, tôi sẽ không sa thải ai chỉ vì người đó không cười. Tôi sẽ cố gắng tìm hiểu lý do tại sao người đó lại không vui và chỉ ra vấn đề.

Ngoài ra, tôi sẽ tận dụng tối đa kỹ năng làm việc của mọi người, dù họ có cười hay không. Các nhà tuyển dụng hay chủ cửa hàng cần phải biết cách lịch sự và cảm thông hơn.”

Học cách thích nghi

“Tôi đã học được cách thích nghi trong từng hoàn cảnh và với những con người khác nhau. Trong hai ngày đầu ở Kochi, tôi đã khóc vì không biết cách tiếp cận mọi người hay xử lý tình huống. Tôi phải ở trong một phòng trọ dơ dáy với một chiếc bồn cầu bẩn thỉu. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ rơi vào hoàn cảnh này.

Giờ đây, mỗi khi cảm thấy khó chịu với điều gì đó, tôi sẽ nhắm mắt lại và nhớ về những tháng ngày ở Kochi. Nhờ thế, tôi sẽ cảm thấy hài lòng hơn với hiện thực. Thay vì than vãn, tôi biết trân trọng từng khoảnh khắc hiện tại. Tôi biết ơn mỗi bữa ăn trong đời và khoảng thời gian tôi được ở bên gia đình mình.”

Biết thương xót, động lòng trắc ẩn

“Mọi người đã tin tưởng và giúp đỡ tôi khi tôi chẳng có công ăn việc làm hay tiền bạc trong tay. Họ chẳng được lợi gì từ việc này cả, nhưng họ vẫn quyết định dang tay cứu giúp”.



Ngọc Hà

Times of India

Trở lên trên