MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thận trọng khi thông qua danh mục giấy phép con

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc cho rằng việc thông qua dự thảo bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư là cập rập, cần có thêm ý kiến từ các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp

Phóng viên: Với Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, quan điểm của ông thế nào về việc Chính phủ đưa thêm ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện?

- Ông Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính TP HCM - HFIC: Trước hết là phải tôn trọng thực sự các hiệp định thương mại song phương, đa phương chúng ta đã ký, sau đó mới bàn đến những cách để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong nước. Chúng ta quyết tâm phải có ngành công nghiệp này.

Như vậy, về ý chí là Chính phủ rất quyết tâm. Về điều kiện, chúng ta đã có tiền đề cho lĩnh vực ô tô, đặc biệt là có DN lớn làm rất tốt, sản lượng tiêu thụ cũng rất lớn. Vì vậy, phải ủng hộ và hỗ trợ theo hướng một mặt tôn trọng các hiệp định đã ký, một mặt hỗ trợ bằng những cách, như ưu đãi thuế, hạ tầng, đất đai, các nguồn lực, phân phối sản phẩm, quảng bá tiếp thị sản phẩm… Làm tốt những cách đó thì sẽ tạo được ý thức của người tiêu dùng ủng hộ các sản phẩm công nghiệp, nói cách khác là đầu ra tốt thì đầu tư, sản xuất sẽ tốt.

Đúng là cần hỗ trợ sản xuất trong nước nhưng đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện thì DN nhỏ có thể không cạnh tranh được?

- Chúng ta vẫn còn dư địa về mặt thời gian khi các hiệp định phải 2-3 năm nữa mới có giá trị thực thi. Thời gian này, cần tranh thủ đầu tư những ngành mình muốn tập trung đầu tư. Đặc biệt, các DN phải chủ động tranh thủ các định chế liên quan đến ký kết với nước ngoài, quy định của luật pháp để nhận thức được nội lực của mình, từ đó có những tính toán phù hợp.

Cuối cùng thì tất cả phải bình đẳng, phải cạnh tranh. DN trong nước hay ngoài nước đều phải khẳng định được sức mạnh nội tại, khẳng định được thương hiệu sản phẩm của mình trên thương trường. Nhà nước hỗ trợ là có giai đoạn, có lúc, có nơi.

Vẫn còn những ý kiến cho rằng có nguy cơ ngành công nghiệp sẽ rơi hết vào tay DN lớn khi chúng ta xác lập thêm các điều kiện kinh doanh - hay còn được hiểu là các giấy phép con?

- Tôi không nghĩ như vậy. Một DN thực sự mạnh thì sẽ cần những DN nhỏ và vừa trong việc đáp ứng yêu cầu phân công lao động. Đó là quy luật của sản xuất. Không bao giờ một người có thể cầm trịch cả một ngành công nghiệp. Khi có DN lớn thì buộc sẽ xuất hiện những DN nhỏ và vừa trong việc cung ứng, sản xuất những ngành phụ trợ để hỗ trợ, giúp đỡ hình thành sản phẩm chuyên môn nhằm hoàn thiện sản phẩm cuối cùng. Một DN phát triển mạnh thì buộc phải phân đoạn để nhiều DN tham gia. Họ chỉ chọn những cái gì có thế mạnh để tập trung đầu tư, còn lại giao cho DN vừa và nhỏ. Lúc đó, lợi thế của DN vừa và nhỏ có thể lớn hơn chứ không phải là mất cơ hội.

Tôi muốn lưu ý rằng DN phải biết nhìn ra vấn đề, phải củng cố nội lực của mình bởi chắc chắn thời gian ngắn sắp tới buộc phải sòng phẳng, phải công bằng hết. Như thế thì nhà nước mới ủng hộ, hỗ trợ chứ không lẽ cứ “nuôi” DN hoài mà không lớn.

Dự thảo danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện còn rất nhiều ý kiến quan ngại, nhiều vấn đề liên quan đến hàng loạt ngành nghề. Năm năm tới, trong cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ đặc biệt hỗ trợ vượt trội cho các thành phần kinh tế. Do vậy, việc thông qua danh mục này là cập rập. Vì thế, nên có những hội thảo để hiệp hội ngành nghề, hiệp hội DN tham gia góp ý thêm và hy vọng kỳ họp thứ 3 sẽ trình QH.

Tổng Thư ký Quốc hội NGUYỄN HẠNH PHÚC:

Không phải vấn đề bức xúc

Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có được thông qua hay không còn phụ thuộc vào ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Khi xin ý kiến ĐBQH thấy đồng tình thì thông qua, không thì để lại. Vừa qua, còn nhiều ý kiến khác nhau. Hơn nữa, thực sự đấy cũng không phải là vấn đề bức xúc buộc phải tháo gỡ ngay, chưa thông qua thì cũng chưa ảnh hưởng lớn đến đầu tư kinh doanh.

Chiến lược của chúng ta là phát triển công nghiệp ô tô nội địa để khai thác thị trường với dân số hàng trăm triệu người. Nếu không thì sẽ chỉ hầu như nhập khẩu thôi, tỉ lệ nội địa hóa sẽ giảm. Như vậy, mình đang có lợi thế lại thành ra mất lợi thế.

Đại biểu LÊ THANH VÂN (Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:

Còn nhầm lẫn!

Phiên thảo luận của QH về dự thảo này, nhiều ĐBQH còn có ý kiến khác nhau. Nếu ban soạn thảo thuyết trình một cách thuyết phục lý do vì sao đưa một ngành nghề vào diện buộc có điều kiện mới sản xuất thì sẽ được ĐBQH và cả xã hội đồng thuận.

Bây giờ còn nhầm lẫn giữa định nghĩa về điều kiện kinh doanh và quy chuẩn kỹ thuật dẫn đến cách hiểu và nhận thức khác nhau. Điều kiện kinh doanh là áp dụng với loại hình sản xuất kinh doanh có tính phổ biến; còn quy chuẩn kỹ thuật thiên về sản xuất, là yếu tố bảo đảm cho sản xuất hàng hóa. Phân biệt được 2 khái niệm này thì sẽ dễ dàng quyết đưa hay không đưa kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô vào ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo Phương Nhung thực hiện

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên