MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tháng 5 rực rỡ: Chỉ trong vòng 1 tháng, hàng loạt cổ phiếu đã tăng gấp đôi, gấp ba

Sell in May ư? Chưa kể việc VN-Index chinh phục đỉnh mới trong tháng 5, thì đối với riêng nhóm penny, đây là tháng "bán thua, mua là thắng".

1 tháng gần đây, thị trường chứng khoán chứng kiến sự trỗi dậy quyết liệt của hàng loạt penny với mức sinh lời “khủng khiếp”. Với những chuỗi tăng trần không ngừng nghỉ, giá của nhiều cổ phiếu đã tăng gấp đôi, gấp ba và nhiều penny đã thoát kiếp dưới mệnh giá.

Nổi tiếng nhất phải kể đến QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai. QCG tăng 16 phiên trần liên tiếp từ ngày 26/04 – 19/05 và dù không tăng trần liên tục, vẫn đi lên cho đến phiên hôm qua (25/05). Từ mức giá chỉ quanh 5.000 đồng, QCG đang có giá 22.800 đồng, ghi nhận mức tăng trên 250% trong vòng một tháng.

Bất chấp con số lợi nhuận quý 1/2017 vỏn vẹn 2,4 tỷ đồng, nhà đầu tư say mê với QCG trước triển vọng tái cơ cấu khi doanh nghiệp này bán đi dự án Phước Kiển để lấy tiền trả nợ cho BIDV. Vào cuối quý 1, vay nợ ngắn hạn của Quốc Cường Gia Lai giảm mạnh, từ mức 1.788 tỷ đồng đầu năm xuống chỉ còn 332 tỷ đồng.

Có tiền, doanh nghiệp cũng vui mừng dự kiến trả cổ tức cho năm 2017 bằng tiền với tỷ lệ 8,6%.

Một cổ phiếu có thanh khoản khá tốt và tăng trưởng trên 200% là NDF của CTCP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định. Mức tăng giá này khiến nhiều người không ngờ bởi cổ phiếu đang ở trong diện bị cảnh báo do LNST năm 2016 và LNST chưa phân phối tại cuối năm 2016 là số âm, bên cạnh đó, triển vọng ngành kinh doanh thịt lợn cũng không sáng sủa gì trong lúc này.

CTCP Xây dựng công nghiệp (mã chứng khoán: ICC ) chứng kiến mức tăng giá gấp 3 lần từ 20.300 đồng lên 53.400 đồng. ICC có các chỉ tiêu tài chính rất hấp dẫn nhưng trước đây, thanh khoản của cổ phiếu gần như bằng 0 do cơ cấu cổ đông rất cô đặc. Cùng với sự đi lên về giá, thanh khoản của ICC đã cải thiện đôi chút. Đây là doanh nghiệp đã có KQKD đột biến trong năm 2016 khi doanh thu của ICC đạt 1.025 tỷ đồng – tăng 125% so với năm 2015 và lợi nhuận sau thuế tăng 173% lên tới 160 tỷ đồng. Theo đó, EPS năm 2016 đạt 42.157 đồng.

Không kém cạnh QCG, cổ phiếu SGT của CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn – một doanh nghiệp do ông Đặng Thành Tâm làm chủ tịch cũng thể hiện tốc độ tăng khủng của mình qua 13 phiên tăng trần liên tiếp, đưa giá cổ phiếu từ mức 5.000 đồng ngày 28/04 lên thành 11.600 đồng, tương ứng tăng hơn 134%.

Theo BCTC hợp nhất mới công bố, CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT) đạt doanh thu hơn 316 tỷ đồng trong quý 1/2017, tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm trước với lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 135 tỷ đồng, gấp 6 lần. Điều này đã giúp lợi nhuận sau thuế của công ty trong quý đầu tiên của năm 2017 gấp 17 lần so với quý 1/2016, đạt hơn 69 tỷ đồng. Mức lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm 2017 cũng xấp xỉ tổng lợi nhuận trong 2 năm 2015 và 2016 của SGT đạt được.

NVT của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay đã có những tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây khi mà năm 2016 có lãi 15,6 tỷ đồng. Trong quý 1/2017, NVT tiếp tục công bố những số liệu khả quan khi lãi 14,43 tỷ đồng, gần bằng kết quả thực hiện trong cả năm 2016.

Năm 2017, NVT đặt kế hoạch lãi ròng 16,5 tỷ đồng và với kết quả thực hiện trong quý 1, công ty đã hoàn thành 87% chỉ tiêu đề ra. Những con số đó dường như đã kích thích dòng tiền nóng đổ mạnh vào NVT khiến cổ phiếu này tăng trần liên tục 11 phiên liên tiếp. Giá cổ phiếu hiện ở mức 4.650 đồng, tăng trưởng 143% so với mức giá 1.900 đồng hồi cuối tháng 4.

Một số trường hợp cổ phiếu cũng tăng mạnh như QBS, tăng 81% từ 5.300 đồng lên 9.700 đồng khi bắt đầu ghi nhận doanh thu ICD Quảng Bình – Đình Vũ từ giữa năm 2017.

Hay như cổ phiếu MCG tăng 76% từ 2.200 đồng lên 3.900 đồng khi được HSX đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo từ ngày 19/04/2017.

Một gương mặt mới của sàn chứng khoán là cổ phiếu DVN của Tổng Công ty Dược Việt Nam vừa chào sàn Upcom hôm 19/05/2017. Ngay sau đó, cổ phiếu này đã liên tục tăng trần 5 phiên liên tiếp và hiện chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Tính đến hiện tại, DVN đã tăng 72% từ giá 14.500 đồng lên 24.900 đồng Sức hút của Vinapharm có lẽ phần lớn bởi những khu đất vàng mà đơn vị đang nắm giữ. Hiện Vinapharm đang quản lý sử dụng gần 9.870m2 đất, chủ yếu là khu đất diện tích lớn tại khu vực nội thành hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Hải Thanh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên