MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thận trọng với tăng trưởng tín dụng

30-06-2017 - 12:46 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngành NH đã nỗ lực đẩy vốn vào nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng GDP và đạt được kết quả khá khả quan.

Sau khi các con số thống kê được công bố cho thấy tăng trưởng GDP những tháng đầu năm đạt thấp hơn kỳ vọng, Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành Chỉ thị, Nghị quyết và giao nhiều trọng trách đối với NHNN, yêu cầu chỉ đạo các TCTD tạo điều kiện tối đa để DN vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Trong điều kiện hiện nay, duy trì được tốc độ tăng trưởng như dự báo cũng đã là một tín hiệu rất tích cực

Trong điều kiện hiện nay, duy trì được tốc độ tăng trưởng như dự báo cũng đã là một tín hiệu rất tích cực

Tín dụng bẩy tăng trưởng

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2017, một lần nữa người đứng đầu Chính phủ yêu cầu NHNN có biện pháp cụ thể phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để giảm chi phí vốn cho DN, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 vượt mức kế hoạch 18% để thúc đẩy tăng trưởng; cơ cấu tín dụng hợp lý, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống…

Trên tinh thần đó, ngành NH đã nỗ lực đẩy vốn vào nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng GDP và đạt được kết quả khá khả quan. Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, đến 20/6/2017, tăng trưởng tín dụng đạt 7,54%. Đây cũng là mức tăng trưởng cao trong vòng 5-6 năm trở lại đây của hệ thống NH. Điểm tích cực nữa là tín dụng tăng dần qua các tháng, ngay từ đầu năm, chứ không “dồn nén” vào những tháng cao điểm cuối năm như trước đây.

Vốn chảy vào nền kinh tế đã phần nào phát huy hiệu quả hỗ trợ tích cực tăng trưởng GDP. Dù chưa như kỳ vọng, nhưng nhìn vào tăng trưởng GDP quý II so sánh với quý I có sự cải thiện rất mạnh, cho thấy những tín hiệu lạc quan hơn trước. Số liệu cập nhật trong sáng ngày 29/6 của Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng kinh tế quý II/2017 đạt 6,17% (quý I chỉ tăng 5,15%). Tính chung 6 tháng đầu năm 2017, GDP ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước.

Câu hỏi đặt ra là nếu tín dụng duy trì đà tăng như hiện tại thì có thể cả năm sẽ vượt qua mục tiêu tín dụng tăng 18%. Vậy, khi chính sách tiền tệ tiếp tục chịu “gánh nặng” hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, điều gì sẽ xảy ra và NHNN sẽ xử lý như thế nào? Trả lời câu hỏi trên, theo một chuyên gia NH, nếu xét yếu tố về mùa vụ thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Dù không tăng quá đột biến như cách đây 3 – 4 năm, khi tín dụng thường bị dồn nén vào thời điểm cuối năm, nhưng vị chuyên gia trên chắc chắn, dư nợ tín dụng trong 6 tháng cuối năm sẽ có mức tăng vượt trội.

Thừa nhận tín dụng tăng trưởng nhanh cũng giúp nền kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng, nhưng đứng về mặt bền vững, theo nhìn nhận của một chuyên gia kinh tế khác, điều này không nên kéo dài thêm nữa. “Trước đây, chúng ta nghĩ rằng đẩy mạnh tín dụng giúp tăng được GDP lên. Nhưng hiện nay, đẩy mạnh tín dụng chỉ giúp GDP không tăng thấp đi chứ không đẩy mạnh GDP lên, bởi vấn nạn nợ xấu của nền kinh tế còn đó”, vị này diễn giải thêm.

Nhận định trên trùng khớp với đánh giá của TS. Cấn Văn Lực: “Trong tính toán chạy mô hình của nhóm nghiên cứu chúng tôi tại 52 nước thu nhập trung bình thấp, trong đó có Việt Nam, tín dụng tăng trưởng được 10% thì GDP cũng chỉ tăng thêm 0,5%. Như vậy, mối quan hệ tín dụng, tăng trưởng kinh tế không phải là chặt chẽ”. Đó là chưa kể tín dụng NH chiếm khoảng 58% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nếu như muốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hiệu quả, 42% vốn liếng còn lại cũng phải phát huy hiệu quả mới đạt được mục tiêu đề ra, ông Lực lưu ý.

Có nên lo “vượt rào” kế hoạch?

Nhìn tổng thể diễn biến kinh tế vĩ mô, theo nhận định của một số công ty chứng khoán, áp lực nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng vẫn đang rất lớn, nhất là trong bối cảnh Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu GDP đạt mức tăng 6,7% trong năm nay và chính sách tài khóa đang có vướng mắc nhất định trong việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách. Khi chính sách tài khóa không có sự hỗ trợ tốt, tăng trưởng sẽ đặt nhiều gánh nặng hơn lên vai chính sách tiền tệ. Do vậy, sẽ không ngạc nhiên nếu tín dụng của các NH tiếp tục tăng nhanh trong những tháng cuối năm.

Tín hiệu kinh tế vĩ mô tích cực hơn, NH hoàn toàn có thể đẩy mạnh cho vay nhiều hơn, nhưng các NH đang tỏ ra thận trọng trong việc nới tay cấp tín dụng. Lãnh đạo một NH tiết lộ, muốn mở rộng tín dụng cao hơn, NH phải tăng thêm được vốn. Nhưng hiện tại NH chưa thực hiện được tăng vốn. Do đó, nếu cho vay mạnh tay, đụng trần thì NH lại phải xin phép NHNN nới room tín dụng. Mà điều này thì không hề dễ dàng.

Lãnh đạo Vụ chức năng cũng khẳng định: Quan điểm của cơ quan quản lý là tiếp tục kiên định giữ ổn định thị trường. Việc nới hay không nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ được xem xét cực kỳ thận trọng, đặc biệt là có cân nhắc các chỉ số liên quan đến sức khoẻ NH, nên không có chuyện xin là được.

Hết sức thận trọng trong việc nới room tín dụng cũng là quan điểm của TS. Cấn Văn Lực. Theo ông, vốn đầu tư chỉ là một trong 3 cấu phần cho tăng trưởng kinh tế. Ngoài vốn đầu tư, hai cấu phần là nhân tố năng suất tổng hợp và nguồn lực lao động có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu chúng ta cố đẩy tín dụng tăng trưởng cao quá sẽ đối mặt với rủi ro có thể phát sinh trong tương lai, như một số khoản tín dụng chảy vào chỗ không hiệu quả. Đồng thời còn gây ra áp lực lạm phát…

Cho rằng phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao là cần thiết, nhưng ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cảnh báo không nên đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm nay ở mức 6,7% bằng mọi giá. Bản thân tốc độ tăng trưởng như dự báo hiện nay khoảng 6,3-6,4% thì Việt Nam cũng đã là một nền kinh tế tăng trưởng cao trong khu vực, cũng như là một môi trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Để kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững, trong ngắn hạn theo quan điểm của ông Thành, điều hành các chính sách đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu, không nên thúc đẩy bằng cách mở rộng chính sách tài khóa hay chính sách tiền tệ hơn nữa. Thay vào đó, Chính phủ cần tập trung vào ổn định môi trường đầu tư, đảm bảo thuận lợi trong môi trường kinh doanh.

“Nói cách khác, trong ngắn hạn không phải là “buông” các chính sách tiền tệ, hay khai thác dầu thô để cố đạt được mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá mà trong điều kiện hiện nay, duy trì được tốc độ tăng trưởng như dự báo cũng đã là một tín hiệu rất tích cực. Trong trung hạn vẫn là các nỗ lực để đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả. Cái đấy mới đảm bảo tăng trưởng bền vững”, ông Nguyễn Xuân Thành nêu quan điểm.

Theo Hà Thành

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên